Bây giờ có thể nói việc mở đường bay không quá khó khi mà VN đã gia nhập nhiều tổ chức, bình thường hóa quan hệ với nhiều nước trên thế giới. Chỉ cần có lượng khách đi lại khá thường xuyên là có thể... bay!
Nhưng vào những năm đầu thống nhất đất nước, việc mở đường bay, đặc biệt là bay thẳng đến những nước được gọi là “phía bên kia” không hề dễ dàng chút nào. Phần vì chúng ta chưa thật sự chủ động mở cửa, phần vì lệnh cấm vận của Mỹ còn thắt chặt. Việc ký kết các hiệp định hàng không, mở đường bay thẳng vì thế luôn đối mặt với nhiều khó khăn.
Phá thế cấm vận
Không giống như mạng đường bay của Vietnam Airlines ngày nay đã phát triển mở rộng đến hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước và hàng chục điểm đến quốc tế tại các châu lục, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Vietnam Airlines chỉ bay đến được một số nước như Trung Quốc, Liên Xô, Lào...
Ngay cả những chuyến bay nội địa cũng bay không thường xuyên. Do vậy mà có được đường bay thẳng ra nước ngoài vào những năm ấy được xem là một cơ hội quý hơn cả vàng. Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty hàng không VN (Vietnam Airlines) cũng không thể quên những năm tháng đất nước còn chịu sự cấm vận nặng nề của Mỹ, sự kiện mở đường bay thẳng TP.HCM - Manila (Philippines) của Vietnam Airlines năm 1985 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cũng nhờ vào đường bay này chúng ta đã phá thế bị cấm vận, từng bước tiến ra và hội nhập với thế giới.
Ông Phạm Ngọc Minh cho biết, theo đánh giá của Vietnam Airlines, để thực hiện thành công sự kiện mở đường bay này là nhờ nỗ lực của các cơ quan nhà nước và ngành hàng không dân dụng VN. Bên cạnh đó còn có phần đóng góp tích cực và quan trọng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Sự đóng góp đó là cả một quá trình, thể hiện tình cảm và tấm lòng của một Việt kiều yêu nước, luôn hướng về và mong muốn góp phần xây dựng, phát triển quê hương.
Đường bay TP.HCM - Manila và ngược lại, sau 30 năm vẫn đang được duy trì thường xuyên mỗi ngày một chuyến, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thông thương dễ dàng, nhanh chóng.
Chuyến bay đầu tiên
Theo ông Phạm Ngọc Minh, bằng các mối quan hệ và uy tín cá nhân, Johnathan Hạnh Nguyễn đã tích cực vận động các nhà chức trách và lãnh đạo Philippines đồng ý cho việc mở đường bay quý giá này.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vào những năm đầu thập niên 1980 là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch (nay là Bộ Kế hoạch - Đầu tư). Ông Khải cũng khẳng định Johnathan Hạnh Nguyễn có công lớn mở đường bay TP.HCM - Manila. Khi đã có đường bay rồi, ngay trong thời gian đầu ông Hạnh Nguyễn đã tổ chức nhiều chuyến đi của TP.HCM, trong đó có ông Khải đi thăm Philippines và nhiều nước khác để tìm hiểu thị trường, chuẩn bị cho những kế hoạch xúc tiến, kêu gọi đầu tư cho thời kỳ đổi mới, mở cửa kinh tế sau này.
Ông Trần Tiến Vinh, từng là Phó vụ trưởng thuộc Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Brunei (hiện đang nghỉ hưu tại Hà Nội), nhớ lại rằng những năm 1984 - 1987, khi là đại biện lâm thời công tác ở Đại sứ quán VN tại Philippines, ông đã thấu hiểu những tình cảm đối với quê hương của ông Johnathan Hạnh Nguyễn như thế nào. Ông Vinh kể, hồ sơ về việc mở đường bay lúc đó đệ trình lên Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos bằng đường ngoại giao ít nhất đã hai lần, đợi chờ suốt 6 tháng vẫn không thấy chuyển biến gì. Những người nhận nhiệm vụ đi mở đường bay trong các cơ quan nhà nước ta đều lo lắng vì sự chậm trễ kéo dài này có thể làm lỡ nhiều kế hoạch quan trọng khác của trung ương. Thế rồi, ông Johnathan Hạnh Nguyễn xuất hiện. “Vào 8 giờ tối 4.9.1985, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đến Đại sứ quán VN tại Philippines và lái xe của đại sứ quán đưa tôi đi vào Phủ tổng thống. Khi đến nơi, trong lúc tôi nói chuyện với ông Juan Tuvera, trợ lý điều hành của Tổng thống Marcos, ông Hạnh đã vào phòng làm việc của tổng thống và trình giấy phép bay giữa TP.HCM và Manila. Ông Marcos đã xem và ký duyệt ngay hôm đó”, ông Vinh xác nhận.
Sau khi được chính Tổng thống Marcos duyệt giấy phép bay, ngày 9.9.1985, Hàng không VN đã thực hiện chuyến bay đầu tiên TP.HCM - Manila - TP.HCM, đánh dấu sự khởi đầu quan hệ hàng không giữa hai nước. Trong chuyến bay này, máy bay B-707 có 31 quan chức hàng không VN, phóng viên báo chí, dẫn đầu là ông Phan Tương, lãnh đạo Cụm cảng hàng không phía nam và phi hành đoàn. Lượt về chở 30 tấn hàng quà biếu của Việt kiều từ Mỹ gửi về cho thân nhân ở VN.
Sau mấy mươi năm xa cách vì điều kiện công tác mỗi người mỗi nơi, ông Trần Tiến Vinh và Johnathan Hạnh Nguyễn mới đây đã gặp lại nhau. Cả hai người đều bồi hồi xúc động khi nhớ lại sự kiện “vào dinh xin chữ ký tổng thống”. Cảm giác của hai ông về sự kiện đó như vừa mới xảy ra hôm qua. Cả hai ông đều phải vượt qua nhiều nghi kỵ, nhiều trở ngại rất phức tạp về thủ tục, thậm chí còn có nguy cơ mất mạng để có được chữ ký của tổng thống một cách rất bất ngờ vì nó hoàn toàn nằm ngoài dự tính trước đó.
“Chữ ký đặc biệt này trong buổi tối hôm đó ở Phủ tổng thống là khâu đột phá, quyết định cho việc sớm mở đường bay giữa hai nước”, ông Vinh khẳng định.