Ông James G. Zumwalt là con trai của Đô đốc Elmo Zumwalt, tư lệnh Hải quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Bản thân James G. Zumwalt cũng từng là sĩ quan Thủy quân Lục chiến tham chiến tại Việt Nam từ năm 1968 đến 1971, can dự vào Panama năm 1989 và tham gia chiến dịch Bão táp Sa Mạc tại vùng Vịnh hồi đầu thập niên 1990.
Sau chiến tranh, hai cha con ông Zumwalt đã trở lại Việt Nam để khởi động các nỗ lực khắc phục hậu quả của cuộc chiến khốc liệt. Riêng James G. Zumwalt mới đây đã xuất bản cuốn sách Chân trần, Chí thép, bày tỏ sự khâm phục đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến của quá khứ.
Trong chuyến trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau chiến tranh, vào năm 1994, ông James và cha mình đã có cuộc gặp gỡ với Đại tướng Giáp tại Hà Nội.
“Mãi đến sau khi chiến tranh kết thúc tôi mới thấu hiểu và khâm phục lịch sử Việt Nam. Tôi biết được rằng, rất nhiều lần trong lịch sử, sau khi chiến thắng, Việt Nam thường cử sứ giả sang kinh đô của kẻ thù để bày tỏ sự xin lỗi về kết cục của cuộc chiến. Sự khiêm nhường cũng dường như là một nét tính cách đặc trưng của Tướng Giáp. Khi cha tôi gặp ông Giáp vào năm 1994, hai người lính già đã ôm nhau và cùng ngồi nói chuyện chiến tranh như những người bạn cũ”, ông James G. Zumwalt chia sẻ với Thanh Niên sau khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần vào hôm qua.
“Hai người đã nói rất nhiều chuyện, từ sự kiện Vịnh Bắc Bộ đến ý định của ông Giáp ở Khe Sanh. Họ cũng nói về vấn đề chất độc da cam và tác động của nó đối với người dân Việt Nam”.
Dưới con mắt của một quân nhân chuyên nghiệp, cựu Trung tá James G. Zumwalt đánh giá: “Nhà báo Tom Brokaw đã gọi những cựu chiến binh Mỹ từng dấn thân tại Thế chiến thứ II là một thế hệ vĩ đại nhất của nước Mỹ. Khi nhìn lại con đường mà Đại tướng Giáp đã dẫn dắt một thế hệ người Việt Nam trong thế kỷ 20 giành chiến thắng trước người Nhật, người Pháp, người Mỹ..., tôi chỉ có thể nói rằng ông ấy là vị tướng vĩ đại nhất thuộc về một thế hệ vĩ đại nhất của Việt Nam”.
Theo Zumwalt thì người cha đã quá cố của ông, Đô đốc Elmo Zumwalt, đánh giá cao những vị chỉ huy ở bên kia chiến tuyến trong Chiến tranh Việt Nam. “Bất cứ tư lệnh Mỹ nào khi giáp mặt với một đối thủ cừ khôi đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối thủ đó. Lúc cha tôi gặp Tướng Trần Văn Trà ở TP.HCM vào năm 1994, ông đã đùa: “Hồi chiến tranh, tôi đã mất hai năm để xác định vị trí của ông ở trong rừng. Giờ đây tôi chỉ cần năm phút là có thể gặp ông”.
Cựu chiến binh Zumwalt nói rằng chính từ cuộc gặp gỡ với Tướng Giáp cách đây gần 20 năm mà ông dần vơi đi thù hận, để từ đó bắt đầu những thay đổi lớn lao về tư duy và thái độ đối với cuộc chiến tranh của quá khứ và đối với triển vọng quan hệ giữa hai nước cựu thù.
Đỗ Hùng
Ảnh: Diệp Đức Minh
Nguồn tin: Báo Thanh Niên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...