Người nhìn thấu tim gan từng giọt dầu

Thứ ba - 20/10/2015 04:22 - Đã xem: 712
Có thể nói như vậy về công việc hiện tại của chị Trương Thị Thu Hà, sinh năm 1977, người phụ nữ có vẻ mảnh mai nhưng đảm đương một trong những công việc quan trọng nhất của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất.
Vốn là học sinh Trương chuyên Lê Khiết tỉnh Quảng Ngãi, 20 năm trước, trong khi nhiều bạn bè trang lứa vào Sài Gòn ứng thí thì chị lại ra Hà Nội thi vào Đại học Bách khoa. Khóa học toàn nam nhi giỏi giang nhưng Thu Hà vẫn chứng tỏ được bản lĩnh của một cô gái xứ Quảng: học sao để lọt vào tốp đầu. Sau một thời gian làm việc tại Công ty Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Miền Trung, năm 2006, chị thi tuyển vào NMLD Dung Quất với công việc thử nghiệm sản phẩm đầu vào và đầu ra.
Hằng ngày, chị lấy mẫu dầu thô để kiểm tra hàm lượng lưu huỳnh, nước và kẽm. Sau đó báo cáo cho Phòng Điều độ sản xuất, Phòng Kỹ thuật và Phòng Sản xuất những thông số. Lô nguyên liệu đạt chất lượng mới cho đi từ bồn bể chứa bơm sang khu chế biến, chế phẩm tiếp tục qua khâu chưng cất dầu thô, cho ra các dòng sản phẩm (chưa phải cuối cùng) như LPG, xăng, dầu DO, HGO. Chế phẩm này tiếp tục được đưa vào phân xưởng xử lý sao thì mới cho ra sản phẩm thương mại.
Một lô nguyên liệu phải đi qua hàng chục khâu chế biến, sàng lọc, chưng cất khác nhau, ở mỗi khâu đều lấy mẫu để kiểm soát chất lượng. Nếu chế phẩm bị lẫn tạp chất hoặc chất lượng chưa đạt yêu cầu thì Phòng Quản lý Chất lượng phải thông báo ngay cho các bộ phận khác kịp thời xử lý. NMLD Dung Quất là một tổng thể thống nhất, dòng dầu thô cứ như một lượng máu được bơm từ tim đi qua các tĩnh mạch, động mạch. Nếu bị tắc nghẽn ở một khâu nào đó do chất lượng chưa đảm bảo thì “thân thể” của nhà máy bị ảnh hưởng. Bởi vậy, ở Dung Quất, người ta thường gọi Phòng Quản lý Chất lượng là những người “nhìn thấu tim gan từng giọt dầu”. Nếu không cẩn trọng trong phân tích thì hậu quả thật khó lường. Gần 10 năm trong nghề, Thu Hà chưa để xảy ra một lần nào khiến lô chế phẩm phải chế biến lại.
Chị là người có may mắn chứng kiến dấu mốc quan trọng của NMLD Dung Quất khi nhà máy cho ra sản phẩm đầu tiên vào 22.2.2009. “Hồi đó làm việc rất vất vả, hệ thống thông tin của nhà máy chưa đồng bộ, mà nhà máy lại rộng như một thành phố thu nhỏ nên tôi phải dùng xe đạp đi từ khu bồn bể lên phòng phân tích liên tục hàng chục lần. Tuy mệt nhưng rất vui vì cùng nhịp hồi hộp với người dân cả nước đón dòng sản phẩm đầu tiên”.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất ban đêmNhà máy lọc dầu Dung Quất ban đêm - Ảnh: Sỹ Văn
Ở Phòng Quản lý Chất lượng, có một điều đặc biệt là cơ cấu nữ cao nhất nhà máy, tới gần một nửa trong tổng số 79 người. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, chị em trong phòng luôn tự đề cao trách nhiệm cá nhân trước những hoạt động đoàn thể như thi nấu ăn ngày 20-10 hoặc 8-3, tham gia cùng công đoàn bảo vệ lợi ích chính đáng cho lao động nữ. Chị Hà cho biết: Nhiều chị em đang thời kỳ thai sản hoặc mới sinh đều được giúp đỡ làm các khâu nhẹ nhàng và tránh các loại hóa chất độc hại khi làm các phép thử.
Theo chị Hà, cường độ lao động ở đây rất cao nhưng mỗi cán bộ ở Phòng Quản lý Chất lượng cũng không làm quá 8 giờ/ngày để đảm bảo độ minh mẫn. Sau mỗi mẫu thử phân tích, người lao động nữ đều được nghỉ ít nhất 20 phút để lấy lại cân bằng hoặc thư giãn. Họ đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu. Chính vì thế, mỗi mẫu thử cung cấp cho các bộ phận khác đều chính xác tuyệt đối. Không nói thì ai cũng biết, nếu thông số của phép thử làm không đúng quy trình, hậu quả thật khôn lường với nhà máy.
Thu Hà là một trong những cán bộ nữ của Phòng Quản lý Chất lượng được nhận giải thưởng sáng kiến, sáng tạo năm 2013 do Hội đồng Khoa học kỹ thuật - Sáng kiến Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn bình chọn. Đó là sáng kiến: Dùng phương pháp khối lượng để phân tích hàm lượng dầu trong nước, áp dụng cho những mẫu có hàm lượng dầu cặn từ phân xưởng công nghệ của nhà máy. Sáng kiến thứ hai là: Phương pháp xác định NH3 trong nước thải, nước nhiễm mặn, nước chua từ các phân xưởng công nghệ bằng phương pháp chưng cất và chạy trên máy sác ký ion thay thế phương pháp tráo quang sao màu. Hai sáng kiến này của chị Hà đã tiết kiệm cho nhà máy một lượng dung môi hóa chất. Ngoài ra, cả hai phương pháp này đều giảm mức độ độc hại, thời gian phân tích mẫu.
Động lực từ những sáng kiến trên đã giúp chị Hà nảy ra một sáng kiến mới là nghiên cứu phối trộn xăng E5 trong nhà máy từ xăng gốc, tức là nghiên cứu tối ưu của phối trộn. Ngoài ra, chị còn trăn trở với đề tài: Xác định hàm lượng kim loại trong dầu thô bằng phương pháp trực tiếp trên thiết bị phát xạ nguyên từ.
Phụ nữ như chị Thu Hà quả là “của hiếm” ở BSR vậy.

Nguồn: Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây