Thu hút đầu tư vào Đắk Nông: Cần xác định chiến lược “dài hơi”

Thứ hai - 05/05/2014 03:55 - Đã xem: 951
Đắk Nông hiện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội, nhưng thực tế, việc thu hút các đối tác, nhà đầu tư vào để phát huy hiệu quả những giá trị này đến nay vẫn còn hạn chế. Vì thế, Đắk Nông cần xác định chiến lược “dài hơi” hơn, nhằm tạo “sức hút” cho các nhà đầu tư. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong buổi làm việc giữa Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cùng các đối tác phát triển và Bộ Kế hoạch - Đầu tư với tỉnh Đắk Nông mới đây.

Chưa phát huy hiệu quả tiềm năng

So với nhiều địa phương khác trong cả nước, tỉnh ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội. Trước hết, về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có diện tích tự nhiên hơn 651.000 ha, trong đó, đất nông, lâm nghiệp chiếm 90%, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.

Về công nghiệp, tỉnh có 7/8 huyện chứa tài nguyên bôxít, với trữ lượng lên đến 4,5 tỷ tấn. Còn du lịch, tỉnh lại có nhiều thác nước đẹp, kỳ vĩ còn nguyên sơ, với các khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn như Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung (rộng hơn 25.000 ha), Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (rộng 28.000 ha)… rất thuận lợi để phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt (Đắk Song). Ảnh: Ngọc Tâm

Cũng theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù, tiềm năng phát triển của tỉnh rất lớn, nhưng hiện nay vẫn chưa có điều kiện khai thác, vì “sức hút” các nhà đầu tư vào địa phương còn hạn chế. Thực tế, thời gian qua, tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh đã có chiều hướng tăng nhưng quy mô vốn đầu tư trên một dự án còn nhỏ (trung bình mỗi dự án chỉ khoảng gần 90 tỷ đồng).

Chưa kể, doanh nghiệp đầu tư vào Đắk Nông chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên hiệu quả chưa cao. Mặt khác, cũng vì thiếu vốn nên các lợi thế có tính bền vững và lâu dài như thị trường tiêu thụ, cơ sở hạ tầng, cũng như hệ thống thể chế thuận lợi cho nhà đầu tư chưa được nâng cao…đã ảnh hưởng đến việc phát huy tiềm năng, lợi thế.

Đồng chí Lê Diễn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nêu ví dụ: “Với tiềm năng về diện tích đất tự nhiên, tỉnh rất có lợi thế để phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, đối với diện tích cây cà phê, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 124.000 ha. Tuy nhiên, vì chưa thu hút được các nhà đầu tư vào xây dựng hệ thống nhà máy chế biến, địa phương chủ yếu vẫn bán sản phẩm thô nên giá trị cạnh tranh thấp. Còn về phía người dân, vì thiếu vốn, họ chưa có điều kiện để xây dựng các mô hình phát triển theo hướng khoa học, tiến tiến để tạo ra năng suất, sản phẩm có chất lượng và giá trị cao trên thị trường”.   

Cần có chiến lược dài hơi

Có thể nói, để phát triển kinh tế, một trong những yếu tố quan trọng là phải thu hút các đối tác vào đầu tư tại tỉnh. Thế nhưng, để nâng cao hiệu quả công tác này, Đắk Nông cần phải xác định được chiến lược thu hút mang tính “dài hơi” hơn.

Đắk Nông có tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng để phát triển cây ăn quả. Ảnh: Hồ Mai

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi đã đi tham quan, tìm hiểu rất nhiều địa phương tại Việt Nam. Có những nơi, tiềm năng phát triển không nhiều, nhưng đời sống, mức thu nhập của người dân rất cao. Trên thực tế, với tiềm năng mà Đắk Nông đang “chiếm hữu” không phải địa phương nào cũng có được. Phải chăng, việc thu hút nhà đầu tư vào tỉnh còn khó là vì thiếu vốn hay là do hạ tầng, môi trường đầu tư, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính… khiến các nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà. Theo chúng tôi, trong tổng thể “nút thắt” đang phải đối mặt, tỉnh cần phải xác định được đâu là “nút thắt” mấu chốt, từ đó, có biện pháp để từng bước tháo gỡ phù hợp. Có như vậy, việc thu hút các nhà đầu tư mới thực sự mang lại hiệu ứng tốt”.

Theo đánh giá của các đối tác nước ngoài tại buổi làm việc, bên cạnh tháo gỡ “nút thắt” đang cản trở quá trình thu hút đầu tư thì đối với những công trình, dự án đã, đang được một số đối tác đầu tư, hỗ trợ, tỉnh Đắk Nông cần phải có biện pháp phát triển an toàn, hiệu quả. Nghĩa là, việc phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng phải gắn với nhiệm vụ dân sinh.

Bà Victoria Kawakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phân tích: “Cụ thể như với trữ lượng bôxít lớn, đối với phát triển công nghiệp, tỉnh rất có tiềm năng. Tuy nhiên, hiện nay, trong khai thác tài nguyên cần đảm bảo yếu tố môi trường, nếu không sẽ gây ra hiệu quả nghiêm trọng cho người dân. Vì thế, Đắk Nông cần phải xác định ra những giải pháp khai thác có tính hiệu quả, an toàn nhất, để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ sức khỏe cho người dân. Bởi bản thân chúng tôi là các nhà đầu tư, đối tác cũng rất có nhã hứng để đầu tư vào những dự án mang tính nhân văn như vậy”.

Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Lê Diễn cũng nhấn mạnh: “Vấn đề thu hút đầu tư, cũng như biện pháp an toàn, hiệu quả trong khai thác các tiềm năng, thời gian qua luôn được địa phương rất mực chú trọng. Đối với hoạt động về quảng bá, xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tỉnh đã giao cho các cơ quan chức năng thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả. Để hút đầu tư, tỉnh đã, đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ trên toàn địa bàn. Chính phủ đã chấp nhận cho tỉnh xây dựng một sân bay, hệ thống đường sắt nối liền từ Gia Nghĩa xuống Bình Thuận, để phục vụ cho ngành Công nghiệp nhôm, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, trước mắt, địa phương còn nhiều khó khăn nên rất cần sự hợp tác, quan tâm, hỗ trợ của các đối tác, tổ chức trên thế giới, nhằm góp phần giúp tỉnh đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân”.

Nguyễn Lương


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây