Kể từ năm 2010, môi trường an ninh của Nhật ngày càng xấu đi. Tại CHDCND Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền và tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân, tên lửa. Trong khi đó, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật ngày càng leo thang. Ngoài nỗ lực xây dựng cơ sở pháp lý cho việc mở rộng vai trò của lực lượng phòng vệ, Tokyo hiện còn ráo riết nâng cấp các năng lực quốc phòng để ứng phó với cục diện an ninh mới. Dưới đây là những loại vũ khí đáng gờm nhất của nước Nhật, theo bình chọn của tờ The National Interest.
Tàu sân bay trực thăng Izumo
Được phát triển từ tàu khu trục lớp Hyuga, tàu sân bay trực thăng lớp Izumo dài 248 m, ngang 38 m và có độ choán nước 19.500 tấn. Với thủy thủ đoàn 470 người, tàu có thể chở theo 14 trực thăng. Diện tích sàn tàu đủ rộng để 5 trực thăng có thể cất cánh cùng lúc.
Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật mô tả Izumo là tàu đa nhiệm, song vai trò chính của nó là chống tàu ngầm, với sự có mặt của các trực thăng Mitsubishi H-60. Vai trò thứ hai là cứu trợ thảm họa, với 35 giường bệnh và một phòng phẫu thuật.
Cũng như tàu lớp Hyuga, tàu Izumo có thể tham gia chuyển quân cũng như là bệ phóng cho các trực thăng CH-47J và AH-64J thực hiện sứ mệnh không kích. Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất của Izumo là có thể được cải tạo thành tàu sân bay dành cho các máy bay cánh bằng. Nhật chưa từng công khai tuyên bố về kế hoạch này, song theo đánh giá của giới chuyên gia, Izumo đủ lớn để chứa các chiến đấu cơ cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như F-35B, vốn rất hữu dụng trong việc yểm trợ các sứ mệnh đổ bộ cũng như tuần tra bảo vệ những nhóm đảo Ryukyu và Senkaku/Điếu Ngư.
Nếu được cải tạo đúng mức, mỗi tàu Izumo có thể chở theo hơn 10 chiếc F-35B và hoạt động như một tàu sân bay thực thụ.
Tàu ngầm lớp Soryu
Tàu ngầm lớp Soryu được mô tả là tàu ngầm điện - diesel tối tân nhất trên thế giới, có độ choán nước 4.100 tấn. Tàu có thể chạy với tốc độ 13 hải lý/giờ khi nổi và 20 hải lý/giờ khi lặn. Với 4 hệ thống động cơ hoạt động không cần không khí Stirling, tàu lớp Soryu có thể lặn dưới nước lâu hơn bất kỳ loại tàu ngầm quy ước nào khác.
Được đóng bởi hai tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Shipbuilding Corporation, tàu lớp Soryu sở hữu 6 ống phóng có thể phóng các loại ngư lôi Type 89 và tên lửa Sub-Harpoon do Mỹ chế tạo. Nhật hiện sở hữu 8 tàu ngầm lớp Soryu và đang đóng thêm nhiều chiếc nữa. Đây là loại tàu ngầm mà Úc và Ấn Độ đang ngắm nghía để thay thế cho các tàu chạy điện - diesel hiện nay của họ.
Hạm đội của Nhật đáng gờm ở chỗ nước này có kinh nghiệm vận hành tàu ngầm cả trăm năm nay và thủy thủ đoàn của họ được huấn luyện với tiêu chuẩn rất cao. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của Soryu là có tầm hoạt động khá ngắn, do được chế tạo với mục đích chủ yếu là phòng thủ các eo biển xung quanh nước Nhật như Tsugaru, Tsushima, Kanmon và Soya.
Tàu khu trục lớp Atago
Hơn bất cứ nước nào khác, sự sống còn của quần đảo Nhật phụ thuộc vào các tuyến đường biển và đường không. Và với kinh nghiệm cay đắng từ Thế chiến 2, khi phải thúc thủ trước sự phong tỏa của các tàu ngầm Mỹ, Nhật đã xây dựng hạm đội tàu khu trục lên đến 40 chiếc.
Tàu khu trục uy lực nhất của Nhật hiện nay là các chiếc lớp Atago, với độ choán nước 10.000 tấn. Tàu này được phát triển từ tàu lớp Kongo và phỏng theo tàu lớp Arleigh Burke Flight IIA của Mỹ. Điểm khác biệt của Atago so với Kongo là có thêm một khoang chứa trực thăng và nhiều khoang chứa tên lửa phóng thẳng đứng hơn, với 96 khoang có thể chứa các tên lửa đối không SM-2, tên lửa đánh chặn SM-3 hoặc ngư lôi ASROC. Giống như tàu khu trục lớp Arleigh Burke Flight IIA của Mỹ, Atago được thiết kế để làm bá chủ trận địa phòng thủ tên lửa đạn đạo, với hệ thống phòng thủ Aegis của Mỹ.
Để ứng phó quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc cùng chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Tokyo hiện đóng thêm 2 chiếc lớp Atago. Nếu hoàn tất, Nhật sẽ có tổng cộng 8 tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, vốn được ví như thần hộ mệnh của nước Nhật trước mối đe dọa tên lửa đạn đạo.
Một trực thăng MV-22 Osprey của Thuỷ quân lục chiến Mỹ - Ảnh: USMC |
Trực thăng phản lực V-22 Osprey
Lính thủy Nhật đã huấn luyện với máy bay vận tải V-22 Osprey từ năm 2013 khi tập trận với thủy quân lục chiến Mỹ. Vào tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã báo cáo với Quốc hội kế hoạch bán 17 chiếc V-22 Osprey cho Nhật. Hợp đồng trị giá 3 tỉ USD này sẽ là thương vụ bán V-22 Osprey ra nước ngoài đầu tiên của Mỹ.
Sở hữu các loại trực thăng lai “Chim ưng biển” này là một bước nhảy vọt đối với năng lực chuyển quân chiến thuật của Nhật, đáp ứng nhu cầu về lực lượng phản ứng nhanh để tăng viện hoặc tái chiếm các hòn đảo trong bối cảnh tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ngày càng leo thang. Với khả năng vận chuyển 24 lính thủy trên quãng đường dài gần 800 km mỗi chiếc, Osprey có thể triển khai lực lượng đến Senkaku/Điếu Ngư trong khoảng 1 giờ rưỡi mà không cần tiếp liệu. Ngoài ra, Osprey có thể cất cánh từ tàu đổ bộ lớp Osumi, tàu khu trục lớp Hyuga hoặc Izumo.