Những câu hỏi quanh vụ bắt giữ các quan chức FIFA

Thứ năm - 28/05/2015 05:02 - Đã xem: 792
Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) vừa dính vào vụ bê bối liên quan đến tham nhũng, khi 7 quan chức FIFA bị cảnh sát Thụy Sĩ bắt theo yêu cầu của Mỹ trong số 14 người có liên quan, với số tiền tham nhũng được cho là 150 triệu USD. Nhiều câu hỏi đặt ra từ vụ việc chấn động này.
Bộ Tư pháp Mỹ hôm 27.5 công bố vụ điều tra tham nhũng tại FIFA. Cùng ngày, 7 quan chức cấp cao của tổ chức này đã bị bắt giữ tại Thụy Sĩ. Vài giờ sau vụ bắt giữ, cơ quan chức năng Thụy Sĩ đã mở cuộc điều tra hình sự riêng nhắm vào quá trình giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022.
Cảnh sát Thụy Sĩ đã khám xét trụ sở của FIFA tại thành phố Zurich và thu giữ nhiều bằng chứng, theo hãng truyền thông BBC(Anh).
Tại sao những quan chức này bị bắt ?
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã điều tra FIFA trong 3 năm qua. Các cuộc điều tra này lúc đầu nhắm vào cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022, tuy nhiên sau đó được mở rộng ra các thỏa thuận của FIFA trong 20 năm qua.
Bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ cũng đề cập đến hành vi tham nhũng trong quá trình Nam Phi giành quyền đăng cai World Cup 2010, theo BBC.
Số tiền liên quan là bao nhiêu ?
Bản cáo trạng từ phía Mỹ cho thấy số tiền tham nhũng là hơn 150 triệu USD, chưa kể những khoản tham nhũng khác trên toàn thế giới.
Tại sao chính phủ Mỹ ‘ra tay’ ?
Việc Bộ Tư pháp Mỹ “nhúng tay” vào các vấn đề của FIFA khiến nhiều người bất ngờ khi tại đất nước này, bóng đá chẳng hề là “chuyện lớn” như bóng rổ hoặc bóng bầu dục.
Tổng chưởng lý Mỹ, bà Loretta Lynch cho biết những đối tượng tình nghi bị cáo buộc đã lên kế hoạch cho các hành vi tham nhũng tại Mỹ, sử dụng hệ thống ngân hàng của Mỹ, thậm chí âm mưu tìm kiếm lợi nhuận bất chính từ “thị trường bóng đá đang lên của Mỹ”, theo đài CNN (Mỹ).
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho rằng việc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ các quan chức FIFA vừa qua là hành động "nằm ngoài thẩm quyền" và "trái luật" của Mỹ.
Những ai bị buộc tội ?
Có tất cả 14 quan chức bị buộc tội, 7 người trong số đó đã bị bắt giữ ngày 27.5. Hầu hết những người bị bắt giữ là các nhân vật quyền lực trong nền bóng đá Bắc Mỹ, Mỹ Latin và vùng Caribbean.
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Bắc, Trung Mỹ và vùng Caribbean (CONCACAF) Jeffrey Webb; Phó chủ tịch FIFA Jack Warner nằm trong số những người bị bắt. Ông Webb được xem là người có thể sẽ tiếp quản chiếc ghế chủ tịch FIFA của ông Sepp Blatter.
Chuyện này lớn đến đâu ?
FIFA là cơ quan điều hành bóng đá thế giới, chịu trách nhiệm tổ chức nhiều giải đấu lớn, trong đó đáng kể nhất là Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup). Trong vài năm gần đây, tổ chức này đã chịu nhiều cáo buộc tham nhũng, đặc biệt là việc trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar. Hồi tháng 12.2014, FIFA đã không công bố kết quả cuộc điều tra của chính cơ quan này về tham nhũng, theo BBC.
