Chuyên gia Donald Jensen, thành viên cấp cao của Trung tâm nghiên cứu các quan hệ xuyên Đại Tây Dương tại Viện đại học John Hopkins (Mỹ), cho rằng Nga muốn bảo vệ đồng minh lâu dài của mình là Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đánh lạc hướng sự chú ý của quốc tế khỏi những hoạt động quân sự của nước này tại Ukraine, theo kênh CNBC.
Tuy nhiên, ông Putin có thể tin rằng việc Nga giữ vai trò tại Syria có thể giúp Nga có tiếng nói trong thỏa thuận buộc châu Âu (EU) phải dỡ bỏ các cấm vận kinh tế, theo ông Jensen.
Châu Âu hiện gặp phải cuộc khủng hoảng người tị nạn chưa từng thấy, khởi nguồn từ cuộc chiến tại Syria và những nơi khác, dòng người cứ đổ về không có dấu hiệu ngừng lại. Cuộc khủng hoảng tị nạn đã gây ra nhiều căng thẳng về kinh tế và chính trị nghiêm trọng.
Vấn đề của châu Âu là làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này càng sớm càng tốt. Trong khi đó, lợi ích sống còn của ông Putin là nới lỏng hoặc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, theo hãng tin Al Jazeera. Chủ tịch Ian Bremmer của tập đoàn tư vấn nguy cơ chính trị Eurasia (Mỹ) đồng ý rằng Nga có thể tranh thủ điều này khiến châu Âu dỡ bỏ trừng phạt, vì các nước châu Âu nhận định tình hình Syria và cuộc khủng hoảng tị nạn quan trọng hơn.
Dòng người tị nạn từ Syria đổ về châu Âu đang khiến nhiều lãnh đạo phương Tây đau đầu - Ảnh: Reuters |
Nga đã phải hứng chịu thâm hụt ngân sách lớn một phần do những khoản chi cho các hành động quân sự đang gia tăng. Thâm hụt ngân sách liên bang Nga trong năm 2015 dự kiến đến 40 tỉ USD, tương đương 3% GDP, theo công ty nghiên cứu địa chính trị Stratfor. Trong khi đó, Nga vẫn đang tiến hành không kích lực lượng nổi dậy tại Syria và hỗ trợ cho phe ly khai ở Ukraine, theo kênh CNBC.
Có thể lấy Iran làm ví dụ và những gì xảy ra tại nước này cho thấy 2 điều: các lệnh trừng phạt đã có tác dụng và không sớm thì muộn cũng sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, ông Putin có thể sẽ không chỉ muốn đạt được một thỏa thuận với Mỹ và châu Âu. Thay vào đó, Tổng thống Nga sẽ tiếp tục có các hành động để làm cho người châu Âu xem việc đó là phục vụ lợi ích sống còn của họ: làm chậm dòng người tị nạn và đánh IS.
Và vì vậy, những bước đi của ông Putin tại Syria sẽ giúp ông đạt được mục đích tại châu Âu. Al Jazeera mô tả điều này như cú đánh áp phe của Tổng thống Nga, dùng viên bi Syria để đưa viên bi Ukraine rơi xuống lỗ.
Đống đổ nát sau một vụ không kích của Không quân Nga tại Syria - Ảnh: Reuters |
Những lợi ích khác Ngoài mục tiêu dỡ bỏ cấm vận, ông Putin cũng còn những lợi ích khác tại Syria, theo Al Jazeera. Việc Nga thành lập liên minh tình báo với Syria, Iran và Iraq đặt Mỹ vào cảnh ngặt nghèo. Mỹ có thể tham gia liên minh này, đồng nghĩa với việc ngầm thừa nhận tính hợp thức của chế độ Syria hiện tại và cùng phe với Iran, hoặc không gia nhập và bị mắc kẹt vì lòng tự trọng.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ Syria và tham gia liên minh chia sẻ thông tin tình báo cho thấy mục đích khác của Nga: nước này muốn đánh bại IS tại Syria thay vì phải chống lại tổ chức cực đoan này ở trên đất Nga. Nước Nga có lượng người Hồi giáo không nhỏ và các lệnh trừng phạt kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ, vì họ rất dễ bị IS dụ dỗ.
Can thiệp vào Syria vừa là cơ hội vừa là nguy cơ khiến Nga bị sa lầy? - Ảnh: AFP |
Hơn nữa, các nhóm ly khai người Chechnya miền nam Nga nay đã thề trung thành với IS, nhiều người trong số đó đã gia nhập IS tại Syria và Iraq. Và một nghịch lý xảy ra là nếu như ông Putin giành lại hòa bình cho Syria thì những người Chechnya này sẽ trở về Nga, mang theo nhiều rắc rối. Việc Mỹ gặp nhiều khó khăn trong chính sách tại khu vực Trung Đông đang tạo cho Nga cả cơ hội và thách thức, theo chuyên gia Robert Legvold về khoa học chính trị tại đại học Columbia (New York, Mỹ).
“Đó là cơ hội để Nga xuất hiện với vai trò một người chơi chính, nhưng đó cũng là nguy cơ nhấn chìm Nga vào một vũng lầy mà không phe bên ngoài nào đạt được lợi ích”, ông Legvold nhận định.