16% mẫu thịt phát hiện có chất cấm

Thứ ba - 20/10/2015 04:03 - Đã xem: 767
Nhiều mẫu xét nghiệm thực phẩm phát hiện tồn dư chất cấm, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép là “vấn đề nóng” tại hội nghị trực tuyến phát động đợt cao điểm hành động an toàn thực phẩm (ATTP) trong nông nghiệp, do Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 19.10 tại Hà Nội.
Thông tin kết quả kiểm tra giám sát ATTP trong nông nghiệp 9 tháng qua, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết tỷ lệ mẫu vi phạm ATTP vẫn cao, một số chỉ tiêu về ATTP không cải thiện so với cùng thời điểm năm 2014. Theo ông Tiệp, có 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; 16% mẫu thịt phát hiện có chất cấm Salmonella; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, nhìn nhận thực tế đang có tình trạng người chăn nuôi lạm dụng chất cấm, kháng sinh cấm vốn chỉ dùng làm thuốc cho con người, cụ thể là chất Clenbuterol để pha vào nước dùng nuôi thủy sản, trộn vào thức ăn vừa để kích thích tăng trưởng vừa để phòng ngừa, trị bệnh nên để lại tồn dư trong thực phẩm rất lớn. Cơ quan chức năng phải làm rõ nguồn thuốc này từ đâu ra, có thể từ đối tượng buôn lậu hay công ty dược phẩm tuồn ra bên ngoài, vì vừa qua vẫn có 68 tấn Clenbuterol được cấp phép nhập khẩu về nước. “Tôi đã chỉ đạo Cục Thú y kiểm soát chặt chẽ doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và đề nghị ngành y tế, công an vào cuộc truy quét tận gốc. Sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm để lại tồn dư trong thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng thì tội ác không kém gì ma túy, phải truy quét như tội phạm ma túy”, ông Phát thúc giục.
Thông tin ông Phát đưa ra đã làm nóng không khí tranh luận tại hội nghị. Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, giải thích Clenbuterol là một trong những nguyên liệu sản xuất thuốc kháng sinh điều trị một số bệnh rối loạn về hô hấp ở người, phải nhập khẩu phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhưng đều có quy trình kiểm soát chặt chẽ. Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cũng lên tiếng, nguyên liệu sản xuất kháng sinh làm thuốc điều trị bệnh cho con người có giá thành rất đắt. Doanh nghiệp nhập về bao nhiêu, sử dụng như thế nào đều được quản lý và giám sát chặt chẽ nên khó có chuyện doanh nghiệp mua kháng sinh cho người để đưa vào thức ăn chăn nuôi. Đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an cho biết, qua thực tế điều tra cho thấy đang có tình trạng người chăn nuôi mua thuốc kháng sinh thành phẩm nói là dùng để chữa bệnh nhưng thực chất là sử dụng trong chăn nuôi.
Giữ nguyên quan điểm và kiến nghị lực lượng chức năng trên toàn quốc vào cuộc trấn áp, xử lý hành vi lạm dụng chất cấm, kháng sinh cấm trong chăn nuôi, ông Cao Đức Phát cho rằng, nếu chỉ để ngành nông nghiệp lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu vật nuôi để phát hiện chất cấm, kháng sinh cấm như hiện nay chỉ giải quyết được ở “phần ngọn”.
“Phát hiện người chăn nuôi sử dụng chất cấm xử phạt mấy đồng là xong thì không giải quyết được vấn đề, phải phối hợp, điều tra truy ra các đầu nậu, đối tượng buôn bán chất cấm đưa vào thức ăn chăn nuôi”, ông Phát nói.
Mở đợt cao điểm hành động
Cũng tại hội nghị, Bộ NN-PTNT công bố mở đợt cao điểm hành động ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp bắt đầu từ tháng 10.2015 kéo dài qua tháng 2.2016. Theo đó, các địa phương sẽ tăng cường lấy mẫu kiểm tra phát hiện các chất cấm Sabultamol, chất vàng ô (VAT yellow), Salmonella trên thịt lợn, thịt gà; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau, quả; hóa chất, kháng sinh cấm trên tôm, cá nuôi. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội sẽ thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP tại các quận, huyện, thị xã phường và thị trấn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đối với các trường hợp tái phạm, cố tình vi phạm ngoài phạt tiền thì kiên quyết áp dụng biện pháp xử lý hình sự để có tính răn đe.

Phan Hậu

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây