Thắt chặt quản lý đầu tư công để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản

Thứ sáu - 18/10/2013 04:36 - Đã xem: 1018

Thắt chặt quản lý đầu tư công để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản

Ngày 28/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về “Tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ” (Chỉ thị 14). Chỉ thị trên một lần nữa cho thấy quyết tâm khống chế nợ công, cải thiện tình hình quản lý nguồn vốn đầu tư của chính phủ là khá quyết liệt, rõ ràng.
 
Tuy nhiên, về phía các địa phương, ngoài việc nghiêm túc thực hiện quy định cũng cần đòi hỏi có những chủ trương, chính sách linh hoạt, chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này để đảm bảo phát huy một cách tốt nhất nguồn vốn đầu tư.
 
Trên thực tế, vấn đề siết chặt hoạt động quản lý đầu tư công đã được Chính phủ đề cập trước đây bằng việc không bố trí vốn cho các công trình mở mới, tăng khối lượng, tăng quy mô, hạng mục đầu tư thuộc nguồn trái phiếu Chính phủ. Các công trình đã bố trí vốn nhưng chưa hoàn thiện phải xác định điểm dừng kỷ thuật.
 
Dự án đầu tư thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ phải được đồng ý chủ trương của Trung ương… Những quy định trên nhằm hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, phát sinh vốn đầu tư dẫn đến gia tăng nợ công.
 
Tuy nhiên, về phía địa phương, nhiều dự án hiện đang gặp khó vì đầu tư lỡ cỡ, chưa hoàn thiện nhưng không tiếp tục được bố trí vốn. Nguyên nhân một phần là do công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chưa thực sự quyết liệt dẫn đến nhiều dự án tăng quy mô, khối lượng.
 
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thì Chỉ thị 14 ban hành đang tạo nhiều áp lực, yêu cầu lớn trong quản lý đầu tư công. Theo chỉ thị này thì  đối với dự án mở mới, địa phương chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Vì thế, một số dự án mặc dù đã nằm trong kế hoạch ghi vốn nhưng sẽ không thể triển khai nếu chưa chứng minh được nguồn vốn đối ứng.
 
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, thời gian qua, tỉnh ta cũng như nhiều tỉnh thành khác thường cho chủ trương nhà đầu tư bỏ tiền thi công trước, sau đó Nhà nước sẽ hoàn trả tiền khi có nguồn phân bổ. Thế nhưng, Chỉ thị 14 đã nghiêm cấm các địa phương, đơn vị chức năng cho phép các đơn vị thi công bỏ vốn thi công trước.
 
Đối với các dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn, chỉ được phê duyệt quyết định đầu tư phần vốn ngân sách Trung ương theo đúng mức vốn đã được thẩm định, nếu vượt chỉ tiêu thì địa phương tự cân đối ngân sách để bố trí, hoàn thành dự án.
 
Với quy định trên, đối với địa phương đang gặp nhiều khó khăn như tỉnh ta thì vấn đề tăng cường quản lý trong hoạt động này là hết sức cần thiết. Bởi vì, trong khi nguồn ngân sách địa phương hạn chế, hoạt động đầu tư của chúng ta đang phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn phân bổ của Trung ương.
 
Nếu không làm tốt công tác quản lý, đầu tư nguồn vốn đúng mục đích, yêu cầu thì công tác này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, làm chậm lộ trình phát triển cũng như gây ra nhiều tổn thất, lãng phí trong đầu tư công. Từ đây, việc cân nhắc, quyết định danh mục đầu tư cần phải kỹ lưỡng, thận trọng, không nên đầu tư tràn lan, giàn trải như thực trạng một số công trình, dự án đã và đang triển khai thời gian qua.
 
Đức Diệu

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây