Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến Đối thoại Shangri-La 2015 bằng một lịch trình đầy thông điệp.
Tâm điểm Ashton Carter
Ông bắt đầu ở Hawaii, nơi ông gặp người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin với tuyên bố cam kết bảo vệ Manila vẫn “vững như bàn thạch” và đoan chắc rằng “hành động có sức mạnh hơn lời nói”. Từ Hawaii, trước khi hạ cánh ở Singapore, ông cùng đoàn tùy tùng bay trên máy bay V-22 Osprey để tới thăm eo biển Malacca - một trong những eo biển đông đúc nhất thế giới với khoảng 50.000 tàu bè qua lại mỗi năm để nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến giao thương đi qua biển Đông cũng như của tự do hàng hải.
Ngay sau Shangri-La, ông Carter sẽ tới Hà Nội để bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Tại Việt Nam, lần đầu tiên một bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tới thăm cảng Hải Phòng, thăm Bộ Tư lệnh Hải quân và Cảnh sát biển của Việt Nam cùng tàu và các cơ sở ở đó - điều mà ông đánh giá là “chưa từng có tiền lệ”. Ngay sau Việt Nam, ông sẽ tới Ấn Độ và cũng thăm một loạt cảng chiến lược khác tại đây...
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani (trái) bắt tay Đô đốc Tôn Kiến Quốc,
Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc. Tokyo đã chuyển hướng tham gia tích cực hơn
vào an ninh khu vực trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh
Kể từ tháng 2-2015, khi ông Carter nhậm chức, Lầu Năm Góc của ông đã có thông điệp và hành động ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc, đặc biệt là với dự án lấn đất khổng lồ ngoài biển. Lầu Năm Góc qua các kênh khác nhau đã công bố những tấm ảnh vệ tinh của dự án lấn đất, đưa máy bay do thám hiện đại nhất P-8 Poseidon vào biển Đông, tuyên bố cân nhắc đưa tàu và máy bay vào khu vực 12 hải lý tại các điểm Trung Quốc đang lấn đất...
Ông Carter cũng được giới quan sát coi sẽ là nhân vật chính của “Tái cân bằng” của Washington khi các thành viên khác trong đội hình an ninh đối ngoại như Ngoại trưởng John Kerry và Cố vấn an ninh Susan Rice bị đánh giá là thiếu quyết liệt với châu Á.
Trong chuyến thăm đầu tiên của ông trong tư cách bộ trưởng Bộ Quốc phòng tới châu Á tháng trước, ông đã nói về Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và coi TPP quan trọng như “một hàng không mẫu hạm” mới!
Tư duy lại những chính sách lớn
Sự quyết liệt của Washington trong khoảng 1 năm gần đây được coi như một chuyển biến mới. Sự chuyển biến này được phân tích rõ ràng nhất trong báo cáo hồi tháng 4-2015 của 2 nhà cựu ngoại giao Mỹ Robert Blackwill và Ashley Tellis thuộc Ủy ban Đối ngoại Mỹ (CFR) với tên gọi “Revising U.S. Grand Strategy Toward China” (Xem xét lại chính sách lớn của Mỹ với Trung Quốc).
Trong báo cáo dài 54 trang này, 2 chuyên gia lập luận rằng chính sách hòa nhập Mỹ - Trung trong suốt 40 năm qua (kể từ sau năm 1972 của Nixon) đã không còn hiệu quả: Trung Quốc không muốn trở thành “nhân vật có trách nhiệm” trong bất cứ trật tự nào do Mỹ dẫn dắt.
Bắc Kinh muốn chấm dứt sự chi phối của Mỹ tại Đông Á - mục tiêu mà sẽ đe dọa lợi ích của chính Mỹ trong tự do thương mại, hòa bình và ổn định. Theo 2 nhà ngoại giao này thì Bắc Kinh chưa đối nghịch tới mức bị coi là kẻ thù nên chính sách “phòng ngừa/ngăn chặn” thông thường (như với Liên Xô thời Chiến tranh lạnh) không phù hợp. Nhưng Washington vẫn cần phải “hạn chế khả năng Trung Quốc lạm dụng sức mạnh ngày càng tăng của mình”.
Cả 2 ủng hộ chiến lược tái cân bằng của Tổng thống Barack Obama - chuyển các nguồn lực quân sự sang châu Á, hoàn tất TPP. Nhưng theo họ, Washington cần phải làm hơn thế: bỏ cắt giảm ngân sách quốc phòng (xóa bỏ mối lo nguồn lực lơ lửng mấy năm nay), tăng duy trì cân bằng hạt nhân, tăng tốc xây các hệ thống phòng thủ tên lửa, mở rộng hợp tác với các đối tác khu vực, nhấn mạnh vào tự do hàng hải và hơn thế là phải: siết chặt hạn chế chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc và thậm chí là “đánh thuế hàng loạt” đối với hàng Trung Quốc để đối phó nạn ăn cắp qua mạng từ Bắc Kinh.
Lập luận của Blackwill (từng là phó trợ lý về chiến lược của cựu Tổng thống George W. Bush) và Tellis (cựu Đại sứ ở Ấn Độ) rõ ràng nhận được nhiều chú ý ở Washington. Bình luận trên tờ The Wall Street Journal, David Feith gọi đó là “cuộc đại tư duy lại” chiến lược mà Washington vẫn có với Bắc Kinh suốt 45 năm qua. Tư duy này là cần thiết khi có nhiều chỉ trích cho rằng hành động của Mỹ ở biển Đông là “quá ít và quá chậm”.