World Cup là sự kiện bóng đá lớn nhất thế giới và mang lại hàng tỉ USD lợi nhuận. Những vụ bắt giữ và điều tra lần này làm dấy lên nghi vấn về tính trong sạch của quá trình bỏ phiếu chọn quốc gia đăng cai World Cup trong 3 mùa giải trước.
Những câu hỏi quanh vụ bắt giữ các quan chức FIFA - ảnh 2FIFA với quyền lực khổng lồ từ lâu luôn là tâm điểm của nhiều cáo buộc bê bối, tham nhũng - Ảnh: Reuters
World Cup 2018 tại Nga và 2022 tại Qatar có bị ảnh hưởng?
Về thực tế, rất khó để hủy việc đăng cai World Cup 2018 của Nga. Rất ít nước có đủ sân vận động, cơ sở hạ tầng hoặc tiền để trong một thời gian ngắn có thể thay thế Nga tổ chức một sự kiện lớn như vậy.
Nguy cơ đối với Qatar lớn hơn vì nước này hứng chịu nhiều cáo buộc tham nhũng kể từ khi giành được quyền đăng cai World Cup 2022. Ngoài ra, Qatar còn bị chỉ trích vì việc chuyển thời gian tổ chức sang mùa đông thay vì mùa hè, bê bối về cách đối xử với nhân công di cư, theo BBC.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Chưởng lý Kelly T. Currie tại bang New York (Mỹ) nói rằng bản cáo trạng không phải là “chương cuối cùng của cuộc điều tra”.
Trong cuộc họp báo ngày 27.5 tại Brooklyn (New York, Mỹ), nhiều quan chức chính phủ Mỹ ngụ ý rằng có thể nhiều lời buộc tội khác sẽ được đưa ra. Trong khi đó, các đặc vụ liên bang tại thành phố Miami (bang Florida) đã thực hiện lệnh khám xét trụ sở CONCACAF, theo The Washington Post (Mỹ).
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter có từ chức ?
Cuộc khủng hoảng tại FIFA xảy ra chỉ 2 ngày trước cuộc bầu cử chủ tịch của liên đoàn. Nhiều người trước đó cho rằng chiến thắng dường như sẽ thuộc về ông Blatter. Tuy nhiên, cục diện có thể thay đổi khi giờ đây ông Blatter đang phải hứng chịu nhiều áp lực.
Cựu thành viên Ủy ban đạo đức của FIFA, ông Les Murray nói rằng đã đến lúc để ông Blatter rời khỏi chiếc ghế chủ tịch mà ông đã nắm giữ nhiều năm qua, ngay cả khi không có bằng chứng cho thấy ông Blatter tham nhũng, theo Reuters.
Dù vậy, phản ứng của ông Blatter sau khi thông tin các quan chức FIFA bị buộc tội được công bố là "khá bình thản" và "tự tin rằng ông không liên quan", tờ The Independent (Anh) cho biết. Trong tuyên bố chính thức đưa ra trên trang web của FIFA, ông Blatter còn tuyên bố "hoan nghênh cuộc điều tra".
14 quan chức cấp cao bị bắt giữ và truy tố bao gồm:
Phó chủ tịch FIFA Jeffrey Webb (Chủ tịch LĐBĐ Bắc Trung Mỹ và Caribbean), Eugenio Figueredo (Phó chủ tịch FIFA, Chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ),  Eduardo Li (Chủ tịch LĐBĐ Costa Rica), Rafael Esquivel (Chủ tịch LĐBĐ Venezuela), Jack Warner (cựu Phó chủ tịch FIFA), Jose Maria Marin (cựu Chủ tịch LĐBĐ Brazil), Nicolas Leoz (cựu Chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ) và các quan chức liên đoàn, giám đốc thế thao thuộc FIFA gồm: Julio Rocha, Costas Takkas, Alejandro Burzaco, Aaron Davidson, Hugo Jinkis, Mariano Jinkis, Jose Marguiles.

Bảo Vinh

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây