PV: Qua 5 năm thành lập, đi vào hoạt động, Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh được đánh giá là đã phát huy tốt vai trò, chức năng của mình. Xin bà cho biết sơ bộ một số kết quả mà Hội đạt được trong thời gian qua?
Bà Trần Thị Thảo |
Bà Trần Thị Thảo: Trước hết phải nói rằng, sự ra đời và phát triển của Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Đắk Nông chính là kết quả từ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đối ngoại nói chung, phát triển Hội nói riêng.
Từ sự quan tâm đó, thời gian qua, Ban Chấp hành Hội khóa I, nhiệm kỳ 2010-2015 cũng như các hội viên đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác đối ngoại trên các phương diện, lĩnh vực. Từ đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện những hoạt động ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa và đối ngoại nhân dân với nước bạn Campuchia một cách phù hợp, linh hoạt và hiệu quả, góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước ngày càng sâu đậm.
Bên cạnh đó, nhằm giáo dục, tuyên truyền và tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, hai tỉnh giáp biên giới Đắk Nông (Việt Nam) và Mondulkiri (Campuchia), thời gian qua, các cấp hội đã tăng cường phối hợp với lực lượng biên phòng và các huyện biên giới tuyên truyền tới nhân dân các xã vùng biên hiểu biết và thực hiện tốt quy chế khu vực cấm dọc biên giới.
Đặc biệt, các cấp Hội đã thường xuyên tuyên truyền sâu các văn bản pháp lý về việc giải quyết biên giới Việt Nam – Campuchia như Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985, bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam-Campuchia; Nghị định 32 của Chính phủ về quy chế cửa khẩu biên giới đất liền; Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về công tác đối ngoại nhân dân…
Thông qua các đợt tuyên truyền đã giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết hơn về pháp luật, đồng tình với chủ trương, chính sách của lãnh đạo hai tỉnh. Ý thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong việc hợp tác, chung sức giữ gìn vùng biên, mốc giới, cảnh giác và đấu tranh với các thế lực thù địch, tội phạm vùng biên cũng ngày một nâng cao.
Ngoài ra, các nhiệm vụ quan trọng khác như củng cố, xây dựng hội, hợp tác, giúp đỡ hội bạn, phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện những nhiệm vụ đối ngoại đều được Ban chấp hành và các hội viên tham gia một cách tích cực, nghiêm túc.
Hội hữu nghị 2 tỉnh Đắk Nông (Việt Nam) và Mundulkiri (Campuchia) ký kết bản ghi nhớ |
PV: Củng cố và phát triển tổ chức cơ sở Hội và hội viên được xem là tiền đề để thực hiện thành công nhiệm vụ. Vậy, kết quả cũng như những thuận lợi, khó khăn trong công tác này như thế nào, thưa bà?
Bà Trần Thị Thảo: Về cơ bản, công tác phát triển Hội và hội viên thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Từ khi thành lập đến nay, Hội đã thành lập được 6 chi hội trực thuộc, 2 ban vận động thành lập chi hội với tổng số 935 hội viên. Đây được xem là kết quả khả quan và nổi bật của nhiệm kỳ trong việc củng cố, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội.
Điều đáng mừng là trong quá trình vận động thành lập các chi hội cơ sở, đa phần cấp ủy, chính quyền các địa phương rất ủng hộ và quan tâm để tạo mọi điều kiện thành lập chi hội. Các hội viên cũng nhiệt tình tham gia với tinh thần tự nguyện, ý thức trách nhiệm cao.
Sau khi thành lập, các chi hội và hội viên đã sớm đi vào hoạt động tương đối nền nếp và hiệu quả, nhất là các chi hội ở những huyện biên giới như Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil, Chư Jút và Chi hội Bộ đội Biên phòng tỉnh. Một số chi hội mặc dù không phải là huyện vùng biên nhưng cũng hoạt động rất nỗ lực, hiệu quả như Chi hội huyện Đắk R'lấp.
Có được kết quả đó, ngoài nỗ lực của Ban Chấp hành Hội, chi hội và các hội viên thì phải kể đến sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phối hợp, giúp đỡ hội và chi hội thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, cũng qua công tác này cho thấy cấp ủy, chính quyền một vài địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc thành lập chi hội. Thậm chí một số lãnh đạo còn có suy nghĩ không phải huyện vùng biên nên không cần phải thành lập chi hội. Từ đây, phần nào gây khó khăn trong việc củng cố, kiện toàn hệ thống chi hội trực thuộc ở cơ sở.
Công trình Trường Dạy nghề Dân tộc nội trú tỉnh Mondulkiri (Campuchia) do tỉnh Đắk Nông hỗ trợ, xây dựng |
PV: Xin bà cho biết nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Hội là gì?
Bà Trần Thị Thảo: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong thời gian tới, Hội vẫn xác định tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối cho Đảng, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Đắk Nông-Mondulkiri trong việc liên kết, vun đắp tình hữu nghị truyền thống của hai tỉnh.
Để làm được điều này, Hội xác định việc tiếp tục xây dựng, củng cố và mở rộng các chi hội trực thuộc và hội viên là nhiệm vụ trước mắt. Hội cũng sẽ từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, chi hội và các hội viên theo hướng có chiều sâu, khoa học và hiệu quả. Đây được xem như là cơ sở tiền đề để Ban Chấp hành khóa II, nhiệm kỳ 2015-2020 triển khai thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ chuyên môn đặt ra.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp, tuyên truyền chủ trương, pháp luật của Đảng, nhà nước tới nhân dân cũng như tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại; Đẩy mạnh các hoạt động thăm hỏi, giao lưu và giao ban định kỳ giữa Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Đắk Nông và Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam tỉnh Mondulkiri; Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cấp ngành để thực hiện công tác đối ngoại và một số hoạt động hữu nghị khác theo chương trình của hai tỉnh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Đ.D thực hiện
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...