Kết luận thanh tra được công bố tại giao ban báo chí sáng nay 19.5, cho biết: Cây xanh Hà Nội qua thời gian có nhiều cây bị sâu mục, già cỗi dẫn đến nguy cơ đổ gãy, ảnh hưởng đến an toàn của người dân. Bên cạnh đó, nhiều cây không đúng với chủng loại cây đô thị làm xấu cảnh quan đô thị, không phù hợp với môi trường nên thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng phê duyệt từ 2011, TP.Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, lập, phê duyệt Đồ án Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc lập Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014 - 2015 là bước cụ thể hóa Quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước đến năm 2015, chủ trương là đúng đắn. Trong những năm qua, cùng với việc đầu tư, xây dựng mới hệ thống cây xanh, công viên, hồ nước, Hà Nội đã chú trọng thường xuyên cải tạo, thay thế, bổ sung cây xanh trên các tuyến phố, góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan đô thị.
Quá trình tổ chức thực hiện, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan đã cơ bản thực hiện theo quy định về cấp phép, thực hiện chặt hạ, dịch chuyển, trồng thay thế, trồng bổ sung đúng quy định. Việc chặt hạ, đánh chuyển do các đơn vị chuyên ngành thực hiện, khối lượng củi, gỗ thu được sau khi chặt hạ đã được các đơn vị đo đếm, nghiệm thu, nhập kho quản lý, làm thủ tục thanh lý, đấu giá. Chưa phát hiện thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Đề án chặt hạ 6.700 cây xanh, Sở Xây dựng chưa tranh thủ rộng rãi ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng dân cư nơi chịu tác động ảnh hưởng. Công tác thông tin, tuyên truyền trước và trong quá trình thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh chưa thực hiện tốt, chưa sâu rộng nên chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân sở tại và nhân dân thủ đô.
Trong đề án chưa nêu rõ tiêu chí để đánh giá, phân định và làm rõ số lượng cây dự kiến phải chặt hạ, thay thế do có nguy cơ đổ gãy, cây khô chết, cây sâu mục, cây che khuất tầm nhìn ảnh hưởng đến an toàn giao thông, trong tổng số 2.208 cây; đồng thời, chưa nêu rõ tiêu chí số lượng cây dự kiến dịch chuyển để trồng theo quy hoạch, số cây dự kiến từng bước thay thế do cây không đúng chủng loại đô thị, cây cấm trồng, cây có nhiều sâu bọ, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường đô thị..., khiến dư luận lo ngại chặt hạ cây xanh hàng loạt, gây bức xúc.
Theo Thanh tra TP Hà Nội, việc xác định, ước tính chi phí cải tạo, thay thế cây xanh theo cách tính bình quân 10 triệu đồng/cây (bao gồm việc chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây thay thế, cây bổ sung, chi phí bó vỉa gốc cây, hoàn trả vỉa hè cho toàn bộ 6.708 cây) là không khoa học, chưa phù hợp với nội dung thực hiện cho từng loại cây, từng tuyến phố.
Thanh tra Hà Nội xác định trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, thiếu sót này thuộc về Sở Xây dựng. Sở Thông tin - Truyền thông cũng có trách nhiệm khi không thông tin đầy đủ, rõ ràng cho người dân được biết; đồng thời, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng có trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra thiếu sát sao.
Sai sót trong cấp phép
Thanh tra Hà Nội cũng chỉ ra việc khảo sát chưa kỹ trước khi cấp giấy phép dẫn đến cấp giấy phép một số cây trồng thay thế, bổ sung không đảm bảo điều kiện để trồng. Có 86 vị trí vướng công trình, hạ tầng. Đây là trách nhiệm của Tổ công tác do Sở Xây dựng chủ trì khảo sát, kiểm tra tình trạng cây trước khi cấp phép.
Hồ sơ đề nghị cấp phép, dịch chuyển cây còn thiếu ảnh chụp hiện trạng cây về kích thước cây, lý do chặt hạ, dịch chuyển, biên bản kiểm tra tình trạng cây trước khi cấp phép.
Bên cạnh đó, thành phần buộc phải có trong biên bản thể hiện tình trạng trước khi chặt hạ cây là xác nhận của UBND cấp phường sở tại cũng bị thiếu nhiều. Các việc làm không đúng này của phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật, môi trường và công trình ngầm thuộc Sở Xây dựng lại vi phạm chính những quy định do sở này ban hành.
Cũng theo Thanh tra Hà Nội, Sở Xây dựng đã giao cho các Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thịnh An chặt 19 cây, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Vĩnh An chặt 20 cây trong khi 2 đơn vị này không được giao thực hiện như trong giấy phép là sai quy định.
Việc nghiệm thu, giám sát kết quả tổ chức thực hiện của 3 công ty (Công ty CP Thương mại công nghệ Bình Minh, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thịnh An, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Vĩnh An) thiếu thành phần xác nhận của UBND phường sở tại là chưa đúng; có 103 cây không đúng chủng loại cây đã được cấp phép là sai với nội dung trong giấy cấp phép...
Với tuyến đường Nguyễn Trãi ở quận Thanh Xuân có nhiều cây xà cừ cổ thụ bị chặt hạ, Thanh tra Hà Nội cho rằng, việc chặt hạ loại cây xà cừ có rễ ăn nông, ăn ngang mặt đất dễ đổ để đảm bảo an toàn giao thông, tránh ảnh hưởng tuyến đường sắt trên cao, tai nạn cho người dân là cần thiết.
Tại đường Nguyễn Chí Thanh, một trong những tuyến thí điểm thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh, Công an TP Hà Nội và Ngân hàng VP Bank thực hiện tài trợ nguồn vốn. Tuy nhiên, với mong muốn cải tạo, thay thế cây xanh hiện trạng và trồng bằng một loại cây có giá trị để có một tuyến đường đẹp nên quá trình thực hiện đã nóng vội thay cây khi chưa có ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân. Ngoài ra, Thanh tra Hà Nội cũng đã xác định được số cây mới trồng trên đường này là cây mỡ chứ không phải cây vàng tâm như các cơ quan liên quan đã thông tin trước đó.
Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân
Theo Thanh tra Hà Nội, UBND TP.Hà Nội cần chỉ đạo rà soát, điều chỉnh biện pháp, cách làm, khắc phục những việc làm không phù hợp vừa qua trong việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội đảm bảo theo đúng quy định, thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền tạo đồng thuận trong nhân dân cần được làm tốt hơn.
Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP do thiếu kiểm tra, sâu sát trong chỉ đạo, triển khai thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian qua.
Chỉ đạo kiểm điểm và xử lý kỷ luật theo quy định đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện để xảy ra những hạn chế, thiếu sót nêu trên.
Đối với Sở Xây dựng, cần kiểm điểm và xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở Xây dựng và những cá nhân trực tiếp liên quan: Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị...
Khẩn trương rà soát Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị, làm rõ các tiêu chí đánh giá, phân loại, khảo sát, xác định chính xác số lượng cây dự kiến chặt hạ, dịch chuyển, trồng thay thế, trồng bổ sung. Đồng thời, xác định chính xác khái toán kinh phí theo từng nội dung thực hiện, đánh giá lại các biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện, kịp thời điều chỉnh biện pháp, cách làm không phù hợp, khắc phục thiếu sót, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Báo cáo UBND thành phố xem xét, điều chỉnh đảm bảo việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị theo đúng quy hoạch. Đồng thời, phải thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch và có cơ chế lấy ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân tạo sự đồng thuận khi triển khai.
Tăng cường quản lý nhà nước về cây xanh trên địa bàn thành phố theo quy định. Nghiên cứu, đề xuất với UBND TP.Hà Nội sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định không phù hợp về quản lý, chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây xanh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cần tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân để trồng cây trên đường Nguyễn Chí Thanh theo quy hoạch, đảm bảo cây trồng xanh tốt.
Sở Tài chính phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức kiểm kê gỗ, củi trong kho để khẩn trưởng đấu giá gỗ theo quy định. Rà soát lại đơn giá một số hạng mục liên quan đến việc cải tạo, thay thế cây xanh, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.
Sở Thông tin - Truyền thông, các quận, tổ chức liên quan cần phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến những thiếu sót mà kết luận đã nêu. Cần có biện pháp tăng cường quản lý về cây xanh theo phân cấp và đúng quy định.