Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy về ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2013-2015
Thứ hai - 05/08/2013 03:34
- Đã xem: 1077
Ngày 2/8, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 11/NQ-TU ngày 6/5/2013 (NQ 11) của Tỉnh ủy về ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2013-2015, những năm tiếp theo; triển khai kế hoạch của UBND tỉnh theo tinh thần NQ 11. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, công ty lâm nghiệp và 71 xã, phường, thị trấn đã tham dự. Đồng chí Lê Diễn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Nội dung NQ 11 nêu rõ: Phần lớn diện tích rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được giao, cho thuê, nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua bộc lộ nhiều yếu kém. Trong tổng số 127.000 ha đất rừng bị lấn chiếm thì diện tích bị phá lên tới 30.000 ha, kéo theo tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tổ chức mua bán lâm sản trái phép xảy ra.
Nguyên nhân là do nhận thức về quản lý bảo vệ rừng của cộng đồng chưa cao; một số cấp ủy đảng, chính quyền, “chủ rừng” buông lỏng quản lý… Vì vậy, để lập lại trật tự quản lý bảo vệ rừng thì Tỉnh ủy yêu cầu cần những biện pháp mạnh, trong đó chính quyền các cấp, “chủ rừng” phải thực hiện sớm việc rà soát rừng, triển khai trồng mới rừng, xử lý những trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Việc sắp xếp, ổn định dân di cư sống trong rừng; tăng cường kiểm tra, xử lý cơ quan, đơn vị để rừng bị mất cần được thực hiện quyết liệt. Nghị quyết cũng đề cập đến giải pháp phát triển rừng bền vững như kiên quyết thu hồi và trồng lại rừng phòng hộ, đặc dụng bị phá; khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển rừng sản xuất…
Trên cơ sở NQ 11, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 234/KH-UBND, trong đó chú trọng tổ chức thực hiện các biện pháp mạnh như truy quét, điều tra, xử lý đối tượng phá rừng; quy trách nhiệm người để mất rừng. Xây dựng chương trình rà soát, quy hoạch rừng; cưỡng chế, giải tỏa tình trạng xâm canh rừng; thu hồi các dự án trồng, quản lý rừng không hiệu quả. Đồng thời, việc cụ thể hóa quy định về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của “chủ rừng” cũng được xây dựng chặt chẽ, rõ ràng hơn…
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận của đại biểu, kết luận hội nghị, đồng chí Lê Diễn nhấn mạnh: Tình trạng phá rừng trong tỉnh đã ở mức báo động rồi. Vì vậy, đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, “chủ rừng” thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch đã ban hành.
Mặt khác, việc tập trung tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng đến tận người dân cũng cần được thực hiện quyết liệt trong thời gian tới. Các xã, huyện phải cụ thể hóa NQ 11 bằng hành động cụ thể, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm phải làm... Phấn đấu từ nay đến năm 2015, cơ bản hạn chế tối đa tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh.
Tin, ảnh : Công Tính
Nguồn tin: Đăk Nông Online