Đảm bảo an toàn hành lang công trình thủy lợi: Cần có biện pháp mạnh tay của chính quyền các cấp

Thứ hai - 21/12/2015 02:44 - Đã xem: 830
Việc bảo đảm hành lang an toàn công trình thủy lợi có vai trò rất lớn trong quản lý, sử dụng, phục vụ tưới tiêu hiệu quả ở các công trình thủy lợi. Thế nhưng hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn nhiều công trình thủy lợi đang bị lấn chiếm bằng các hình thức khác nhau.

THỰC TẾ Ở ĐẮK R’LẤP

Công trình thủy lợi ở thôn 5, xã Hưng Bình không biết từ khi nào đã trở thành nơi đổ rác thải sinh hoạt của người dân. Rác được bọc thành từng bao lớn vứt bừa bãi gần mép hồ gây mất mỹ quan. Tại đường ra vận hành công trình, người dân còn dựng các trụ gỗ nhỏ làm trụ điện gây mất an toàn. Đây là một thực tế đã tồn tại từ lâu nhưng không được các bên liên quan giải quyết dứt điểm.

Người dân vô tư xả rác thải xuống khu vực lòng hồ thôn 5, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp)

Mặc dù, đơn vị quản lý là Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện, UBND xã đã có những lần ra quân vận động người dân tháo dỡ, không xả rác bừa bãi nhưng xem ra đâu lại vào đấy. Hay như tại công trình hồ xã Nhân Cơ, người dân chiếm dụng làm quán bán cà phê, nhà ở từ nhiều năm nay nhưng rất khó buộc các đối tượng vi phạm di dời.

Ông Phan Sỹ Thịnh, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Đắk R’lấp cho biết, vi phạm là khá nhiều nhưng hiện nay đơn vị vẫn chưa có cơ sở pháp lý đủ mạnh để xử lý mà chủ yếu dừng lại ở mức là lập biên bản, tuyên truyền, vận động là chính. Nguyên nhân là do công trình được xây dựng từ nhiều năm trước không có cắm mốc bảo vệ công trình rõ ràng, người dân vi phạm nhưng không được phát hiện từ đầu nên rất khó trong việc buộc di dời.

Dây điện dân sinh được dựa vào đường vận hành công trình hồ thôn 5, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp)

THỰC TRẠNG CHUNG CỦA TOÀN TỈNH

Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông hiện được giao quản lý và khai thác 187 công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh. Phần lớn các công trình này đều được xây dựng từ khá lâu và trước khi bàn giao về cho đơn vị đều do UBND các huyện, thị xã, UBND các xã, các nông, lâm trường quản lý. Do chưa có sự quan tâm đúng mức của đơn vị quản lý nên tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn bảo vệ diễn ra phổ biến.

Sau khi bàn giao cho công ty quản lý, đơn vị đã tập trung vào việc rà soát lại những công trình có vi phạm. Tính đến thời điểm hiện tại, các công trình thủy lợi do công ty quản lý đã phát hiện và lập biên bản ghi nhận vi phạm đối với 327 trường hợp. Trong đó, thị xã Gia Nghĩa, có 4 trường hợp vi phạm tại 3 công trình; Krông Nô: 45 trường hợp tại 6 công trình; Chư Jút: 15 trường hợp tại 7 công trình; Đắk Mil: 11 trường hợp tại 10 công trình; Đắk Song: 127 trường hợp tại 17 công trình; Đắk Glong: 38 trường hợp tại 18 công trình; Đắk R’lấp: 32 trường hợp tại 14 công trình; Tuy Đức: 55 trường hợp tại 12 công trình.

Phần lớn các trường hợp vi phạm xảy ra đối với những công trình gần khu dân cư, đối tượng vi phạm đều là người dân địa phương. Các hình thức vi phạm chủ yếu là lấn chiếm trồng cây lâu năm; xây dựng nhà, quán, chuồng trại chăn nuôi; cản trở dòng chảy, đổ rác thải tại các công trình đầu mối, kênh tưới, tiêu; tự ý vận hành, đục phá kênh mương, phá hỏng, lấy cắp thiết bị vận hành cống nước dưới đập, cống tưới trên kênh, biển cấm, biển cảnh báo trên các công trình.

SỚM CÓ BIỆN PHÁP MẠNH TAY HƠN

Theo ông Trịnh Văn Tường, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông, với những quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền lập biên bản và ra quyết định xử phạt thuộc về cơ quan hành chính nhà nước nên đơn vị khi phát hiện hành vi vi phạm chỉ báo cáo, kiến nghị với UBND các cấp.

Hiện tại, các biện pháp ngăn chặn vi phạm chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về đảm bảo an toàn của các công trình thủy lợi là chính. Mặc dù, các hành vi vi phạm đều được Công ty phối hợp với chính quyền địa phương các cấp lập biên bản, yêu cầu chấm dứt, tháo dỡ, di dời cây trồng, vật kiến trúc, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự quyết liệt vào cuộc để xử lý, cùng với nhận thức của người dân về quản lý và bảo vệ các công trình thủy lợi còn nhiều hạn chế nên số vụ việc được xử lý còn quá ít so với số vụ vi phạm.

Thời gian qua, ngoài một số tổ chức như Công ty Green Farm có mặt bằng chồng lấn lòng hồ Đắk Đ’rông (Chư Jút); Công ty Phú Bình làm sạt lở 60m kênh N3, trạm bơm số 3 thuộc hệ thống trạm bơm Đắk Rền (Krông Nô) đã được giải quyết, khắc phục thì hầu hết các vi phạm khác đều mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản ghi nhận vi phạm và chờ chính quyền địa phương xử lý.

Ông Tường nhấn mạnh thêm: “Các địa phương cần coi công tác quản lý và bảo vệ công trình thủy lợi là việc làm thường xuyên, lâu dài của mình; trong đó cần chú trọng sự phối hợp với các chi nhánh của Công ty ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm và gắn với công tác bảo vệ môi trường nguồn nước; xác định và cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để làm căn cứ quản lý, khai thác và bảo vệ. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì các địa phương cần kiên quyết xử lý, nhất là tình trạng xây dựng công trình kiên cố nằm trong hành lang. Có như thế thì các công trình thủy lợi mới phát huy tối đa hiệu quả của nó để phục vụ tốt cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân”.

Bài, ảnh: Hoàng Hoài

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây