Hai nhà lãnh đạo của Nga và Mỹ ngày 28.9 đã có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nói về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực đang được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều không ngần ngại chỉ trích nhau, mặc dù sau đó hai người có cuộc hội đàm song phương chính thức lần đầu tiên sau hai năm, theo The Washington Post.
Là người phát biểu trước, Tổng thống Barack Obama đã thẳng thừng chỉ trích Nga về những vấn đề liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine và những động thái mới của Nga đối với tình hình Syria.
Ông Obama cho rằng Nga xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Ukraine và hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các nước phương Tây áp đặt lên Nga không phải là muốn quay lại thời kỳ Chiến tranh lạnh như báo chí Nga vẫn đề cập.
Tổng thống Barack Obama thẳng thừng nêu tên nước Nga trong phần phát biểu về Ukraine - Ảnh: Reuters |
Đối với vấn đề Syria, Tổng thống Mỹ nói: “Chúng ta đang chứng kiến một số nước lớn đang áp đặt ý chí của mình bất chấp luật pháp quốc tế. Họ nói rằng làm như vậy để giải quyết tình trạng hỗn loạn và đó là cách duy nhất để đánh bại chủ nghĩa khủng bố, và theo logic đó chúng ta cần phải ủng hộ những “bạo chúa” như Bashar al-Assad”. Dù không trực tiếp nhắc tên Nga, nhưng báo giới đều cho rằng nước lớn mà Tổng thống Obama đề cập có Nga, vì Nga là nước ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói về cuộc khủng hoảng ở Ukraine trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bằng việc đổ lỗi cho NATO tăng cường mở rộng hoạt động ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Theo Tổng thống Nga, chính chính sách của NATO đã châm ngòi cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Về vấn đề Syria, ông Putin cho rằng cuộc chiến tại Iraq cách đây hơn 10 năm, vốn do Mỹ phát động, vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và để lại những hậu quả phát sinh đối với các nước Trung Đông. Các hậu quả này bao gồm sự bất ổn khu vực và làm phát triển của chủ nghĩa khủng bố, điển hình là sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tổng thống Putin cũng “phản pháo” quan điểm của nhà lãnh đạo Mỹ khi cho rằng chính chính quyền Tổng thống Assad là lực lượng thực sự chiến đấu với IS, nên sẽ là một sai lầm lớn nếu bác bỏ việc hợp tác với chính phủ Assad để đối phó với chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng ỏ Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cuộc chiến ở Iraq năm 2003 do Mỹ phát động đã để lại hậu quả là sự bất ổn ở các nước Trung Đông - Ảnh: Reuters |
Sau hai bài phát biểu chĩa thẳng vào nhau tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ có cuộc hội đàm chính thức, lần đầu tiên sau hai năm. Cuộc nói chuyện kéo dài kéo dài 90 phút được Tổng thống Putin đánh giá là “thẳng thắn và hữu ích”, theo Reuters. Cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo xoay quanh tình hình khủng hoảng ở Ukraine và Syria, hai vấn đề được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm. Ông Obama và ông Putin đã đạt được một số sự đồng thuận nhất định về việc tiến tới một giải pháp về ngoại giao để chấm dứt cuộc xung đột ở Syria, tuy nhiên cả hai vẫn bất đồng về vai trò của Tổng thống Syria.
Chỉ trích nhau gay gắt nhưng sau đó cả hai đều cụng ly trong bữa tiệc do Tổng thư ký LHQ tổ chức, khéo léo bố trí hai ông ngồi hai bên Tổng thư ký - Ảnh: AFP |
Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất sẽ tổ chức các cuộc trao đổi giữa giới chức quân sự hai bên nhằm hạ nhiệt cuộc xung đột ở Syria. Bên cạnh đó, ông Putin khẳng định Nga và Mỹ có cơ hội để hợp tác giải quyết các vấn đề chung.