Rạng sáng 25.8 (giờ địa phương), các nhà đàm phán cấp cao của Triều Tiên và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận gồm 6 điểm nhằm tránh nguy cơ xung đột quân sự giữa hai miền. Đây được coi là một bước đột phá lớn sau 3 ngày đàm phán căng thẳng tại Bàn Môn Điếm.
Thỏa thuận 6 điểm đạt được giữa hai miền Triều Tiên bao gồm:
Thứ nhất, Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí sẽ tiến hành một cuộc đối thoại liên chính phủ tại Seoul hoặc Bình Nhưỡng trong thời gian sớm nhất nhằm cải thiện quan hệ liên Triều, cũng như tiếp tục đối thoại và đàm phán về các vấn đề khác trong tương lai.
Thứ hai, Triều Tiên tuyên bố lấy làm tiếc về việc các binh sĩ Hàn Quốc bị thương trong vụ nổ mìn ở Khu phi quân sự (DMZ) dọc giới tuyến quân sự thời gian vừa qua.
Thứ ba, Hàn Quốc sẽ ngừng chiến dịch tuyên truyền bằng loa phóng thanh chống Bình Nhưỡng dọc theo giới tuyến quân sự giữa hai nước bắt đầu từ 12 giờ ngày 25.8 trong trường hợp không phát sinh tình trạng bất thường.
Thứ năm, hai miền đồng ý tiến hành cuộc đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong chiến tranh vào dịp Trung thu sắp tới và tiếp tục tổ chức các cuộc đoàn tụ trong tương lai. Đồng thời phiên họp giữa Hội Chữ thập Đỏ hai miền sẽ được tổ chức vào đầu tháng 9 tới để chuẩn bị cho các cuộc đoàn tụ này.
Thứ sáu, hai miền đồng ý thúc đẩy giao lưu phi chính phủ giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực.
Binh sĩ Hàn Quốc tại đường dẫn vào làng đình chiến Bàn Môn Điếm thuộc Khu phi quân sự ngày 24.8 - Ảnh: Reuters |
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hoan nghênh thỏa thuận này và cho biết: “Tôi đánh giá cao thỏa thuận về việc đối thoại liên Triều thường xuyên và mong rằng điều đó sẽ tạo ra cơ chế để quản lý hiệu quả mọi vấn đề phát sinh trên bán đảo Triều Tiên".
Mỹ cũng nhanh chóng hoan nghênh thỏa thuận đột phá mà hai miền Triều Tiên vừa đạt được. Chính phủ Mỹ đồng thời đánh giá cao vai trò của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, cho rằng bà Park đã nỗ lực không mệt mỏi để cải thiện quan hệ liên Triều, thúc đẩy hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Ngọc Mai