Cần những giải pháp cấp bách, mạnh mẽ để thu ngân sách

Thứ năm - 07/11/2013 21:47 - Đã xem: 1009

Cần những giải pháp cấp bách, mạnh mẽ để thu ngân sách

Chỉ còn chưa đến hai tháng nữa sẽ hết năm 2013, nhưng tình hình thu ngân sách Nhà nước lại đang gặp rất nhiều khó khăn, khiến ngành tài chính đang phải đối mặt với tình trạng hụt thu, không đạt như dự toán.


Những khó khăn, thách thức trên đang đòi hỏi cần có những giải pháp cấp bách, mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy công tác thu ngân sách đạt được kết quả khả quan. 
 
10 tháng mới thu được 75,8% dự toán
 
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 10 ước đạt 71.640 tỷ đồng, tăng 35,7% (18.800 tỷ đồng) so với tháng 9; luỹ kế thu 10 tháng đạt 618.290 tỷ đồng, bằng 75,8% dự toán, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, t hu nội địa ước đạt 406.050 tỷ đồng, bằng 74,4% dự toán, đây là mức thấp so với cùng kỳ 3 năm gần đây. Theo ư ớc tính c ó 27 địa phương đảm bảo được tiến độ thu theo dự toán (tối thiểu đạt 83%), trong đó có 8 địa phương (Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Sơn La, Thái Bình, Lào Cai, Lai Châu và Quảng Trị) đã hoàn thành 100% dự toán năm do nguồn thu tập trung vào một số sản phẩm chủ yếu, ít chịu tác động của suy giảm kinh tế ; c ác địa phương còn lại thu đạt dưới ngưỡng yêu cầu. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì c ó 56 địa phương tăng trưởng thu, song mức tăng không cao; 7 địa phương thu đạt thấp so cùng kỳ năm trước.
 
Ngoài ra, thu dầu thô ước đạt 92.380 tỷ đồng, bằng 93,3% dự toán, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2012. T hu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 115.160 tỷ đồng, bằng 69,2% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, với tốc độ thu ngân sách như hiện nay thì theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trước Quốc hội ngày 2/11, ước thực hiện hụt thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2013 và trừ các khoản ghi thu ngân sách hụt 63.630 tỷ đồng so với dự toán.
 
Theo Bộ trưởng Dũng, nguyên nhân hụt thu chủ yếu là do dự toán năm 2013 xây dựng cao so với khả năng thực hiện. Dự toán thu nội địa từ đất dự kiến tăng 14,4% dự toán xuất nhập khẩu tăng 10% so với ước thực hiện năm 2012. Tuy nhiên do kết quả thu ngân sách năm 2012 giảm lớn so với ước thực hiện, thu nội địa giảm 18.000 tỷ đồng, thu cân đối xuất nhập khẩu giảm 18.200 tỷ đồng nên dự toán thu nội địa từ đất và thu xuất nhập khẩu năm 2013 đều tăng xấp xỉ 20% so với thực hiện năm 2012 là mức quá cao so với khả năng kinh tế. Nguyên nhân thứ hai là năm 2013 phải thực hiện các chính sách miễn-giảm, dãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước. Và nguyên nhân còn lại là tăng trưởng thấp hơn dự kiến, cùng với việc quản lý điều hành cũng có lúc chưa hiệu quả nên một số đối tượng đã lợi dụng, gian lận và trốn lậu thuế. 
 
Đồng tình với những nguyên nhân do Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng chỉ ra rằng tình trạng hụt thu ngân sách Nhà nước trong năm 2013 là do 4 nguyên nhân: Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân nộp thuế gặp nhiều khó khăn, dẫn đến số thuế phát sinh phải nộp thấp làm cho số thu nội địa giảm mạnh; dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2013 được Quốc hội quyết định với mức phấn đấu khá cao; thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn một số khoản thu theo Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và theo một số luật thuế làm giảm thu ngân sách khoảng 16.600 tỷ đồng. Ngoài ra, số nợ thuế lớn và có xu hướng tăng đột biến ở nhiều địa phương cho thấy tình hình tài chính của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế đã được tăng cường nhưng chưa thường xuyên, tính quyết liệt chưa cao. Mặt khác, qua kết quả thanh, kiểm tra, kiểm toán, hầu hết đều phát hiện phải truy thu thuế. Điều này cho thấy, tình trạng kê khai sai, gian lận, trốn thuế vẫn xảy ra khá phổ biến. 
 
