Ông Hà Minh Hải, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, cho biết số nợ đọng thuế trên địa bàn là hơn 21.000 tỉ đồng. Trong số các đối tượng nợ đọng thuế, có nhiều doanh nghiệp (DN) bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh.
Đáng chú ý, theo ông Hải, có nhiều đối tượng thành lập DN để buôn bán hóa đơn, thành lập xong giải thể ngay nên rất khó phát hiện. “Chúng tôi đang đánh mạnh vào các ổ nhóm. Các đối tượng cầm đầu rất tinh vi, hầu hết là mượn CMND nên cơ quan công an mất thời gian vài tháng mới xử lý được. Khi tiếp cận thì các đối tượng này một là xe ôm, hai là ở trong tù, ba là mất CMND, nên xử lý hình sự rất khó”, ông Hải nói.
Hơn 300 công ty bỏ trốn
Chia sẻ thêm về các đối tượng bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho biết công an đã tiến hành xác minh hơn 300 công ty bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh, truy thu thuế. Năm 2014, Công an TP.Hà Nội phát hiện công ty do Nguyễn Trường, trú tại Thanh Nhàn thành lập 16 công ty trong thời gian ngắn. Trường đã lợi dụng cơ chế tự in hóa đơn, vào TP.HCM tự in hóa đơn, bán hóa đơn cho các DN hợp thức hóa việc mua vật liệu khống, cũng như chi tiêu của các cơ quan hành chính. Trường đã bán hóa đơn khống cho 2.500 DN, nhận 12% hoa hồng, còn 88% tiền từ hóa đơn khống các DN lĩnh.
Theo ông Chung, việc xác minh nhân thân của giám đốc DN hiện nay rất khó. Điển hình như vụ Nguyễn Trường, người này đã thuê xe ôm 1 triệu đồng lấy CMND ra đăng ký lập công ty “ma”. Bên cạnh đó, các cơ quan thuế trên địa bàn giám sát không chặt chẽ, thậm chí có đối tượng tiếp tay. Công an đang phối hợp Chi cục Thuế Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm điều tra, xử lý các đối tượng trên. “Tôi khẳng định các hành vi vi phạm việc thành lập công ty sẽ được xử lý nghiêm túc và công khai trên các phương tiện thông tin”, ông Chung nói.
Báo chí đưa tin mới biết
Chất vấn về vấn đề trật tự đô thị, quản lý chung cư, nhà cao tầng, đại biểu (ĐB) Nguyễn Hoài Nam cho rằng việc phối hợp giữa các sở ngành với chính quyền quận rất hạn chế, điển hình là những sai phạm tại 8B Lê Trực, 250 Minh Khai, 88 Láng Hạ, đến khi cư dân đi kiện cáo, báo chí đưa tin mới biết. Ông Nam cho rằng có kẽ hở trong cơ chế phối hợp kiểm tra để phát hiện sai phạm tại các dự án này. “Tôi hỏi ông Nguyễn Thế Hùng nhiều năm làm Giám đốc Sở Xây dựng, hiện nay làm Sở QH-KT, nguyên nhân ở đâu, quy chế phối hợp để xử lý như thế nào? Nếu chỉ đổ cho trách nhiệm chính quyền phường xã thì chưa đầy đủ, phải có cơ chế giám sát”, ông Nam chất vấn.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, cho rằng sai phạm tại các dự án trên do việc chấp hành pháp luật của chủ đầu tư không tốt, mọi sai sót đầu tiên do chủ đầu tư, tiếp tới là các lực lượng chức năng chưa làm hết nhiệm vụ. Khẳng định luôn xử lý nghiêm việc xây dựng sai, nhưng theo ông Hùng, quy định mới của Bộ Xây dựng lại cho phép những công trình sai phạm không vi phạm quy hoạch, cho nộp phạt nhưng vẫn tồn tại. TP đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng xem xét vì quy định này không phù hợp với Hà Nội. Ngoài ra, việc quản lý các công trình trên địa bàn giữa T.Ư và Hà Nội cũng có vấn đề.
ĐB Phạm Thị Thanh Mai nói TP có tới 2.000 căn hộ tái định cư chưa bàn giao nhưng đã có người vào ở. HĐND TP đã đeo bám nội dung này hơn 3 năm, nhưng thành phố vẫn chưa xử lý.
Với phần trả lời khá lòng vòng, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng, thừa nhận có thực trạng này, lỗi một phần do Công ty TNHH MTV phát triển nhà Hà Nội vi phạm trong quản lý. Ông Dục khẳng định sở sẽ đôn đốc xử lý các sai phạm trên.
Lo thảm họa cháy Cho rằng nhiều tòa nhà tái định cư hiện nay trên địa bàn Hà Nội không có hệ thống báo cháy, chữa cháy, theo ĐB Nguyễn Hoài Nam, sai phạm PCCC tại nhiều nhà tái định cư ở những tòa nhà này rất nguy hiểm, không có hệ thống báo cháy, chữa cháy, cầu thang thoát hiểm không đảm bảo. Nếu xảy ra cháy ở đây là một thảm họa. Đặt câu hỏi trực tiếp với Phó chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn, ĐB Nam chưa hài lòng khi cho rằng, báo cáo giám sát của HĐND TP đã được gửi cho UBND TP, tuy nhiên, lãnh đạo TP vẫn chưa nắm rõ vấn đề, mà “khất” câu trả lời. |
Mai Hà