Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đánh giá kinh tế năm 2013 có 2 điểm sáng: Chính phủ đã chấp nhận trả giá để phục hồi ổn định vĩ mô và có thông điệp mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng bức tranh kinh tế vẫn có nhiều gam màu xám. Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nợ xấu và nợ công của Việt Nam đều nghiêm trọng, chưa thực sự rõ ràng, sai số quá lớn, chuẩn mực đo không thống nhất và đều có xu hướng gia tăng nhanh. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố nợ xấu đến cuối tháng 2-2014 là 9,7% nhưng Công ty Quản lý tài sản (VAMC) không thể xử lý nhanh nợ xấu. Nợ công ở mức 55,7% GDP. Nếu so với ngưỡng an toàn là 65% GDP như thông lệ quốc tế thì nợ công của Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn. Nhưng nguy cơ nợ công của Việt Nam nằm ở tốc độ tăng nợ nhanh hơn tốc độ tăng GDP và cơ cấu nợ với tỉ lệ nợ ngắn hạn lớn, áp lực trả nợ tăng.
“Nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh sẽ vượt qua “vạch đỏ” 25% thu ngân sách nhà nước trong năm 2014 và vượt 30% trong những năm tiếp theo” - ông Trần Đình Thiên cảnh báo.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng trở ngại của tăng trưởng kinh tế hiện nay là nợ xấu vẫn chưa có cách giải quyết hiệu quả. Ông cũng khuyến cáo không nên ngộ nhận về sự hồi phục kinh tế vì chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khi bệ đỡ quan trọng nhất là nông nghiệp đang rất khó khăn.
Nguyên Thống đốc NHNN, TS Cao Sỹ Kiêm, cũng tỏ ra kém lạc quan khi nhận định khả năng phục hồi kinh tế quá mong manh, chỉ cần tác động nhỏ từ chính sách là doanh nghiệp lao đao. Nhiều chuyên gia cho rằng điểm cốt lõi của kinh tế Việt Nam hiện nay là phải xử lý được nợ xấu để khơi thông vốn tín dụng, quyết liệt cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước. Muốn xử lý nợ xấu cần có “tiền tươi thóc thật” lấy từ nguồn bán bớt tài sản nhà nước.
Phương Anh
VIỆC XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CÁC ĐƠN VỊ ĐÃ GÂY RA PHẢI TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM
Vừa qụa Ngân hang nhà nước cho phép thành lập công ty quản lý tài sản ( VAMC ) để xử lý nợ xấu, nhưng thực tế trong thời gian vừa qua không mang lại hiệu quả như mong muốn. Không thể có tình trạng khi các ngân hàng thương mại kinh doanh có lãi khủng thì được hưởng toàn bộ, phân phối thu nhập cho các thành viên trong ngân hàng là cao nhất so với các ngành kinh tế khác, đến khi gây ra để lại nợ xấu không tự mình xử lý từ lãi có được trong quá trình kinh doanh hàng năm, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước lại đứng ra thành lập công ty để mua lại nợ xấu đây là điều hết sức vô lý, số nợ theo báo cáo trên 200 ngàn tỷ đồng của các ngân hàng, như vậy sẽ lấy từ nguồn nào để công ty mua lại nợ xấu? Đã là công ty của nhà nước thì nguồn vốn để hoạt động chắc chắn từ nguồn ngân sách nhà nước là tiền nộp thuế của người dân , do vậy không thể chấp nhận được. Chúng ta nhận thấy trong những năm qua Ngân hàng nhà nước cho phép thành lập các ngân hàng thương mại quá dễ dãi, trong cả nước hàng lọat các ngân hàng thương mại mới ra đời tranh nhau tự quy định lãi suất cho riêng mình, bất chấp các quy định ràng buộc của ngân hàng nhà nước để huy động vốn cho ngân hàng mình, làm cho khách hàng không biết nên giao dịch với ngân hàng nào. Khách hàng thấy ngân hàng kia có huy động lãi suất cao hơn vội vàng rút tiền chuyển từ ngân hàng này đến ngân hàng kia, làm cho thị trường tiền tệ bị rối lọan. Đồng thời việc cho vay không đảm bảo thế chấp, không có phương án kinh doanh hiệu quả, lãi suất vay quá cao, doanh nghiệp kinh doanh bị thua lỗ. Chính vì vậy đã để lại hệ lụy như ngày hôm nay. Để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trước tiên cần phải khắc phục những tồn tại trong thời gian qua. Nhà nước cần kiểm tra thống kê có bao nhiêu ngân hàng họat động không hiệu quả ,nợ xấu quá lớn, các Ngân hàng này chủ động liên hệ với các ngân hàng khác làm ăn có hiệu quả, nếu ngân hàng bạn đồng ý thì chủ động xây dựng phương án sáp nhập. Nhà nước cần quy định thời gian cụ thể nếu họ không thực hiện được ,thì thực hiện theo luật phá sản, vì ngân hàng thương mại thực chất cũng là doanh nghiệp . Còn các ngân hàng khác mặc dù hiện nay đang làm ăn có hiệu quả nhưng với quy mô quá nhỏ bé, cần khuyến khích họ liên doanh hay sáp nhập với ngân hàng khác để tạo thành một tập đòan tài chính ngân hàng với quy mô lớn họat động mạnh hơn, vững chắc hơn trong tương lai. Các ngân hàng thương mại sau khi tự nguyện sáp nhập, các khoản nợ xấu phải được xử lý từ nguồn lợi nhuận, trừ vào vốn của đơn vị mình và cho phép các NH thương mại sử dụng nguồn dự phòng rủi ro của từng khoản vay và nguồn dự phòng chung 0,75% để xóa nợ xấu.
MINH TRÍ