Một quan chức Mỹ tiết lộ Lầu Năm Góc đang cân nhắc việc điều động máy bay quân sự và tàu chiến tuần tra quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc đang bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa, nhằm đảm bảo tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông. Động thái này nếu thực hiện sẽ đưa Mỹ dấn sâu vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, các chuyên gia an ninh khu vực cho hay, theo The Wall Street Journal (Mỹ) ngày 13.5.
Trung Quốc lập tức bày tỏ lo ngại và yêu cầu Washington giải thích thông tin trên, cảnh báo Mỹ sẽ vượt quá lằn ranh cho phép nếu thực hiện kế hoạch tuần tra quanh đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây trái phép trên Biển Đông. “Tự do hàng hải không có nghĩa là tàu hoặc máy bay quân sự nước ngoài có thể xâm phạm vùng biển và không phận của nước khác”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh ngày 13.5 nói trong một buổi họp báo.
Phát ngôn của bà Hoa củng cố quan điểm rằng Mỹ và Trung Quốc có thể trong tình trạng xung đột. Nếu Mỹ thực hiện kế hoạch tuần tra nhưng vẫn không thể kiềm chế Trung Quốc, thì Washington sẽ đối mặt với lựa chọn khó khăn: Hoặc rút lui và hủy hoại uy tín với các nước bạn cùng đồng minh trong khu vực, hoặc làm gia tăng nguy cơ rơi vào xung đột trực tiếp với Trung Quốc.
The Wall Street Journal cho hay khó có khả năng Trung Quốc ngừng các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép vì Bắc Kinh gần như hoàn tất việc xây dựng. “Trung Quốc sẽ không ngừng hoạt động mà nước này cho rằng nằm trong lãnh thổ của họ”, giáo sư M. Taylor Fravel, chuyên ngành khoa học chính trị của Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), nhận định.
Trước đây, Trung Quốc từng khôn ngoan lợi dụng thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ. Hồi tháng 5.2014, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến công du châu Á nhằm tái khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh tại đây, Trung Quốc liền kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam vào đầu tháng 5.2014. Bắc Kinh còn điều động cả trăm tàu đến bảo vệ giàn khoan, ngang ngược đâm húc tàu Việt Nam và đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Ý đồ của Trung Quốc trong vụ kéo giàn khoan Hải Dương-981 là nhằm phơi bày những cam kết được cho là “rỗng tuếch” của Mỹ về việc đảm bảo an ninh cho các đồng minh trong khu vực, The Wall Street Journal nhận định. Các chuyên gia nhận định chiến lược quân sự của Trung Quốc trong khu vực được xây dựng quanh việc phát triển khí tài quân sự: tên lửa, tàu chiến, chiến đấu cơ, vũ khí chống vệ tinh và vũ khí chiến tranh mạng, là nhằm mục tiêu bằng mọi giá ngăn chặn Mỹ can thiệp vào bất kỳ cuộc xung đột nào trong khu vực.
Gây áp lực lên Trung Quốc, Mỹ nên cân nhắc sự nhạy cảm của các đồng minh trong khu vực vốn không muốn bị ép phải chọn lựa giữa hai cường quốc này. “Thăm dò ý kiến phản hồi và phản ứng từ các đồng minh và Trung Quốc đối với động thái quân sự của Mỹ sẽ điều rất quan trọng đối với Washington”, The Wall Street Journal cho hay.
Vì thế, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ đến Singapore vào cuối tháng 5.2015 tham dự một hội nghị an ninh có thể bị vấn đề xây đảo nhân tạo của Trung Quốc làm lu mờ. Ông Carter đã đề ra các lựa chọn, bao gồm điều máy bay và tàu chiến tuần tra trong phạm vi cách các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây khoảng 12 hải lý (22 km).
Tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth lần đầu tiên tuần tra ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa trên Biển Đông ngày 11.5, xa xa phía sau bên trái là tàu hộ vệ tên lửa Yancheng của Trung Quốc bám theo - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Hiện vẫn chưa rõ Mỹ muốn gì khi đưa máy bay quân sự và tàu tuần tra quanh những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép trên Biển Đông, nhưng Washington đang chịu áp lực phải hành động.
Các quốc gia Đông Nam Á lo ngại những đường băng và cảng mà Trung Quốc xây trên các đảo nhân tạo sẽ tạo cơ sở vững chắc cho Bắc Kinh bành trướng lực lượng quân sự và kiểm soát các hoạt động khác như đánh bắt cá và thăm dò dầu mỏ ở Biển Đông.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Mỹ cũng chỉ dừng lại ở mức lên tiếng cảnh báo, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và thực hiện Tuyên bố chung về ứng xử ở Biển Đông (DoC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN.
Mỹ cũng nỗ lực tăng cường tập trận quân sự chung với các đồng minh và đối tác, bao gồm Philippines. Mỹ đang cung cấp cho những nước này công nghệ quân sự có thể giúp tăng cường khả năng theo dõi hoạt động của tàu và máy bay Trung Quốc. Nhật Bản cũng tham gia nỗ lực này của Mỹ.
Nhưng những nỗ lực của Mỹ không mấy hiệu quả, “Mỹ cảm thấy sự tín nhiệm của đồng minh, đối tác đối với mình bị đe dọa nên cần phải tăng cường nỗ lực”, bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), nhận định.
Bà Glaser tin rằng Washington nhận thức được Mỹ không thể khiến Trung Quốc ngừng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, thay vào đó mục tiêu của Mỹ là nhằm ngăn chặn Trung Quốc dùng đảo nhân tạo để bắt nạt các nước láng giềng, đe dọa tự do hàng hải trên Biển Đông.
Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ nói với các lãnh đạo Trung Quốc rằng Washington duy trì cam kết đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông khi ông đến thăm Bắc Kinh cuối tuần này, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13.5 tiết lộ với Reuters. Nhưng nếu Mỹ thực hiện kế hoạch tuần tra, thì tàu chiến Mỹ và Trung Quốc sẽ đối đầu nhau quanh các đảo nhân tạo ở cự ly gần, theo ông Ian Storey, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore). “Điều này sẽ nhanh chóng dẫn đến một vụ đụng độ nhỏ, nhưng sau đó kích ngòi cuộc khủng hoảng chính trị và quân sự quy mô lớn giữa Mỹ-Trung Quốc”, theo ông Storey.