'Bó tay' với thất thoát, lãng phí

Thứ tư - 25/09/2013 22:14 - Đã xem: 1057
Tình trạng các dự án đầu tư công khắp cả nước bị đội giá so với dự toán, chợ xây xong không có người mua bán, đường không ai đi... đang trở thành vấn nạn gây thất thoát, lãng phí ngân sách, nguồn lực của nhà nước.

'Bó tay' với thất thoát, lãng phí

Bảo tàng Hà Nội bị xem là một công trình lãng phí - Ảnh: Minh Sang

Giải trình trước Ủy ban TVQH hôm qua, khi cho ý kiến về luật Đầu tư công sửa đổi, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, ngoài nguyên nhân thất thoát trong thi công, xây dựng, thủ phạm chính là do chủ trương đầu tư sai ngay từ ban đầu.

Không cần biết có bao nhiêu tiền

 

 
 

Lãng phí nhất, thất thoát nhất chính là chủ trương đầu tư, còn thi công thất thoát 3%-5% chỉ là đồng tiền cụ thể. Thủ tướng cũng bức xúc nói tại sao đường miền núi mà lại làm to như vậy, rộng 60-70 m, ai quyết định đầu tư ?

 

Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT

 

“Lãng phí nhất, thất thoát nhất chính là chủ trương đầu tư, còn thi công thất thoát 3-5% chỉ là đồng tiền cụ thể. Thủ tướng cũng bức xúc nói tại sao đường miền núi mà lại làm to như vậy, rộng 60-70 m, ai quyết định đầu tư? Rồi dự án khổng lồ mấy chục nghìn tỉ đồng quyết định một cái xong ngay, không qua quy trình thẩm định gì cả, đến lúc không có tiền mà vẫn cứ phải lao theo. Việc này vô cùng lãng phí”, ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng bức xúc khi các địa phương không cần biết trong “túi” có bao nhiêu tiền nhưng cứ ký đầu tư dự án tràn lan, không bố trí, không thẩm định nguồn vốn, và nhấn mạnh: “Lần này sẽ có quy định trong thẩm định vốn. Nguồn phải đạt ít nhất 80% tổng mức đầu tư dự án mới triển khai, chứ không để như trước kia các tỉnh cứ vẽ đường ra để chạy, rồi treo đến 10-15 năm không làm nổi”.

Ông Vinh dẫn chứng: “Công trình thủy lợi kế hoạch dự tính tưới tiêu 1.000 héc ta, nhưng làm xong chỉ tưới được có 500 héc ta. Sau đó lại nói do thiết kế không đúng rồi đổ cho biến đổi khí hậu. Đó chỉ là ngụy biện, ngụy biện hết, bởi ai chịu trách nhiệm khi ký quyết định đầu tư, ai chịu trách nhiệm khi suất đầu tư đang 1 tỉ đồng 1 héc ta, nay 2 tỉ đồng mới được 1 héc ta”.

Bộ trưởng KH-ĐT cam kết trước TVQH, nếu sửa luật theo hướng siết chặt lại chủ trương đầu tư, quy trình; siết lại khâu thẩm định vốn chắc chắn sẽ “phanh” lại được vấn nạn đầu tư tràn lan khắp cả nước. “Còn nếu không sửa theo hướng này thì chắc chắn bó tay với đầu tư dàn trải”, ông Vinh nói.

“AB là chùm khế ngọt”

 

 
 
 
 

Tán thành với ý kiến của Bộ trưởng Vinh, nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần phải tính toán thận trọng, bởi nếu luật áp đặt quá mức, quá chặt có thể dẫn tới ách tắc, rắc rối trong quá trình đầu tư. Đặc biệt, Chủ tịch lưu ý, cần phải kiên quyết xử lý được việc đầu tư dự án theo giá nào để các chủ đầu tư, nhà thầu còn có căn cứ lập kế hoạch, cân đối đủ nguồn, cơ quan quản lý đánh giá được hiệu quả khi phê duyệt.

Ông cũng nêu ra tình trạng, khi lập dự án đấu thầu thì giá chỉ 100 tỉ đồng, nhưng đến khi triển khai bị đội giá, ngân sách lại phải thanh toán lên vài trăm tỉ đồng. Do đó, khi sửa luật cần phải tính toán hết các rủi ro do yếu tố con người gây ra, tính ngay vào trong dự toán từ lúc tham gia đấu thầu. Chỉ trừ những trường hợp bất khả kháng, “trời đánh không tránh được” như thiên tai, lũ quét, động đất thì được điều chỉnh, nhưng phải ghi rõ trong luật. “Trúng thầu 100 tỉ đồng, đến khi thanh toán vài trăm tỉ là bình thường. Theo tôi thì nên để một giá thôi, trúng thầu bao nhiêu trả thầu bấy nhiêu”, Chủ tịch gợi ý.

Chủ tịch cũng nhắc nhở: “Các đồng chí nhớ câu AB (chủ đầu tư - nhà thầu) là chùm khế ngọt rồi đấy, các anh cũng biết, tôi cũng biết quá kỹ mà chịu không làm được gì vì lúc đó cơ quan có thẩm quyền đóng dấu và đồng ý hết rồi”. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, có sửa luật cũng không thể khắc phục được.

“Tôi có trao đổi với Thủ tướng là phải chấp nhận kiên quyết sửa lại vấn đề giá. Nếu không, không có cách gì chống tham nhũng, lãng phí đầu tư công được. Chính phủ phải làm sao để luật ra QH chấp nhận được theo nguyên tắc là không điều chỉnh. Có chi phí nào là phải tính hết, khi điều chỉnh do bất khả kháng thì là cái gì, trường hợp nào phải chỉ cụ thể ra”, Chủ tịch QH yêu cầu.

 

Cấp phép xây dựng rất tùy tiện

Cho ý kiến về luật Xây dựng sửa đổi chiều qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, đề nghị phải làm sao đưa trật tự xây dựng vào nền nếp. “Tôi không hiểu trách nhiệm thuộc về ai khi những công trình siêu mỏng, rất mỏng lại rất cao. Có những chung cư mini thì chất lượng như thế nào, ai cấp phép. Luật phải làm rõ, hạn chế được những công trình siêu mỏng, chất lượng kém, không đảm bảo an toàn”, ông Hiển nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng đánh giá tình trạng cấp phép xây dựng lâu nay còn rất tùy tiện. Cơ quan thẩm quyền cấp xong gần như đứng ngoài cuộc, khi xảy ra sự cố thì không chịu trách nhiệm liên đới. “Anh cấp phép cho người ta khai thác mỏ mà cứ ký vào rồi không chịu trách nhiệm là không được. Vụ ông bà bán thịt chó tại Nghệ An cũng được giấy phép đào mỏ, xong bán lại cho anh nào đó rồi khai thác làm sập mỏ chết bao nhiêu người. Vậy ông cấp phép có biết không?”, Chủ tịch đặt câu hỏi. Ông đề nghị phải luật hóa rõ trách nhiệm của người ký quyết định cấp phép, kể cả trong cấp phép quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng.

Anh Vũ

 

CẦN SỚM KHẮC PHỤC LÃNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ CÔNG
Trong những năm qua ở nước ta việc đầu tư công các công trình không dứt điểm, kéo dài , chất lượng quá kém như tuyến đường quốc lộ 1a một số đoạn đường, cầu mới hoàn thành đưa vào sử dụng năm trước thì năm sau đã bị hư hỏng xuống cấp và không ai chịu trách nhiệm. Đồng thời việc đầu tư không tập trung dứt điểm quá kéo dài thời gian như tuyến đường quốc lộ 14 đoạn từ Thành phố Buôn ma thuột đến thị xã Đồng xoài, tỉnh Bình phước không biết bao giờ mới hoàn thành đưa vào sử dụng , nên không phát huy được hiệu quả, đây chính là sự lãng phí rất lớn trong xã hội. Để có thể khắc phục tình trạng thi công các công trình xây dựng, giao thông kém chất lượng trong thời gian vừa qua xin nêu một số giải pháp như sau:
Trước tiên trong Luật đầu tư công và Luật xây dựng cần phải xác định rõ trách nhiệm của Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án , đơn vị tư vấn thiết kế , đơn vị thi công , đơn vị tư vấn giám sát công trình , đây là những đơn vị chủ công trong việc quyết định đến chất lượng công trình, tiến độ thi công .
Đối với các Chủ đầu tư kiên quyết không để các đơn vị thi công đã từng thi công công trình chất lượng kém tham gia đấu thầu , cần ưu tiên cho các đơn vị nhà thầu nào có nhiều công trình đạt chất lượng được dư luận xã hội và các bộ ngành chức năng công nhận .
Không phải đơn vị nào tham gia đấu thầu bỏ giá thấp là được trúng thầu, cấm tuyệt đối các đơn vị trúng thầu lại không thi công mà bán, chuyển nhượng lại gói thầu cho đơn vị khác thi công lấy hoa hồng .Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng công trình kém chất lượng. Do vậy cần sớm sửa đổi luật đấu thầu để phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay.
Để đảm bảo chất lượng công trình bền vững Đơn vị thiết kế cần phải chú ý đến kết cấu công trình chịu đựng được vận chuyển tải trọng nặng, tùy theo địa hình thổ nhưỡng đất đai mà thiết kế loại vật liệu gì cho phù hợp. Đối với các Đơn vị tư vấn giám sát phải giám sát phải hết sức khách quan trung thực, thường xuyên có mặt tại hiện trường . Có như vậy mới có chuyển biến đối với chất lượng các công trình giao thông.Đối với Đơn vị thi công đây là đơn vị có tính quyết định đến chất lượng công trình , đòi hỏi đơn vị thi công phải có lương tâm và trách nhiệm của mình.
Thứ hai: Trong Luật đầu tư công và Luật xây dựng cần quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị chuyên ngành quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra chất lượng công trình, phải xử lý nghiêm khắc đối với các đơn vị thi công thiếu trách nhiệm để công trình kém chất lượng, thu hồi giấy phép vĩnh viễn đối các nhà thầu thiếu trách nhiệm, cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó cần tăng cường vai trò giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cũng như cơ chế giám sát của người dân và các tổ chức xã hội đối với các công trình đang thi công, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng công trình thi công kém chất lượng , chống thất thoát, lãng phí xây dựng đường giao thông như hiện nay. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên hy vọng trong thời gian đến chất lượng công trình giao thông xây dựng sẽ được tốt hơn.

 

MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây