Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi góp phần nâng cao hiệu quả quản lý

Thứ bảy - 05/10/2013 12:07 - Đã xem: 1000
Luật Ngân sách nhà nước sau 9 năm thực thi đã có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, điều hành Ngân sách nhà nước; góp phần ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, Luật đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam và thông lệ quốc tế. Việc sửa đổi luật này được đặt ra trong bối cảnh công khai, minh bạch ngân sách ngày một cần thiết.

* Nhiều bất cập cần được xem xét, sửa đổi

Theo Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Công Nghiệp thì Luật Ngân sách nhà nước còn một số bất cập cần được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như phạm vi ngân sách; quản lý các khoản phí, lệ phí; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương; đảm bảo công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình; cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, đặc biệt là tính lồng ghép của hệ thống Ngân sách nhà nước.

Hệ thống Ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Ngân sách cấp dưới là một bộ phận hợp thành của ngân sách cấp trên. Theo ông Đỗ Việt Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước , Bộ Tài chính thì với quy định lồng ghép của hệ thống Ngân sách nhà nước cơ bản đảm bảo tính thống nhất và tuân thủ của các cấp ngân sách. Tuy nhiên, vô hình chung lại tạo nên sự trùng lặp về thẩm quyền, trong khi trách nhiệm các cấp chưa thật rõ ràng, nhất là chưa thực sự đảm bảo quyền tự chủ của cấp dưới, hiệu quả ngân sách còn hạn chế.

Ông Tạ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cũng cho rằng quy trình ngân sách hiện nay khá phức tạp, thời gian xây dựng dự toán ngân sách tương đối dài, nhưng thời gian của mỗi cấp ngân sách lại ngắn, phụ thuộc lẫn nhau, nên hiệu quả hạn chế, trách nhiệm của từng cấp chưa thực sự rõ ràng, nhất là chưa thực sự đảm bảo quyền tự chủ của cấp dưới.

Tại Hội thảo về sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước vừa được tổ chức gần đây tại Ninh Bình, các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống ngân sách của các nước không tổ chức ngân sách các cấp lồng ghép với nhau, các nước qui định chỉ cấp hành chính có dân bầu (HĐND) thì mới là cấp ngân sách; đồng thời ngân sách từng cấp do Quốc hội, HDND từng cấp quyết định. Do vậy, đảm bảo nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp ngân sách được quy định rõ ràng hơn; đơn giản hóa khâu lập, chấp hành, quyết toán ngân sách.

* Hạn chế tính lồng ghép

Ông Đỗ Việt Đức cho rằng định hướng lâu dài cần thực hiện mô hình các cấp ngân sách không lồng ghép, khi đó nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp ngân sách được quy định rõ ràng hơn; đơn giản hóa được các thủ tục trong công tác lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước; mỗi cấp ngân sách có thời gian và điều kiện để xem xét chi tiết, kỹ lưỡng ngân sách cấp mình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khoảng cách phát triển giữa các địa phương ở nước ta khá lớn, trình độ quản lý ngân sách các địa phương không đồng đều; do vậy kiến nghị vẫn thực hiện hệ thống Ngân sách nhà nước lồng ghép, đồng thời để từng bước hạn chế tình trạng lồng ghép cần sửa đổi bổ sung luật.

Cụ thể, về chi Ngân sách nhà nước, Quốc hội chỉ quyết định tổng chi Ngân sách nhà nước , bao gồm chi ngân sách Trung ương và NSĐP; đối với chi ngân sách địa phương, Quốc hội chỉ quyết định chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách, không quyết định trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên có mức chi cụ thể cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Đồng thời, để các địa phương quyết định, phân bổ chi NSĐP cho các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, môi trường theo định hướng của Nhà nước.

* Nâng cao hiệu quả quản lý

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết mục tiêu của sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước là phải nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Ngân sách nhà nước , chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng. Nâng cao tính minh bạch dân chủ, công khai trong quản lý Ngân sách nhà nước đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Mặt khác, việc sửa đổi Hiến pháp cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật về Ngân sách nhà nước để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tuân thủ các nguyên tắc quản lý tài chính – ngân sách được quy định trong Hiến pháp.

Để khắc phục hạn chế của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng yêu cầu đặt ra là phải sửa đổi kịp thời, toàn diện Luật NSNN nhằm tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp với tình hình mới, đáp ứng đòi hỏi của quá trình đổi mới phương thức quản lý Ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế xã hội.

Theo ông Đỗ Việt Đức, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước , Bộ Tài chính thì để đảm bảo tính pháp lý và chủ động điều hành ngân sách trong trường hợp cấp bách xảy ra, dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) nên quy định Chính phủ quyết định các biện pháp cần thiết khi có biến động lớn, bất thường làm ảnh hưởng tới tài chính – Ngân sách nhà nước theo thẩm quyền. Ở địa phương thì UBND cấp tỉnh quyết định các biện pháp cần thiết khi có biến động lớn, bất thường tới tài chính – ngân sách địa phương theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, dự thảo luật nên quy định về việc phải lập kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, quyết toán dự toán ngân sách hàng năm phải nằm trong kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm nhằm hạn chế bố trí dàn trải và việc ban hành chính sách để có nguồn ngân sách thực hiện. Dự thảo Luật dự kiến bổ sung quy định rằng Quốc hội quyết định định hướng kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm.

Dự thảo Luật cần bổ sung các cơ chế báo cáo rõ ràng, minh bạch hơn, quy định rõ ràng trách nhiệm giải trình của các bộ, cơ quan trung ương và UBNN các tỉnh, thành phố cũng như các cấp tại địa phương. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong công tác là dự toán và quyết toán ngân sách theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước./.

Thùy Dương

 
SỬA ĐỔI LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẦN XÓA BỎ CƠ CHẾ XIN CHO
Cơ chế xin cho đã có từ thời kỳ bao cấp, cho đến nay đã thực hiện theo cơ chế thị trường, cơ chế này vẫn tiếp tục tồn tại dưới hình thức tinh vi hơn. Khi đã nói đến từ Xin thì nghỉ đến ngay cấp dưới, còn người Cho phải là cấp trên. Thực tế hiện nay đất nước ta còn nghèo , ngân sách thu trong nước không đảm bảo chi cho sự phát triển kinh tế, do đó phải vay từ bên ngoài tập trung cho việc xây dựng cấu hạ tầng của đất nước. Vì vậy chi ngân sách nhất là đầu tư công, chi cho bộ máy quản lý hành chính chi thường xuyên, cần phải hết sức tiết kiệm làm sao mang lại hiệu quả chống lãng phí . Tình hình thu ngân sách hiện nay của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương , đa phần thu không đảm bảo chi phải được cân đối hổ trợ từ ngân sách trung ương . Một số tỉnh , thành phố có nguồn thu khá sau khi cân đối đã điều tiết về cho ngân sách trung ương , như Thành phố Hồ chí Minh, Bình dương, Đồng nai, Khánh hòa, vv…đã chủ động ngân sách cấp mình trong bố trí kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng hàng ngàn tỷ đồng . Còn các tỉnh thành phố còn lại thu ngân sách không đủ chi, nên phải ra các Bộ ban ngành trung ương xin kinh phí để đầu tư cho địa phương mình , có nhiều địa phương ở xa phải đặt văn phòng tại Hà nội để tiện giao dịch. Nên rất dễ dẫn đến tiêu cực, cần phải sớm được khắc phục. Để khắc phục được cơ chế xin cho như hiện nay, đồng thời đảm bảo sự công bằng của các địa phương , giải pháp đó là Chính phủ phải kiên quyết đẩy mạnh phân cấp ủy quyền cho địa phương các lãnh vực hết sức nhạy cảm như phân cấp ngân sách, phân cấp đầu tư công, phân cấp nguồn đầu tư xây dựng cơ bản mà hiện nay các Bộ đang quản lý. Các Bộ ban ngành cấp trên nên tập trung tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát từng lãnh vực chuyên môn của ngành mình phụ trách, phát hiện kịp thời sai phạm ở các địa phương vi phạm pháp luật và có biện pháp xử lý chấn chỉnh đối với các địa phương cố tình vi phạm. Hiện nay các nguồn vốn đầu tư lớn đều tập trung ở các bộ ban ngành trung ương, như nguồn các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ , nguồn ODA,WB vv…Các Bộ đều là các chủ đầu tư cụ thể như Bộ giao thông vận tải là chủ đầu tư các tuyến đường quốc lộ trong cả nước, rõ ràng đây là công việc vừa đá bóng vừa thổi còi vì chất lượng công trình kém chất lượng ai kiểm tra giám sát? ai sẽ chịu trách nhiệm? Trong thời gian vừa qua người dân đã kêu ca nhiều về chất lượng các công trình giao thông do Bộ giao thông vận tải làm chủ đầu tư, như tuyến đường quốc lộ 1a có những đoạn đường, cầu năm trước mới làm xong năm sau đã bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng. Tuyến đường quốc lộ 14 từ Buôn ma thuột về thành phố Hồ chí Minh có nhiều đoạn đường Bộ giao thông vận tải đã làm lễ khởi công từ 3 năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa có đoạn đường nào hoàn thành đưa vào sử dụng, cụ thể là đoạn từ Đăknông đến thị xã Đồng xoài tỉnh Bình phước không biết khi nào mới hoàn thành đưa vào sử dụng, đây chính là sự lãng phí rất lớn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và xã hội của các tỉnh tây nguyên. Đối với các địa phương muốn có nguồn vốn trên để đầu tư các dự án cho địa phương mình phải đi xin đối với các Bộ ban ngành của trung ương mà thôi, như Bộ kế họach và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn vv… Về hướng lâu dài xóa được cơ chế xin cho thì phải làm thế nào cho các địa phương tự cân đối được thu chi ngân sách của cấp mình, không phải ra các Bộ ngành trung ương xin kinh phí nữa. Để thực hiện được điều này , thì trước tiên các Bộ ngành trung ương cần tạo điều kiện cho các địa phương về cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư, đồng thời có nguồn kinh phí sớm nâng cấp đầu tư mở rộng tuyến đường quốc lộ và mạnh dạn phân cấp ngân sách cho các địa phương trực tiếp quản lý các đoạn đường quốc lộ đi ngang qua địa phương mình, cơ chế hiện nay do Tổng cục đường bộ Việt nam Bộ Giao thông trực tiếp quản lý. Có như vậy các địa phương mới chịu trách nhiệm trước Chính phủ về vấn đề đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, có giải pháp xử lý các điểm đen thường xuyên xãy ra các vụ tai nạn giao thông, chủ động trong việc duy tu, bão dưỡng sữa chữa kịp thời các đoạn đường quốc lộ bị xuống cấp, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa, người và phương tiện, đây cũng chính tạo điều kiện cho địa phương dễ dàng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư đến đầu tư ở địa phương mình. Nếu đáp ứng được các yêu cầu trên, các địa phương mới có điều kiện tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và chủ động chi đầu tư phát triển ở địa phương mình.
MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Tầm Nhìn Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây