Từ con đường lịch sử đến tham vọng hiện đại
Trong nhiều thế kỷ, Con đường tơ lụa trải dài trên sa mạc, đến thảo nguyên, qua núi đồi và liên kết nhiều vương triều Trung Quốc với các nước châu Âu. Nhà cầm quyền Trung Quốc từng dùng con đường chiến lược này để mở rộng quyền lực và tầm ảnh hưởng sâu rộng khắp châu Á.
Hiện nay, giới chức Trung Quốc đang tái xây dựng lại con đường cổ đại, hiện thực hóa các tham vọng chính trị, kinh tế bằng một dự án khổng lồ có tên: “Một vành đai, một con đường”. Dự án sẽ xây dựng đường giao thông, đường sắt, cảng biển và các cơ sở hạ tầng khác trên khắp châu Á và xa hơn nữa, nhằm thắt chặt giao thương của Đại lục với phần còn lại của thế giới.
Hồi cuối tháng 10, đề án này đã được xếp vào vị trí nổi bật trong kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc, trở thành một chủ đề ưa thích của các nhà lãnh đạo hàng đầu, những người cho biết dự án trên sẽ là một phát kiến quốc tế nhằm thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi dự án là “câu trả lời cho lời kêu gọi hợp tác trong khu vực và toàn cầu ở thời đại của chúng ta” trong một bài phát biểu tại Diễn đàn Bác Ngao tháng 3 vừa qua.
Thế nhưng trên thực tế, “Một vành đai, một con đường” chỉ dành cho Trung Quốc. Dự án được phát triển để chuyển các chiến lược và lợi ích kinh tế của Bắc Kinh ra thế giới, mở thêm cơ hội tốt cho các công ty Trung Quốc vốn đang chịu suy thoái kinh tế trong nước.
Trước đây, Bắc Kinh đã sử dụng các dự án cơ sở hạ tầng để thúc đẩy ảnh hưởng của mình tại các nước nghèo, đa số là ở châu Phi. Song “Một vành đai, một con đường” giờ đây đưa tham vọng trên lên một mức độ mới. Trong bài phát biểu hồi tháng 5, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming cho biết phát kiến trên sẽ bao gồm 60 quốc gia với số dân chiếm 2/3 dân số toàn cầu.
Vì sao Trung Quốc tích cực thúc đẩy “Một vành đai, một con đường”?
Đại lục có cả một danh sách dài các lý do để thực hiện “Một vành đai, một con đường”.
Thứ nhất, đó là vì lợi ích quốc gia, mà cụ thể là việc cắt giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, bảo đảm sự thâm nhập vào các thị trường và nhiều loại hàng hóa chính. Thứ nhì, con đường trên sẽ gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính quốc tế.
Giám sát công trình người Trung Quốc và lao động địa phương tại dự án xây dựng xa lộ 8 làn xe ở thủ đô Kathmandu (Nepal) - Ảnh: Bloomberg |
Thứ hai, Bắc Kinh và các tổ chức tài chính sẽ cung cấp các khoản vay và đầu tư cho phát kiến này. Đơn cử, Quỹ Con đường tơ lụa vừa được lập ra hồi tháng 12 năm ngoái với 40 tỉ USD đầu tư cho “Một vành đai, một con đường”. Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cũng cho các nước nằm dọc tuyến đường trên vay vốn.
Thứ ba, phát kiến trên sẽ giúp các nền kinh tế mới nổi xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Một số nền kinh tế trên thuộc những vùng mà phương Tây muốn đạt được tầm ảnh hưởng, chẳng hạn như Trung Á. Với các nước đang phát triển đang rất cần nâng cấp đường sá, bến cảng, đường sắt và hệ thống điện, sự giúp sức của Đại lục gần như là không thể chối từ.
Cuối cùng, bằng việc cải thiện cơ sở hạ tầng, Trung Quốc có thể kéo GDP các nước nghèo đi lên. Từ đó phần nào tích cực hóa tăng trưởng kinh tế thế giới. Dự án cũng có thể mở ra cơ hội thành lập các doanh nghiệp ở phương Tây.
Con đường sẽ không bằng phẳng
Ngay cả khi ngân hàng Trung Quốc và các quỹ đặc biệt huy động hết nguồn lực, vẫn chưa chắc chắn rằng khoản tiền để tài trợ cho dự án Con đường tơ lụa mới này sẽ từ đâu ra.
Một báo cáo trên phương tiện truyền thông Đại lục cho hay số dự án nằm dưới phát kiến Con đường tơ lụa mới đã lên đến 900 dự án, với tổng số vốn đầu tư lên đến 890 tỉ USD. Với nhiều dự án dành cho các quốc gia có nền kinh tế yếu và hệ thống quản lý không minh bạch, tiền của Trung Quốc có thể trôi đến bờ tham nhũng hoặc lạc mất trong các kế hoạch ít khả thi.
Theo số liệu của American Enterprise Institute (AEI), khoảng 1/4 số dự án đầu tư và xây dựng nước ngoài được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc trong những năm từ 2005 đến 2014, với tổng số vốn 246 tỉ USD, đã bị trì hoãn hoặc thất bại. Một nửa trong số các dự án trên thuộc lĩnh vực giao thông, vận tải và năng lượng, hệt như các loại dự án là chìa khóa trong “Một vành đai, một con đường”.
“Trung Quốc hiện cố gắng kể một câu chuyện về sự thành công kinh tế, nếu có một số thất bại được nhiều người biết đến thì sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của nước này”, Homi Kharas, chuyên gia tại Viện Brookings cho biết.
Ngoài ra, cũng không có gì đảm bảo rằng đồng tiền từ Trung Quốc sẽ đem lại cho nước này những tình bạn thân thiết. Ở châu Phi, nơi mà Đại lục đã đầu tư từ lâu, khảo sát của hãng Gallup thực hiện hồi tháng 8 cho hay tỷ lệ đồng thuận dành cho các lãnh đạo Bắc Kinh đã giảm ở 7 trong số 11 nước được khảo sát.
“Thiện chí lớn không thể biến thành một tình cảm ấm áp. Quyền lực mềm của Trung Quốc hiện còn tương đối yếu”, J. Peter Pham, Giám đốc Trung tâm châu Phi tại Viện chính sách Atlantic Council ở Washington (Mỹ) nói.
Cuối cùng, dự án trên cũng có thể đặt ra mối nguy với chính nền kinh tế Đại lục. Chính quyền địa phương Trung Quốc đã và đang vào cuộc, công bố một loạt các dự án nhằm kết nối các tỉnh của họ với tuyến đường tơ lụa mới. Báo cáo tháng 4 của ngân hàng HSBC cho biết tổng số dự án đã được lên kế hoạch ở Trung Quốc lên đến 230 tỉ USD.
Đầu tư cơ sở hạ tầng có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nhưng lại làm ngưng trệ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, có thể gây khó nhiều hơn trong thời gian tới. Thực tế, “Một vành đai, một con đường” bản chất là sự xuất khẩu chiến lược tăng trưởng kinh tế cũ của Đại lục: dùng nhiều ngân hàng nhà nước để tài trợ đầu tư cho các công ty Trung Quốc trên đất người.
“Người Trung Quốc đang làm việc rất chăm chỉ, vung tiền vào bất cứ vấn đề gì để bảo đảm rằng “Một vành đai, một con đường” có hiệu quả”, Derek Scissors, một học giả thuộc AEI nhận định. Điều này có thể khiến giấc mơ Con đường tơ lụa mới trở thành một nỗi thất vọng lớn.
Thu Thảo