Việt Nam “hứng” ô nhiễm từ Trung Quốc

Thứ năm - 08/10/2015 03:24 - Đã xem: 750
Không chỉ bị tác động bởi thủy điện, hồ chứa thượng nguồn…, gần đây, Việt Nam phải đối mặt với một nguy cơ khác từ Trung Quốc là ô nhiễm không khí

Kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu vừa công bố cho thấy có sự ảnh hưởng ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ Trung Quốc đến miền Bắc Việt Nam với mức độ rất đáng lo ngại.

Nồng độ chất ô nhiễm lên đến 50%

Nhóm nghiên cứu của cơ quan trên đã sử dụng 3 phương pháp là quan trắc thực địa chất lượng không khí, phân tích ảnh viễn thám tại 9 tỉnh, thành miền Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Yên Bái, Hà Giang, Hà Nội) và ứng dụng mô hình toán. Kết quả từ mô hình toán cho thấy có khu vực Bắc Việt Nam, nhất là các tỉnh giáp biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, bị ảnh hưởng lớn của các nguồn phát thải từ các tỉnh phía Nam và Tây Nam Trung Quốc. Mức độ ảnh hưởng vào mùa đông lớn hơn mùa hè, với 40% - 50% nồng độ các chất ô nhiễm theo gió mùa Đông Bắc từ Trung Quốc thổi vào Việt Nam. Cụ thể, nồng độ CO tại Quảng Ninh, Lạng Sơn chịu ảnh hưởng xấp xỉ 0,1 ppm và các tỉnh còn lại từ 0,25 - 0,75 ppm; nồng độ SO2 tại Quảng Ninh, Lạng Sơn xấp xỉ 0,015 ppm và các tỉnh còn lại từ 0,0025 - 0,05 ppm; nồng độ NO2 tại Quảng Ninh, Lạng Sơn xấp xỉ 0,01 ppm và các tỉnh còn lại từ 0,0025 - 0,05 ppm. Sự ảnh hưởng này chỉ có một chiều từ Trung Quốc sang Việt Nam mà không có chiều ngược lại.

 

Khoảng 17 giờ ngày 6-10, sương mù bao trùm khu vực trung tâm TP HCM vì không khí ô nhiễm Ảnh: Lê Phong
Khoảng 17 giờ ngày 6-10, sương mù bao trùm khu vực trung tâm TP HCM vì không khí ô nhiễm Ảnh: Lê Phong

 

Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần nghiên cứu nâng cao chất lượng thiết bị quan trắc ô nhiễm không khí; có thể quan trắc tự động nhiều thông số phát thải và các thông số khí tượng, cho phép xây dựng các đề tài, dự án chuyên sâu nghiên cứu về các vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới. Đặc biệt, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu và quản lý ô nhiễm không khí giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới, nhất là Trung Quốc.

Hiểm họa khó tránh

GS-TS Nguyễn Đức Ngữ, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, nhìn nhận đây là vấn đề nghiêm trọng nhưng không thể tránh khỏi do địa hình, thời tiết… Vùng phía Nam và Tây Nam Trung Quốc đang phát triển công nghiệp rầm rộ nên sẽ lan truyền chất thải độc hại trong không khí sang Việt Nam. “Ngay chính Trung Quốc cũng đang trả giá cho việc phát triển công nghiệp ồ ạt của họ, bầu không khí ô nhiễm trầm trọng không chỉ tấn công Trung Quốc mà còn gây họa cho các nước lân cận” - GS -TS Ngữ nói.

Theo ông, việc xây dựng các phương án, kế hoạch ứng phó với ô nhiễm không khí từ Trung Quốc là vấn đề khó. “Chúng ta có thể phát hiện ra hiện tượng này nhưng để đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng thì còn thiếu số liệu phát thải gốc, có liên quan đến số lượng cũng như hoạt động của các nhà máy, khu công nghiệp tại khu vực phía Nam Trung Quốc. Đây là những số liệu nước bạn khó lòng mà chia sẻ với ta nếu chỉ bằng đề nghị giữa các địa phương. Vì vậy, cần xúc tiến ký kết các hiệp định, hiệp ước song phương và đa phương về kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới để có cơ sở thực hiện việc cùng kiểm soát và trao đổi số liệu” - GS-TS Ngữ đề xuất. Tuy nhiên, việc ký kết được các hiệp ước sẽ là câu chuyện dài. Trước mắt, Việt Nam có thể chủ động đối phó bằng cách bảo vệ, phát triển hệ thống rừng phòng hộ để ngăn chặn và hấp thụ bớt các chất độc hại.

Trên thế giới, hiện tượng ô nhiễm không khí xuyên biên giới giữa các quốc gia ngày càng phổ biến. Chẳng hạn, ô nhiễm xuyên biên giới diễn ra giữa Mỹ với các nước láng giềng như Mexico và Canada; trong khi Singapore và Malaysia từng bị thiệt hại nặng do thảm họa cháy rừng ở Indonesia…

 

TP HCM xuất hiện “mù khô”

Liên tiếp 2 ngày qua (từ 5 đến 6-10), người dân TP HCM chứng kiến hiện tượng sương mù bao phủ khắp nơi. Các địa phương xuất hiện nhiều sương mù gồm quận 1, 2, 3, 4, 5… Nhiều  cây cầu, nhà dân bị che mờ bởi một lớp màu trắng.  Khác với mọi khi, chưa đến 18 giờ, đèn đường và nhiều nhà dân đã bật sáng. Trên dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Tẻ…, các tàu thuyền lưu thông phải sử dụng đèn chiếu sáng để tránh bị va đâm.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện tượng nói trên được cho là “mù khô”. Nguyên nhân do ô nhiễm không khí cục bộ, những lớp màu trắng thực tế là khói, bụi quy tụ lại. Từ đây đến cuối năm 2015, “mù khô” sẽ tiếp tục xuất hiện thêm nhiều đợt. Việc người dân hít trực tiếp không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

L.Phong

 

MINH KHANH

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây