Những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ clip của một người có nickname thuytram_dep với nội dung: “Sáng nay, tôi chở cả nhà đi thi lái xe ở Q.12, khi đến ngã ba rẽ từ QL1 vào đường Lê Thị Riêng, tôi dừng xe chờ đèn đỏ thì xe tải BKS 51C-05242 từ sau vượt lên cúp đầu xe tôi rồi dừng ngay vạch dành cho người đi bộ. Tôi lấy điện thoại chụp hình nhưng tài xế xe tải bắt tôi phải xóa hình vừa chụp rồi anh ta quay về xe lấy thanh sắt, cùng hai thanh niên khác quay lại đòi hành hung tôi... Tôi đành phải xóa hình nhưng xe tôi còn có camera hành trình”
Sau đó, tài xế xe tải 51C-05242 cầm hung khí định hành hung người chụp hình - Ảnh cắt từ clip |
Xem clip này, cư dân mạng rất bức xúc, đề nghị chủ nhân gửi ngay clip đến cơ quan công an để xử lý. Thành viên khác có nickname quangtin thì đề nghị: “Gửi cho CSGT phạt nguội cho nó nhớ đi bác, hổ báo thì phải trị”. Tuy nhiên, có nhiều người lại tỏ băn khoăn, liệu chỉ từ những hình ảnh này thì có đủ để công an xử lý hay không?
Hai thanh niên khác cũng hùng hổ nhào tới - Ảnh cắt từ clip |
Truy tìm, xử lý
Thời gian qua có nhiều vụ người dân quay phim, chụp hình người vi phạm giao thông đưa lên mạng hoặc gửi cho cơ quan công an, sau đó người vi phạm bị xử phạt nghiêm khắc như: cô gái điều khiển xe gắn máy bằng chân trên QL5 (TP.Hà Nội) bị CSGT TP.Hà Nội xác minh, xử phạt cô này 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng.
Hay vụ nam thanh niên 21 tuổi ở H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cũng chạy xe máy bằng chân, phóng như bay trên QL1A bị Công an tỉnh Quảng Nam xác minh phạt hơn 6 triệu đồng. Hồi tháng 10 vừa qua, nam thanh niên 17 tuổi (ở Thái Nguyên) không đội mũ bảo hiểm còn nằm ngửa trên yên xe máy, lái xe bằng chân bị CSGT Thái Nguyên truy tìm, xử phạt 9 triệu đồng.
Trước đó, vào tháng 9.2015, Công an TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh xử phạt 3 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày đối với người đàn ông để con 6 tuổi cầm vô lăng ô tô chạy trên đường.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp như trường hợp một nam ca sĩ nổi tiếng chạy xe máy tại TP.HCM, đầu không đội mũ bảo hiểm và bị người đi đường quay clip đưa lên Facebook nhưng không bị xử phạt.
Hình ảnh, clip từ người dân là thông tin để truy phạt
Trao đổi với Thanh Niên, thiếu tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM, cho biết theo quy định chỉ những hình ảnh được trích xuất từ máy ghi của CSGT mới được làm chứng cứ để xử phạt; còn hình ảnh do người dân cung cấp thì chưa được pháp luật quy định.
“Tuy nhiên, với trường hợp vi phạm có thể gây nguy hiểm cho nhiều người trên đường, cơ quan chức năng tiếp nhận, xem xét, điều tra và xử lý”, ông Phong nói.
|
Thanh niên lái xe bằng chân bị xử phạt - Ảnh cắt từ clip |
Theo một cán bộ PC67, Công an TP.HCM, những hình ảnh do người dân cung cấp được xem là cơ sở ban đầu cho việc xử lý. Để xử phạt, cơ quan công an còn ghi nhận lời khai thừa nhận hành vi của người vi phạm, lời khai của những nhân chứng, lập biên bản…
Cũng theo cán bộ này, với những hành vi thông thường như không đội mũ bảo hiểm như trường hợp ca sĩ nói trên thì chưa đến mức nguy hiểm đến an toàn cho người khác và bức xúc dư luận nên chưa cần thiết phải truy để phạt nguội.
Lực lượng CSGT sử dụng camera di động ghi hình tài xế vi phạm - Ảnh: Đàm Huy |
Trao đổi với Thanh Niên, trung tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, C67 (Bộ Công an), cho rằng việc người dân quay phim chụp ảnh các hành vi vi phạm an toàn giao thông ngoài đường thì lực lượng CSGT các địa phương phải quan tâm xử lý, là thực hiện theo quy định của luật pháp, tương tự các hành vi vi pháp luật khác thì các lực lượng công an địa phương cũng phải quan tâm chủ động xử lý.
“Đối với các vi phạm về hành chính thì luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc mọi hành vi vi phạm đều phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm. Việc phát hiện có thể từ nhiều nguồn khác nhau, do người dân gửi đến lực lượng công an hoặc đưa lên mạng xã hội…", trung tá Nhật cho biết.
"Khi lực lượng chức năng tiếp nhận những nguồn này thì xác minh qua điều tra hành chính. Ví dụ, người dân gửi clip thì chúng tôi phải xác minh thời gian, địa điểm, phương tiện và con người vi phạm…và người cấp tin sẽ là người làm chứng. Khi hội đủ những yếu tố đó thì lực lượng chức năng sẽ xử phạt”, trung tá Nhật nói thêm.
Các chiến sĩ CSGT xử lý hình ảnh từ camera - Ảnh: Đàm Huy |
Trung tá Nhật cũng khẳng định trong thời gian qua đã có rất nhiều địa phương “phạt nguội” đối với những trường hợp vi phạm do người dân cung cấp. Tuy nhiên cũng có vụ việc phức tạp không hội đủ các yếu tố để xử lý – như: hình ảnh không rõ ràng, video clip có nội dung bị cắt ghép hoặc thể hiện phương tiện không tồn tại trên thực tế.
“Chúng tôi khẳng định đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật là nhiệm vụ của lực lượng công an và cũng là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân, lực lượng công an luôn khuyến khích người dân cung cấp các bằng chứng để công an xử lý, giúp xã hội ngày càng tốt lên”, ông Nhật nói.
Luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc người dân ghi hình người vi phạm pháp luật và gửi đến cơ quan chức năng yêu cầu xử lý là quyền của công dân được quy định trong luật Tố cáo và cũng nên xem đây là một kênh thông tin để giúp cơ quan công an nhanh chóng phát hiện sai phạm và xử lý kịp thời để bảo đảm an ninh trật tự. Tuy nhiên, những hình ảnh này chỉ được xem như một trong những nguồn tin để cơ quan công an tiến hành thu thập thông tin, xử lý chứ không được xem là chứng cứ duy nhất để ra quyết định xử phạt. Để việc xử phạt đúng quy định, cơ quan công an cần làm thêm các bước như, lập biên bản, lấy lời khai của người vi phạm thừa nhận về hành vi vi phạm đó. Trường hợp người vi phạm không thừa nhận hành vi thì cơ quan công an còn phải phải điều tra, giám định hình ảnh, xác minh hành vi vi phạm của người đó. Khi có đủ cơ sở khẳng định hành vi vi phạm thì cơ quan chức năng mới được ra quyết định xử phạt. |
Hải Nam – Đàm Huy – Thái Sơn