Qua đợt khảo sát, không chỉ đơn thuần thu thập số liệu mà còn là cuộc đối thoại thẳng thắn giữa những người lãnh đạo tỉnh với người dân, để không ngừng tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa Ðảng với Dân.
Già làng bon Đắk B'lao, thị trấn Kiến Đức (Đắk R'lấp) vui mừng đón đồng chí Trần Quốc Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đến thăm, khảo sát tại bon |
Tại các thôn, bon, buôn, các đoàn khảo sát đều quan tâm tìm hiểu các vấn đề như: cơ cấu, năng suất cây trồng, vật nuôi; tình hình lao động việc làm; hiệu quả sử dụng vốn vay trong phát triển kinh tế; việc hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi; nguyên nhân của tình trạng đói, nghèo là do đâu; tình trạng thiếu đất ở, sản xuất của bà con; công tác phát triển Đảng, nhất là đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có khó khăn, vướng mắc gì; mối quan hệ giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các dân tộc khác…
Điển hình như khảo sát tại các bon đồng bào dân tộc M’nông ở các xã Đắk Ru, Quảng Tín, Nhân Cơ và thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp), cùng với việc quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, đồng chí Trần Quốc Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy còn trăn trở cùng với bà con về việc bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân tộc và chuyện kế hoạch hóa gia đình.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vui, biểu dương khi tại bon Bu Sơ Rê 1, xã Đắk Ru cả năm vừa qua không có trường hợp nào sinh con thứ 3, nhưng cũng băn khoăn khi nghe Chi hội trưởng phụ nữ báo cáo ở bon Bu Dấp, xã Nhân Cơ “sinh con thứ 3 ít, nhưng thứ 4, thứ 5 thì nhiều”… Rồi vấn đề sử dụng vốn vay của bà con có hiệu quả không, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương đã vào cuộc như thế nào…
Trước những khó khăn, vướng mắc của bà con, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ngành, địa phương trong thời gian tới cần nghiên cứu, đề xuất một chương trình mục tiêu, mô hình, cách thức riêng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ theo hướng “3 tăng” (tăng cường mở các lớp tập huấn ngắn ngày về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; tăng số lượng, chất lượng đảng viên, hội viên, đoàn viên; tăng số lao động được dạy nghề, phổ cập lớp 9); “3 giảm” (giảm bỏ học; giảm đẻ nhiều; giảm nghèo), “3 không” (không bán đất; không nghe lời kẻ xấu; không bỏ văn hóa truyền thống)…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn từ thực tiễn cuộc sống người dân, đội ngũ cán bộ các cấp phải biết lắng nghe những điều nhân dân muốn nói, nói những điều nhân dân muốn nghe và phải là người cán bộ tận tuỵ, nhiệt tâm trong giải quyết những vấn đề thực tiễn đời sống đặt ra.
Còn khảo sát tại thôn 5, xã Đắk R’măng (Đắk Glong), đồng chí Nguyễn Văn Thử, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng hết sức trăn trở và hỏi đi hỏi lại lãnh đạo địa phương nguyên nhân tại sao bà con nơi đây, đất đai sản xuất nhiều (khoảng 4 ha một hộ), nhưng tỷ lệ hộ nghèo lại cao, đến 60% (?); vì sao bà con không vay được vốn để sản xuất, vì sao bà con không nhập được hộ khẩu…
Đồng chí cũng yêu cầu Sở Lao động, Thương binh Xã hội cùng địa phương phải tổ chức rà soát nguyên nhân nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, rồi tham mưu cho tỉnh xây dựng chương trình giảm nghèo riêng cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số.
Có thể nói, đợt khảo sát lần này, ngoài việc đánh giá đúng thực trạng tình hình thôn, buôn, bon, bản trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình 26 của Tỉnh ủy (khóa IX) về thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ” thì còn là cơ sở quan trọng để tỉnh tham mưu cho Trung ương cũng như đề ra được các cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để xây dựng, phát triển bền vững các thôn, bon vùng đồng bào dân tộc thiểu số sát, đúng. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng đề cương chi tiết, nêu 19 vấn đề để các thôn, buôn, bon dựa vào đó báo cáo, với những số liệu cụ thể, khoa học, chứ không theo báo cáo bằng văn bản như trước đây.
Việc xây dựng kế hoạch khảo sát được chuẩn bị rất chu đáo, bảo đảm nội dung thiết thực, hiệu quả nhất. Hình thức khảo sát được đổi mới, đa dạng như: khảo sát trực tiếp tại thôn, bon, buôn; trực tiếp gặp gỡ đội ngũ già làng, chi bộ, ban tự quản, các tổ chức đoàn thể tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, khó khăn vướng mắc; khuyến khích bà con nói hết tâm tình, đúng sự thật tình hình, thực trạng của bon mình. Nhờ vậy, các buổi khảo sát diễn ra trong không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn.
Đồng chí Thị G’Rơu, Bí thư Chi bộ bon Đắk B’Lao, thị trấn Kiến Đức phấn khởi cho biết: “Được lãnh đạo tỉnh quan tâm, nhất là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy xuống trực tiếp đối thoại, thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong đời sống, cán bộ, bà con ai cũng mừng, hiểu rõ được vấn đề, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền”.
Qua đợt khảo sát này và những hoạt động xuống cơ sở đối thoại trực tiếp với người dân thời gian qua của lãnh đạo tỉnh đã thể hiện trách nhiệm, mối liên hệ giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân và cũng là hành động cụ thể để học tập và làm theo một phong cách lớn, nhưng hết sức giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: gần gũi dân, lắng nghe dân, nói dân hiểu, làm dân tin.
Đây cũng là những hành động, chuyển biến tích cực sau một thời gian thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của tỉnh trong thực hiện nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Đó là, cán bộ các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời, góp phần giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Bài, ảnh: Lam Giang