Nhóm nghiên cứu đã xác định dấu vết của những “dòng chảy” nước muối - những vệt sẫm màu - trên bề mặt hành tinh Đỏ. Đây là hỗn hợp nhiều loại muối như chlorate (ClO3-), magnesium perchlorate (Mg(ClO4)2), sodium perchlorate (NaClO4) với một ít nước.
Thông tin này đã được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) xác nhận. Theo các chuyên gia, ngoài MRO, các tàu thăm dò khác của NASA như Mars Global Surveyor, Phoenix hay gần đây là Curiosity cũng phát hiện dấu vết của các “dòng chảy” nước muối hoặc muối tại nhiều vị trí ở sao Hỏa.
Trên thực tế, điều kiện ở hành tinh này không cho phép nước chảy trên bề mặt vì nhiệt độ chỉ có 2 thái cực: quá nóng làm nước bốc hơi ngay hoặc quá lạnh làm nước đóng băng. Áp suất ở sao Hỏa rất thấp nên nước cũng không thể tạo thành dòng chảy. Do vậy, nước chỉ giữ được trạng thái lỏng khi kết hợp với muối.
Chuyên gia Marion Massé, đồng tác giả của nghiên cứu trên Nature Geoscience, giải thích: “Chúng tôi dùng máy đo quang phổ không phải để phân tích các dòng chảy mà để xác định sự hiện diện của các loại muối của hỗn hợp nước muối còn sót lại sau khi nước đã bốc hơi hết”. Về nguồn gốc của nước, nhà nghiên cứu Lujendra Ohja, một đồng tác giả khác cho biết: “Chúng tôi đặt giả thuyết là muối đã tự hấp thụ hơi nước có trong môi trường và bắt đầu “chảy” khi bị bão hòa”.
Tuy nghiên cứu nói trên cho thấy nước có xuất hiện trên sao Hỏa, nhưng theo các chuyên gia lượng nước ở đây quá ít và điều kiện môi trường quá khắc nghiệt, khó có thể làm phát sinh sự sống như tại trái đất. Để dễ so sánh, môi trường ở sa mạc Atacama, phía bắc Chile cũng rất khắc nghiệt và chỉ có một số loại vi khuẩn có thể sinh sống. Tuy nhiên, điều kiện ở sa mạc này vẫn còn “dễ chịu” hơn hẳn so với sao Hỏa.
Lan Chi