Việc Trung Quốc tăng cường hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông thời gian gần đây khiến các quốc gia láng giềng lo ngại. Bắc Kinh thật ra đã có hành động bành trướng trên Biển Đông trong nhiều thập niên gần đây, theo chuyên sanThe Diplomat (trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản).
Trung Quốc lần đầu tiên thể hiện sức mạnh trên Biển Đông vào tháng 1.1974. Khi đó, Trung Quốc cho quân tấn công quân đội Việt Nam Cộng hòa và đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Vào tháng 3.1988, Trung Quốc sử dụng một lực lượng lớn hải quân gồm nhiều tàu chiến tấn công đánh chiếm 7 bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo The Diplomat. Tháng 4.2012, Trung Quốc đụng độ với Philippines tại bãi cạn tranh chấp Scarborough trên Biển Đông. Bắc Kinh được cho đã chiếm được bãi cạn này. Từ đó, Trung Quốc chuyển trọng tâm sang bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông đang bị Philippines chiếm đóng. Tàu tuần duyên Trung Quốc liên tục gây hấn, chặn tàu tiếp tế của Philippines đến bãi Cỏ Mây, theo Reuters.
Trung Quốc sau đó tiếp tục gây hấn bằng việc kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam đầu tháng 5.2014. Bắc Kinh điều động cả trăm tàu đến bảo vệ giàn khoan, ngang ngược đâm húc tàu Việt Nam và đâm chìm tàu cá Việt Nam. Đối mặt với sự phản đối của Việt Nam và dư luận quốc tế, Bắc Kinh phải rút giàn khoan vào tháng 7.2014.
Từ cuối năm 2014 đến nay, Trung Quốc gia tăng các hoạt động xây dựng trái phép với âm mưu biến những bãi đá ngầm chiếm đóng phi pháp thành đảo nhân tạo, phục vụ mưu đồ bành trướng quân sự trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ các nước láng giềng. Lầu Năm Góc đang cân nhắc việc điều động máy bay quân sự và tàu chiến tuần tra quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc đang bồi đắp nhằm đảmbảo tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông, Reuters ngày 13.5 dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ. Các phương tiện tấn công đổ bộ của Thủy quân Lục chiến Mỹ tập trận đổ bộ với quân đội Philippines ngày 21.4.2015 - Ảnh: AFP |
Trung Quốc sẽ thất bại với chiến lược bành trướng Biển Đông
Giáo sư Leszek Buszynski, làm việc tại Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc, nhận định: “Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở quần đảo Trường Sa để gây áp lực, áp luật riêng của mình trong vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với các nước ASEAN”, theo The Diplomat.
Trung Quốc định ép các quốc gia ASEAN đầu hàng và công nhận tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh nuốt trọn gần cả Biển Đông, theo ông Buszynski.
Bắc Kinh cũng có thể xui khiến các nước ASEAN tuân theo “luật riêng” của nước này hoặc chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông bằng các hứa hẹn hợp tác, lợi ích từ những dự án hạ tầng, đầu tư, thương mại thông qua ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á mà Trung Quốc mới đề xuất lập ra gần đây, ông Buszynski nhận định.
“Mặc dù Trung Quốc gây áp lực với các nước ASEAN có tranh chấp lãnh thổ với nước này trên Biển Đông, nhưng Bắc Kinh sẽ không thể đạt được mục đích, bởi vì những hành động của họ đã lôi kéo các cường quốc bên ngoài vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông”, chẳng hạn Philippines cậy nhờ đến đồng minh Mỹ, ông Buszynski cho biết.
Philippines và Mỹ có một lịch sử hợp tác quân sự lâu dài. Vào năm 1999, Philippines ký kết thỏa thuận với Mỹ cho phép lực lượng quân sự Mỹ thường xuyên đến thăm nước này.
Vào tháng 4.2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm thủ đô Manila, ký Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng giữa hai nước Mỹ - Philippines. Thỏa thuận này cho phép Hải quân Mỹ tăng cường sử dụng các cảng của Philippines và luân chuyển lính Mỹ đến đồn trú ở các căn cứ quân sự của Philippines.
Ngoài Mỹ, Úc và Nhật Bản cũng lo ngại về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tokyo, đồng minh của Washington, đang cân nhắc việc tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông, theo Reuters. Chính phủ Nhật Bản cũng từng tuyên bố tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước Đông Nam Á.
“Malaysia và Indonesia trước đây đứng bên lề, nhưng những hành động ngang ngược của Trung Quốc trong khu vực đã khiến hai nước này bức xúc”, theo giáo sư Buszynski.
Malaysia lo ngại trước việc tàu hải quân Trung Quốc tuần tra quanh bãi ngầm James của Malaysia. Bề ngoài, các lãnh đạo Malaysia vẫn tiếp tục lên tiếng hô hào hợp tác với Trung Quốc, nhưng bên trong các lãnh đạo quốc phòng cực kỳ lo ngại về những hành động của Bắc Kinh, theo ông Buszynski. Rõ ràng, Bộ Quốc phòng Malaysia đang tìm cách nhờ đến sự hỗ trợ của Mỹ và đang tiến hành huấn luyện để thành lập lực lượng lính thủy đánh bộ dựa theo mô hình của Mỹ.
Indonesia trước đây từng xem mình như một trung gian hòa giải tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trên Biển Đông. Tuy nhiên, Jakarta trong những năm gần đây trở nên lo ngại trước việc Tung Quốc lăm le quần đảo Natuna của Indonesia. Bộ Quốc phòng Indonesia từng lên tiếng cảnh báo về những mối đe dọa từ tình hình bất ổn ở Biển Đông, tuyên bố sẽ tăng cường triển khai thêm các đơn vị không quân bảo vệ Natuna.
Bên cạnh đó, Singapore, Malaysia và Indonesia cũng đang hướng đến tăng cường mở rộng tuần tra chung trên Biển Đông, theoChannel News Asia (Singapore).
Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên ASEAN khác, như Thái Lan và Campuchia, lại theo lập trường không muốn đụng chạm với Trung Quốc vì lo ngại đánh mất quan hệ hợp tác thương mại với Bắc Kinh, theo nhận định của ông Buszynski. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia, bà Soeung Rathchavy hôm 7.5 còn “khuyên” ASEAN nên đứng ngoài tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Tóm lại, một ASEAN đoàn kết cùng với sự vào cuộc của các cường quốc như Mỹ và Nhật Bản có thể gây áp lực để Trung Quốc từ bỏ những hành động gây hấn và ngồi vào bàn đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (CoC) với ASEAN. Điều này sẽ khiến cho chiến lược bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông thất bại.