Quốc hội yêu cầu giữ lại môn lịch sử

Thứ ba - 01/12/2015 23:08 - Đã xem: 904
Chiều 27-11, QH đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH khóa XIII, trong đó yêu cầu tiếp tục giữ môn học lịch sử trong sách giáo khoa mới.

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội (QH) diễn ra vào chiều nay 27-11, với 90,69% đại biểu (ĐB) tham gia biểu quyết tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đềhoạt động chất vấn, trong đó đáng chú ý có yêu cầu tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.

Nghị quyết yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

“Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”- nghị quyết của QH nêu rõ.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM) trong giờ học lịch sử - Ảnh: TẤN THẠNH
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM) trong giờ học lịch sử - Ảnh: TẤN THẠNH

Nghị quyết cũng yêu cầu triển khai các giải pháp tổng thể, đồng bộ để tạo sự chuyển biến rõ nét về giảm quá tải bệnh viện, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính y tế, mở rộng xã hội hóa, khuyến khích đầu tư cho y tế, sử dụng nguồn tài chính y tế hiệu quả.

Tăng cường quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, hàng năm phải tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong thực tế đời sống; Chú trọng, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, phối hợp liên ngành để kiểm soát thị trường, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các hành vi sản xuất, buôn bán hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp và thực phẩm.

Trong năm 2016, khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm, cải thiện môi trường đối với 47 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng; tiến hành xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khác trong danh mục đã được rà soát, thống kê và phê duyệt để đến năm 2020 tiến độ xử lý ô nhiễm hoàn thành theo đúng thời gian đề ra; cương quyết không để xảy ra cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp; thực hiện tốt việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử, chống oan, sai trong điều tra, truy tố, xét xử; tổ chức hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Thực hiện nghiêm Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật này; nghiêm túc thực hiện các cơ chế pháp lý về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tham nhũng; thực hiện đầy đủ việc đánh giá tình hình tham nhũng của các bộ, ngành, địa phương hàng năm; thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông ở tất cả các địa phương.

Theo Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, báo cáo kết quả với Quốc hội khóa XIV.

Văn Duẩn

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây