Phát biểu tại một cuộc nói chuyện ở Manila hôm 29.7, ông nói rằng các bên tranh chấp Biển Đông gồm Nhật, Philippines, Việt Nam và Trung Quốc (TQ) phải ảnh hưởng lẫn nhau, làm gương cho nhau để giải quyết tranh chấp trên biển. Mỹ khuyến khích các bên liên quan ngồi lại, xác định và tự nguyện chấm dứt các hoạt động gây rắc rối trên biển. Ông Russel nói: “Chúng tôi thúc giục TQ và các nước tuyên bố chủ quyền khác đối thoại về các hoạt động nào chấp nhận được với họ - vừa để giúp giảm căng thẳng, và quản lý các khác biệt về lâu, về dài”.
Ông Russel nói, việc đàm phán tiến tới một Bộ luật Ứng xử Biển Đông (COC) và chấm dứt các hoạt động trên biển sẽ bổ sung cho những gì còn thiếu trong Tuyên bố Ứng xử Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và TQ.
Tuy nhiên, Mỹ tin rằng “các cường quốc có trách nhiệm đặc biệt trong việc thể hiện sự kiềm chế”. “Căng thẳng lan ra trong những năm qua và năm nay lên mức rất cao. Những hành động quả quyết, đơn phương gần đây của TQ đã gây ra sự lo ngại đặc biệt về những tuyên bố bành trướng của TQ, cũng như sự e ngại về việc TQ sẵn sàng đến mức nào trong việc tuân theo luật pháp quốc tế”.
Ông Russel khẳng định, Mỹ ủng hộ Philippines theo đuổi việc kiện TQ để giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế. “Nhưng thay vì tham gia vào một cách xây dựng và tranh luận chứng minh cho trường hợp của mình như tòa án quốc tế yêu cầu, thì TQ gây sức ép để Philippines từ bỏ vụ kiện và cố gắng cô lập Philippines về mặt ngoại giao” - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói. “Luật quốc tế, chứ không phải sức mạnh của một quốc gia, phải là cơ sở cho việc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông”. Theo ông, chính điều đó sẽ góp phần hình thành một trật tự trên cơ sở luật lệ để củng cố các thể chế khu vực như ASEAN.
“Sự năng động kinh tế của Đông Nam Á và tầm quan trọng chiến lược của khu vực đã khiến Đông Nam Á được chính quyền Mỹ quan tâm đặc biệt - một sự tái cân bằng trong tái cân bằng, nếu như Đông Nam Á làm được” - ông Russel nói khi nhắc tới sự chuyển hướng chính sách ngoại giao của Mỹ sang Châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông, chìa khóa cho sự phát triển của Đông Nam Á là giải quyết hòa bình các căng thẳng trên biển. “Các thể chế mạnh mẽ có thể ảnh hưởng đến cách ứng xử của tất cả các thành viên, giúp tránh xung đột và khuyến khích giải pháp hòa bình cho các xung đột”.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Châu Á - Thái Bình Dương có tiềm năng hầu như không hạn chế, nếu khu vực này tránh được những cạm bẫy trước mắt. Các thể chế mạnh là chìa khóa, không chỉ để tránh và giải quyết xung đột, mà còn để xóa bỏ các rào cản thương mại, bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản”.
Trong khi đó, báo chí TQ ngày 31.7 cho biết, chính quyền TQ đang xây dựng kế hoạch khai thác băng cháy trên Biển Đông vào năm 2017. Đề xuất này được đưa ra tại một hội nghị quốc tế về khí hydrate ở Bắc Kinh. Một quan chức TQ cho biết, TQ là một trong số ít nước “có trữ lượng băng cháy dồi dào trên thế giới với khoảng tương đương 10 tỉ tấn dầu cả trong lòng đất và trên biển, tương đương với tổng trữ lượng khí tự nhiên và dầu ở TQ” - quan chức này nói. Không rõ ông này khi nhắc tới “trên biển” cụ thể gồm những vùng biển nào, hoặc có thể là toàn bộ “vùng lưỡi bò” trên Biển Đông mà TQ vẫn nhận vơ là của họ. Băng cháy về cơ bản là khí methane ở thể rắn. Một mét khối băng cháy có năng lượng tương đương hơn 160 mét khối khí tự nhiên.
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước sự kiện Trung Quốc thông báo tập trận bắn đạn thật ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định, mọi hoạt động của các bên trên Biển Đông cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không làm phức tạp thêm tình hình và làm ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực.
Theo ông Lê Hải Bình, cho đến nay, mọi hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật cũng như ngư dân vẫn diễn ra bình thường.Ông Lê Hải Bình cho biết, tại các hội nghị khu vực ASEAN sắp tới, Việt Nam sẽ có những đóng góp thiết thực và có những sáng kiến để góp phần vào việc củng cố vai trò đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN, quan hệ của ASEAN với đối tác cũng như góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực".
Phương Thúy