|
Buổi tọa đàm có sự tham dự của:
- Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Đoàn 559.
- Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
- Anh Dương Văn An - Bí thư T.Ư Đoàn.
- Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam.
- Đại tá Nguyễn Huyên - Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
- Chị Võ Hạnh Phúc - Con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại diện gia đình Đại tướng.
Tại buổi tọa đàm, chị Võ Hạnh Phúc đã thông tin rất chi tiết về quyết định chọn nơi an nghỉ ở dải đất miền Trung nghèo khó, nhưng anh hùng, của chính Đại tướng. Quyết định này đã được ông và phu nhân cũng như gia đình chọn lựa từ rất lâu.
Bạn Nguyễn Hoài Vũ (36 tuổi, nguyenhoaivu1977@gmail.com) hỏi: Qua các phương tiện thông tin đại chúng được biết, Bộ Chính trị và gia đình đã thống nhất chọn Vũng Chùa - Đảo Yến làm nơi an táng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được biết đó cũng là ý định của Đại tướng lúc còn sống. Xin hỏi chị Võ Hạnh Phúc, Đại tướng có ý định chọn quê hương Quảng Bình làm nơi an táng, cụ thể là Vũng Chùa - Đảo Yến, vào thời gian nào?
- Chị Võ Hạnh Phúc: Từ giữa những năm cuối của thập niên 90, ba chúng tôi và gia đình cũng có ý định tìm một số nơi... Ông có ý định suy nghĩ về việc đó từ rất lâu. Ban đầu, ba chúng tôi có ý định đi về căn cứ địa Việt Bắc (ở Thái Nguyên). Cũng có những lúc ba chúng tôi nghĩ ở đâu đó vùng Sơn Tây (Hà Nội) để gần Bác Hồ. Cuối những năm 1990, ông nhiều lần về thăm quê hương Quảng Bình. Ông nghĩ mình sẽ về với quê hương. Gia đình cũng đã đi xem xét nhiều nơi trong tỉnh nhưng cuối cùng ông chọn vùng Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc H.Quảng Trạch. Đó là quyết định của ông.
Chúng tôi nghĩ cũng như em trai Võ Điện Biên đã trả lời với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khi bàn về vấn đề tổ chức tang lễ. Võ Điện Biên nói: Suốt đời ông không có yêu cầu gì với tổ chức nhưng đây là yêu cầu duy nhất. Ông muốn về với miền Trung, miền đất nghèo khó nhưng giàu truyền thống anh hùng. Về Quảng Bình nhưng không nhất thiết là ở quê nhà làng An Xá. Quyết định về Vũng Chùa - Đảo Yến có từ năm 2006. Ông có bút tích để lại về việc này.
Bạn đọc có email minhquang200..@gmail.com hỏi: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà lãnh đạo được toàn dân yêu mến. Tình cảm của người dân với Đại tướng vẫn khiến nhiều người bất ngờ. Xin chị Võ Hạnh Phúc chia sẻ cảm tưởng của gia đình trong những ngày qua?
- Chị Võ Hạnh Phúc: Gia đình chúng tôi rất cảm động vì tình cảm của mọi người. Sau khi ông ra đi, tối 4.10 thấy nhiều bạn trẻ đứng bên kia đường, bên hàng rào ở nhà 30 Hoàng Diệu. Bây giờ tổ chức tang lễ không thể đáp ứng được hết tình cảm của nhiều thế hệ. Gia đình đến 5.10 khi lập bàn thờ đã đề xuất ý kiến để cho mọi người vào tưởng niệm.
Ý nghĩ mở cửa cho mọi người đến tưởng niệm ông xuất hiện rất tự nhiên. Vì công tác chuẩn bị của gia đình còn bộn bề nên chưa thể đáp ứng được ngay trong đêm 4.10 và ngày 5.10. Khi bắt đầu mở cửa, thấy tình cảm của mọi người, gia đình rất cảm động. Có nhiều người là chiến sĩ cũ của ông, các cựu chiến binh, đủ mọi thành phần, tầng lớp. Tình cảm của người dân khiến chúng tôi thật xúc động.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chỉ thị cho Đoàn thanh niên cũng như các lực lượng chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân vào tưởng niệm Đại tướng kính yêu.
Ngày 7.10, gia đình quyết định thời gian viếng kéo dài đến 11 giờ trưa ngày 11.10. Nhân dịp này, xin thay mặt mẹ chúng tôi, xin gửi lời qua báo đài, cảm ơn các vị lão thành cách mạng, các cựu chiến binh và toàn thể nhân dân đã dành tình cảm to lớn cho ba chúng tôi.
T.T (lược ghi)
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...