Đây là nhận định được Cố vấn chính sách Hạ viện Philippines kiêm giảng viên ngành Ngoại giao và Khoa học chính trị tại Đại học Ateneo De Manila, ông Ric-hard Javad Heydarian bình luận trong bài viết "China's Self-Made Disaster in the South China Sea" (Trung Quốc đang tự chuốc họa trên Biển Đông) được tạp chí National Interest (Mỹ) đăng tải.
Ngay đầu tháng Năm, Trung Quốc đã ngang nhiên lai dắt và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trị giá 1 tỷ USD tới vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn 119 hải lý và gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng vũ lực năm 1974.
Trung Quốc điều động một lực lượng tàu thuyền hùng mạnh bảo vệ hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. |
Bắc Kinh còn điều động một lực lượng hùng hậu tàu thuyền, máy bay tới hỗ trợ hoạt động trái phép của Hải Dương-981 đồng thời tấn công, phun vòi rồng và ngăn không cho các tàu chấp pháp của Việt Nam làm nhiệm vụ. Nghiêm trọng hơn, nhiều tàu Trung Quốc còn bao vây và đánh chìm một tàu cá của Việt Nam khi đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ban đầu, Trung Quốc tuyên bố việc quốc gia này đưa giàn khoan Hải Dương-981 tới khu vực hạ đặt trái phép chỉ đơn thuần nhằm mở rộng phạm thăm dò dầu khí trên Biển Đông.
Tuy nhiên, chiểu theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Việt Nam mới là nước có chủ quyền tại khu vực mà Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981. Rõ ràng, Trung Quốc đang vi phạm Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Để biện minh cho hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đã vin vào yêu sách tai tiếng "đường chín đoạn" mà quốc gia này đơn phương tuyên bố. Theo đó, Trung Quốc vô lý cho rằng mình có chủ quyền "cố hữu và không thể tranh cãi" trên gần hết diện tích Biển Đông.
Nhận thức được sự yếu thế trong tuyên bố "đường chín đoạn", Trung Quốc đã luôn sử dụng chiến lược ngôn ngữ mập mờ về vị trí và tính pháp lý tại những khu vực tranh chấp, khiến cuộc chiến giành chủ quyền lãnh thổ ngày càng trở nên phức tạp hơn. Bởi ngay bản thân "đường chín đoạn" đã thể hiện sự mơ hồ về tọa độ chính xác và bản chất yêu sách của Trung Quốc. Không rõ Trung Quốc muốn đòi tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ khu vực Biển Đông hay thậm chí cả những vùng biển xung quanh?
Tuy nhiên, mỗi khi có hành động khiêu khích, vi phạm các hiệp ước trong khu vực và luật pháp quốc tế, Trung Quốc lại viện ra đủ lý do để giải thích. Do đó, một số quốc gia Đông Nam Á đã dần quốc tế hóa các tranh chấp chủ quyền và thậm chí, nhờ tới sự can thiệp của Tòa án Trọng tài Liên Hợp Quốc.
Hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam được xem là chiến thuật bắn một mũi tên trúng nhiều đích của Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc cố gắng tái khẳng định chủ quyền trên Biển Đông bất chấp lời kêu gọi của Mỹ nhằm giải quyết các tranh chấp hàng hải một cách hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế như phát biểu của Tổng thống Barack Obama tại Manila hồi tháng Tư.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, chủ nghĩa dân tộc hung hăng tại Trung Quốc cùng sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhân vật mang tư tưởng hiếu chiến trong quân đội nước này, đã khiến chính quyền Bắc Kinh "loay hoay" tìm cách đối phó với lời cam kết hỗ trợ quân sự cho đồng minh châu Á của Mỹ trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ đang tiếp diễn tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Thay vì gây hấn với Philippines – đồng minh quân sự của Mỹ tại châu Á, Trung Quốc đã chọn Việt Nam – quốc gia không ký kết bất cứ hiệp ước liên minh với cường quốc nào. Do đó, khi Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, Bắc Kinh không phải lo sợ bất cứ phản ứng quân sự tất yếu nào từ Mỹ hay các nước tại khu vực Thái Bình Dương.
Việc Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố duy trì hoạt động trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tới giữa tháng Tám có khả năng đẩy tình hình căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục leo thang.
Trong khi đó, Philippines cũng công bố những bức ảnh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành mở rộng và xây dựng một đường băng tại bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà hồi năm 1988 nước này đã nã súng giết hại 64 chiến sỹ quân đội Việt Nam để chiếm đóng. Hành động này đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và cần bị lên án.
Tàu của Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan cùng xuất hiện trong khu vực gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. |
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại cho rằng việc xây dựng trên bãi đá Gạc Ma là "bình thường" tại "khu vực mà Bắc Kinh có chủ quyền cố hữu và không thể tranh cãi". Song thực tế, hành động của Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Do đó, bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Đông Á, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Philippines đã đồng thuận xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước đặc biệt trong việc tôn trọng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Ngoài ra, cả Việt Nam và Philippines còn đang xem xét mở rộng mối quan hệ hợp tác hàng hải, mở đường cho việc tăng cường khả năng tương tác và chia sẻ thông tin tình báo giữa cảnh sát biển và lực lượng hải quân hai nước.
Hai nước cũng đẩy mạnh mối quan hệ ngoại giao và hợp tác chiến lược với Malaysia và Indonesia – những quốc gia cũng đang xảy ra tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Trong một động thái thể hiện mức độ gia tăng quan hệ song phương và cam kết giải quyết các tranh chấp hàng hải theo phương pháp hòa bình, mới đây, Philippines và Indonesia đã ký kết một thỏa thuận biên giới mới sau 20 năm đàm phán.
Sự hợp tác sâu sắc giữa các quốc gia Đông Nam Á đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, đặc biệt giữa Philippines và Việt Nam, là một phần quan trọng của mạng lưới đồng minh rộng lớn tại khu vực Thái Bình Dương.
Trong khi Washington luôn khuyến khích các quốc gia đồng minh gia tăng trách nhiệm về sự ổn định trong khu vực, Nhật Bản cũng đang có xu thế xích lại gần hơn với Việt Nam và Philippines.
Bỏ qua hiến pháp hòa bình, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang muốn Nhật Bản tham gia nhiều hơn các vấn đề trong khu vực bằng việc gỡ bỏ hàng rào hạn chế xuất khẩu vũ khí, tăng chi tiêu quốc phòng, ủng hộ nguyên tắc tự vệ tập thể để Tokyo tăng khả năng trở thành đối trọng của Bắc Kinh.
Dưới sự lãnh đạo của tân Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề khu vực. Trong đó, Ấn Độ và Nhật Bản đang nổi lên là một đối tác chiến lược. Ngoài ra, Australia cũng đang dần nâng cao khả năng tương tác quân sự với Mỹ mà trọng tâm là phát triển thúc đẩy nền tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế.
Tóm lại, sự hung hăng của Trung Quốc đang tạo ra một mạng lưới liên kết linh động giữa các quốc gia trong khu vực để ngăn chặn Bắc Kinh thống trị các tuyến đường vận tải trên biển, và duy trì tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế. Đây là hai yếu tố đặc biệt quan trọng đối với an ninh và lợi ích kinh tế của các quốc gia trong khu vực.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
Nguồn tin: infonet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...