Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với PGS-TS Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM - về vấn đề này
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về thực trạng kinh tế Việt Nam từ năm 2011 đến nay?
- PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Trong 3 năm qua, kinh tế vĩ mô đã đi vào ổn định. Việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội vẫn là nhiệm vụ quan trọng của các năm sắp tới.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng thấp, bình quân 5,64%/ năm (2011-2013). Thế nhưng, hiệu quả đầu tư đang từng bước cải thiện. Năm 2014, tổng vốn đầu tư xã hội là 30% GDP, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 6%.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân
Vậy đâu là điểm sáng của bức tranh kinh tế, thưa ông ?
- Nhiều năm trước, Việt Nam thường xuyên nhập siêu 12,5 tỉ USD/năm nhưng 2 năm gần đây cán cân thương mại cân bằng và đã xuất siêu. Cụ thể, quý I/2014 tiếp tục xuất siêu 1,08 tỉ USD. Cán cân vãng lai (bao gồm cán cân thương mại và các khoản thu từ kiều hối, dịch vụ…) của 3 năm gần đây bình quân thặng dư 4,4% GDP/năm góp phần tăng dự trữ ngoại hối.
Từ đó, tỉ giá hối đoái ổn định, tăng niềm tin vào VNĐ. Lãi suất giảm mạnh nhưng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng. Lạm phát cũng được kiềm chế ở mức thấp 2 năm liên tiếp dưới 7% đã kéo giảm mạnh mặt bằng lãi suất.
Tại sao nền kinh tế lại có dấu hiệu thiểu phát?
- Doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục gia tăng bình quân mỗi năm trên 54.000 DN, riêng quý I/2014 lên 16.745 DN. Mặc dù số DN mới thành lập cũng nhiều, nhưng DN mới quy mô nhỏ, khả năng tiếp cận thị trường chưa cao. Tồn kho hàng hóa tăng cao, nợ xấu vẫn là điểm nghẽn, hạn chế việc tiếp cận vốn khiến tín dụng của quý I/2014 gần như không tăng…
Do tổng cầu tăng yếu nên nền kinh tế có dấu hiệu từ lạm phát chuyển sang thiểu phát. Mặt khác, nông nghiệp - nông dân vô cùng khó khăn; phát triển thiếu bền vững hiện tượng được mùa mất giá, mất mùa - thiên tai - dịch bệnh thì mất vốn… khiến nông dân ngày càng khó khăn và nghèo đi. Đọc báo thấy ngành nông nghiệp, chăn nuôi lỗ… nhưng thực chất là chỉ có nông dân lỗ, còn các công ty chế biến thức ăn gia súc, phân bón, thuốc sát trùng… thì vẫn lời.
Ngành công nghiệp - chủ lực của tăng trưởng kinh tế - cũng đang gặp nhiều khó khăn, công nghiệp hỗ trợ chưa có hướng đi rõ nét, phụ thuộc vào FDI kể cả máy móc thiết bị, nguyên vật liệu… và đang gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông giải pháp nào để kinh tế tăng trưởng nhanh hơn?
- Về dài hạn, Chính phủ tiếp tục quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và hoàn thiện thể chế theo hướng minh bạch và công khai. Còn trong ngắn hạn, Chính phủ cần có nghị quyết và chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước. Các địa phương cần ban hành chính sách vực dậy sản xuất trong nước hơn là khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài. Định hướng FDI vào công nghệ cao, công nghệ sinh học, xanh và sạch để bảo vệ môi trường, không nên đặt nặng vấn đề giải quyết việc làm, thu ngân sách để thu hút FDI.
Đặc biệt, Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra gói hỗ trợ kích thích kinh tế năm 2014, ưu tiên cho đối tượng nông nghiệp - nông dân theo hướng trực tiếp hỗ trợ tài chính cho hộ sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng, đóng tàu đánh cá, hỗ trợ công nghiệp chế biến sau thu hoạch, hỗ trợ đầu tư khoa học công nghệ, khuyến khích FDI vào lĩnh vực nông nghiệp…
Gói hỗ trợ này sẽ giúp giải quyết nhiều mục tiêu: kích thích sức mua, tạo cung hàng hóa lương thực, thực phẩm ổn định trong tương lai góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng bền vững, đảm bảo an sinh xã hội vì 67% dân số sống ở nông thôn.
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...