Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế của 21 nền kinh tế thành viên.
Dưới sự đồng chủ tọa của Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Công Thương Philippines, các Bộ trưởng đã tập trung thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác APEC ứng phó với các thách thức đối với các nền kinh tế thành viên trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bao trùm.
Các Bộ trưởng nhấn mạnh APEC cần triển khai các chương trình, dự án cụ thể, cùng nhau hành động nhằm duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển ở khu vực.
Trong đó, APEC cần chú trọng tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, hợp tác nông nghiệp, môi trường, đô thị hóa, phát triển nguồn nhân lực, quan tâm hơn nữa đến các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật và người cao tuổi.
Trong bối cảnh vụ thảm sát vừa xảy ra tại Paris, các Bộ trưởng nhất trí APEC tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về chống khủng bố.
Là một trong những Bộ trưởng được mời phát biểu đầu tiên tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tình hình thế giới và khu vực năm 2015 tiếp tục diễn biến phức tạp, song cộng đồng quốc tế và khu vực đang có thêm những động lực và niềm tin mới về xu thế hợp tác, liên kết và tăng trưởng bền vững.
Nổi bật là việc Liên hợp quốc nhất trí thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và nỗ lực hướng tới một thỏa thuận mới toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu vào tháng 12/2015. Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong giai đoạn mới, APEC cần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm gắn với xây dựng cộng đồng bền vững và tự cường, vì con người và lấy con người làm trung tâm.
APEC cần ưu tiên cao thúc đẩy hợp tác xóa đói nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an ninh lương thực - nước - năng lượng, ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn...
Phó Thủ tướng đề nghị APEC đẩy mạnh hơn nữa các chương trình hợp tác kinh tế kỹ thuật nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển, đẩy mạnh hợp tác giáo dục chất lượng, đào tạo nghề, y tế, trao quyền năng cho phụ nữ.
Trong cục diện đang định hình, APEC cần tiếp tục phát huy vai trò là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực thông qua hỗ trợ các chương trình liên kết, kết nối tiểu vùng, ủng hộ vai trò trung tâm của Cộng đồng ASEAN và các chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong.
Cũng trong sáng 17/11, các Bộ trưởng đã có phiên ăn sáng làm việc, trao đổi các biện pháp hợp tác nhằm nâng tầm đóng góp của APEC vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế củng cố hệ thống thương mại đa phương.
Sau hai ngày làm việc khẩn trương, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 27 đã kết thúc tốt đẹp, hoàn tất công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Diễn đàn APEC lần thứ 23 sẽ chính thức khai mạc vào sáng ngày mai, 18/11 tại thủ đô Manila, Philippines.
Diễn đàn APEC là một trong những cơ chế hợp tác đa phương quan trọng hàng đầu ở khu vực và đối với Việt Nam.
Từ khi gia nhập APEC tháng 11/1998, Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ nhà APEC năm 2006, thúc đẩy thông qua Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện các Mục tiêu Bogo và là một trong những thành viên chủ động, tích cực đề xuất, triển khai hơn 90 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực hợp tác của Diễn đàn.
Hiện Việt Nam đang tích cực triển khai các công tác chuẩn bị đăng cai Năm APEC 2017.
Nguồn TTXVN
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...