Theo ông Feith, chiến thuật “lát cắt salami” hay “vết dầu loang” của Trung Quốc đã bị coi là đi quá xa và đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của các quan chức, chuyên gia chính sách... Theo ông Feith, sự thay đổi này có thể tác động đến an ninh toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.
Lo ngại của các nước nhỏ
Phát biểu vào sáng 30-5 ở Shangri-La, Dato’ Seri Hishammuddin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia, đã kêu gọi “các nước ASEAN phải đoàn kết lại”. Những quan ngại của Malaysia là rất đáng kể khi đây là nước có kim ngạch thương mại cao nhất với Trung Quốc trong ASEAN.
Về nội dung, tâm điểm của Đối thoại Shangri-La năm nay xoáy quanh căng thẳng Mỹ - Trung mà nguyên nhân trực tiếp nhất chính là tham vọng của Trung Quốc trên biển với hành động cụ thể là chiến dịch lấn đất ồ ạt ở biển Đông.
Những thay đổi với an ninh khu vực đang diễn ra rất nhanh bởi sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Liên tục trong mấy năm nay, biển Đông và tham vọng của Trung Nam Hải luôn là tâm điểm tại Đối thoại Shangri-La.
Hồi năm 2012, đó là vụ căng thẳng ở bãi cạn Scarborough rồi dẫn tới việc Trung Quốc chiếm bãi cạn của Philippines; năm 2013 là căng thẳng ở Senkaku/Điếu Ngư rồi dẫn tới việc Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không; năm 2014 là vụ đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tới năm nay là cuộc lấn đất ngoài biển với tốc độ kinh hoàng của Trung Quốc.
Theo ông Danny Russel, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, có tới 3 điểm lấn đất của Trung Quốc ở Trường Sa thậm chí còn lớn hơn cả hòn đảo tự nhiên lớn nhất ở đây. Tổng diện tích Trung Quốc lấn đất tương đương hơn 800 ha, bằng diện tích 1.500 sân bóng. Trên bàn cờ lớn, biển Đông tự nhiên đang trở thành khu vực cạnh tranh ảnh hưởng dữ dội giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chiến thuật của Trung Quốc với các nước trong khu vực vẫn là “lát cắt salami”: Liên tục nhấn các bước mới, chấp chới ranh giới khiến các nước không biết là có nên phản ứng cứng rắn hay không và khi họ ngần ngừ thì tạo ra sự đã rồi. Khi tình hình căng thẳng thì Trung Quốc sẽ tung các miếng mồi kinh tế như “Con đường tơ lụa”, “Vành đai kinh tế” hay Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) để xoa dịu các nước.
Với chiến thuật này và vì ở trong vị thế nước nhỏ, thực lực yếu hơn, hầu hết các nước ở khu vực đều gặp khó khăn khi đối đầu với Bắc Kinh.
Nick Metcalf, một đồng tác giả của báo cáo về an ninh châu Á - Thái Bình Dương 2015 của IISS, thừa nhận những lo ngại này khi trao đổi với báo chí. “Có rất nhiều hành vi kiểu như ở châu Âu thế kỷ XIX nhưng rất tiếc vẫn còn đang lặp lại ở đây” - ông nói.
Rõ ràng, cả Washington và châu Á đang tỉnh ngộ về cái gọi là “sự trỗi dậy hòa bình” mà Bắc Kinh rao giảng từ bấy lâu nay.
Washington nguội lạnh hơn với Bắc Kinh
Quan hệ nồng ấm giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ cũng đã nguội lạnh đi nhiều, đặc biệt là sau các vụ suýt đụng độ giữa máy bay chiến đấu Trung Quốc với máy bay do thám Mỹ hồi tháng 8-2014 (máy bay chiến đấu Trung Quốc chỉ còn cách máy bay Mỹ gần 50 m).
Hiện phía Mỹ nói Trung Quốc cần ký bản quy tắc về xử lý các tình huống đụng độ bất chợt giữa máy bay 2 bên (bộ quy tắc được thông qua sẽ tránh trường hợp đụng độ nguy hiểm kiểu này). Ở quốc hội thì các nghị sĩ liên tục kêu gọi Mỹ đừng mời Trung Quốc tham dự cuộctập trận hải quân RIMPAC sắp tới (RIMPAC là cuộc tập trận lớn nhất thế giới mà Trung Quốc từng tham gia hồi năm 2014).
Ngay cả Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), một trong những nhóm thường ủng hộ mạnh quan hệ với Trung Quốc, cũng có tới 60% thành viên của họ phàn nàn về tình hình ở Trung Quốc đã xấu đi trong năm ngoái.
Ở Shangri-La năm nay, những nghi ngại với Trung Quốc cũng thể hiện ngay trong chương trình. “Đối thoại Shangri-La 2015 lần đầu tiên sẽ có phiên đặc biệt tập trung vào mối quan ngại an ninh của các nước nhỏ” - Tim Huxley, đại diện của IISS (đơn vị tổ chức đối thoại Shangri-La), tuyên bố ngay trước hôm khai mạc. Sự lo ngại của các nước nhỏ tới những diễn biến phức tạp ở biển Đông ngày càng rõ rệt hơn.
Chiến thuật của Trung Quốc với các nước trong khu vực vẫn là “lát cắt salami”: Liên tục nhấn các bước mới, chấp chới ranh giới khiến các nước không biết là có nên phản ứng cứng rắn hay không và khi họ ngần ngừ thì sự đã rồi.
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...