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tổng chi cân đối NSNN thực hiện tháng 10 ước đạt 82.400 tỷ đồng, luỹ kế chi 10 tháng đạt 767.210 tỷ đồng, đạt 78,4% dự toán, tăng 8 % so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, c hi đầu tư phát triển 10 tháng đạt 139.500 tỷ đồng, bằng 79,7% dự toán, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2012, c hi trả nợ và viện trợ là 85.510 tỷ đồng, bằng 81,4% dự toán, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2012; đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn; Chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính (gồm cả chi điều chỉnh tiền lương) là 542.200 tỷ đồng, bằng 80,4% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012. So sánh giữa hai con số thu và chi ngân sách, sẽ dễ dàng nhận thấy, hiện chi NSNN đã vượt thu NSNN, điều này đòi hỏi ngành tài chính phải khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp tăng thu, chống thất thu với quyết tâm “giữ vững cân đối ngân sách” mà Quốc hội đã giao.
 
Theo ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội khóa XIII thì đối với chi ngân sách cần phải đảm bảo chi ngân sách và mức dự toán được kiểm tra chặt chẽ. Nếu nguồn thu không đạt kế hoạch thì không thể nào chấp nhận nguồn chi vượt kế hoạch, do nguồn chi phải trên cơ sở nguồn chi. Ông Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng trên tinh thần đó, Chính phủ phải thực hiện mạnh mẽ hơn việc kêu gọi các địa phương, các hệ thống chính trị cùng nhau thực hiện mạnh mẽ hơn việc tiết kiệm . nhằm hạn chế bội chi ngân sách ở mức tối đa. 
 
Những giải pháp cấp bách, mạnh mẽ 
 
Nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ điều hành thu-chi ngân sách trong những tháng cuối năm 2013, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị chức năng của ngành tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN năm 2013 theo đúng mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; tăng cường triển khai các giải pháp tăng thu ngân sách, phải thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ đọng. 
 
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thành lập ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách ở từng địa phương để đảm bảo nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2013. Cũng nhằm đảm bảo nguồn thu, Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo sở, ban, ngành phối hợp với cơ quan thuế, hải quan đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Trong đó, một trong những lĩnh vực ngành tài chính nhấn mạnh là việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng, đặc biệt là những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. 
 
Đặc biệt, trong những tháng cuối năm Bộ tài Chính sẽ tập trung chỉ đạo các Cục Thuế trong cả nước thực hiện kịp thời việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế cho một số đối tượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân; tăng cường rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn; quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, cũng như phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng, chống gian lận thương mại, chống buôn lậu, chống chuyển giá. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thu thuế theo hướng công bằng, đơn giản, dễ hiểu tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện đúng pháp luật thuế. Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, nắm chắc các nguồn thu và số lượng người nộp thuế trên địa bàn. Tập trung, nỗ lực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2013. 
 
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết: để tăng cường công tác thu ngân sách, Bộ đã đề nghị các địa phương tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an kiểm tra, xử lý các trường hợp trốn thuế, gian lận thuế, giả mạo hồ sơ giấy tờ để chiếm đoạt thuế; rà soát tình hình, quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo đúng pháp luật. Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, cần hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán; phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu chi ngân sách Nhà nước của cả năm. Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, cùng sự nỗ lực quyết tâm các của Bộ ngành, các địa phương, hy vọng rằng ngành Tài chính sẽ hoàn thành dự toán thu NSNN đề ra một cách cao nhất./.
 
Thùy Dương

Nguồn tin: Báo Tầm Nhìn Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây