Theo thông cáo báo chí ngày 30.11, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đã tổ chức phiên tranh tụng liên quan đến các nội dung cụ thể của vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông. Sau phiên tranh tụng diễn ra từ ngày 24 - 30.11, tòa sẽ xem xét các phản hồi của các bên gửi đến và tiến hành các phiên thảo luận kín giữa các trọng tài viên để có thể ra phán quyết cuối cùng vào năm 2016.
Một trong những vấn đề nóng nhất trong phiên tranh tụng lần này là yêu sách “quyền lịch sử” đối với “đường 9 đoạn”. Từ trước đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ bản chất pháp lý của yêu sách này. Vì thế mọi lập luận của Philippines đưa ra đều dựa trên việc giải thích các tuyên bố và các hành động liên quan của Trung Quốc. Đây cũng là một thách thức không nhỏ cho PCA nếu quyết định xem xét yêu sách này.
Theo Philippines, Trung Quốc yêu sách “quyền lịch sử” đối với việc quản lý và khai thác tài nguyên tại vùng biển nằm bên trong “đường 9 đoạn”. Philippines cũng cho rằng Trung Quốc không yêu sách danh nghĩa lịch sử của vùng biển này và cũng không coi vùng biển này là lãnh hải.
Hơn nữa, Philippines cho rằng luật quốc tế không chấp nhận một yêu sách vùng biển lớn như Trung Quốc đang đòi hỏi. Đồng thời, Philippines cũng bày tỏ quan điểm là yêu sách của Trung Quốc không phải là “quyền lịch sử”. Yêu sách này mới chỉ được Trung Quốc công bố chính thức năm 2009 và bị các nước ven Biển Đông phản đối nên không thể coi đây là yêu sách có tính lịch sử lâu dài.
Đối với Việt Nam, quyết định về hiệu lực pháp lý của “đường 9 đoạn” có ý nghĩa quan trọng. Việt Nam là một bên tranh chấp tại Biển Đông, đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên chịu sự tác động do yêu sách “đường 9 đoạn”. Hơn nữa, Việt Nam trên nhiều diễn đàn đàm phán khác nhau đang đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề phân định biển, cũng như quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Vì vậy, việc tòa đưa ra quyết định về vấn đề “đường 9 đoạn” sẽ tác động đến chính sách và thái độ của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán.
Bên cạnh đó, Philippines còn yêu cầu tòa quyết định bản chất pháp lý của các thực thể ở Trường Sa để xác định chắc chắn rằng các thực thể đó chỉ có thể là đá hoặc bãi cạn lúc nổi lúc chìm (LTE). Cụ thể, Philippines yêu cầu xác định Vành Khăn và Cỏ Mây thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines; Ga Ven và Ken Nan là LTE nên không được hưởng quy chế về lãnh hải, EEZ và thềm lục địa; Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập không được hưởng quy chế về EEZ và thềm lục địa.
Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền vô lý gần như cả vùng Biển Đông bằng cái gọi là "đường lưỡi bò" - Ảnh: CIA World Factbook |
Các quyết định này có ý nghĩa lớn không chỉ đối với Philippines mà đối với các nước khác. Thứ nhất nó sẽ giúp giới hạn lại vùng biển tranh chấp giữa các quốc gia tại Biển Đông vì các thực thể tại Trường Sa không tạo ra thềm lục địa, không tạo ra vùng biển chồng lấn với 200 hải lý. Thứ hai, quyết định về vấn đề này cùng với quyết định bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” sẽ phủ nhận mọi yêu sách của Trung Quốc về vùng biển chồng lấn lên EEZ và thềm lục địa của các nước ven Biển Đông.
Đây là một việc cực kỳ phức tạp về mặt pháp lý lẫn về mặt khoa học địa chất. Và đây là vụ việc đầu tiên mà một cơ quan tài phán quốc tế phải đối diện trực tiếp với yêu cầu giải thích về định nghĩa “đảo” và “đá” trong Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển. Quyết định của tòa vì vậy có ý nghĩa pháp lý và chính trị lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của luật biển quốc tế.
Trần Duy
(ĐH Melbourne) - Minh Trang (ĐH KHXH & NV TP.HCM)