Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung: Nên tăng mức đóng BHXH thay vì tăng tuổi nghỉ hưu

Chủ nhật - 01/06/2014 23:38 - Đã xem: 950
Một vấn đề “nóng” được rất nhiều người dân quan tâm, thảo luận hiện nay là Dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định về kéo dài tuổi nghỉ hưu và kèm theo đó là một số quy định làm giảm đáng kể quyền lợi của NLĐ khi nghỉ hưu. Lý do chính của việc này, theo cơ quan soạn thảo dự thảo là nguy cơ mất cân đối (gọi nôm na là “vỡ”) quỹ hưu trí, tử tuất.

Càng nghỉ hưu trễ, càng thiệt thòi

Trước hết, cần hiểu Quỹ BHXH là tên gọi chung, trong đó có nhiều quỹ thành phần: Ốm đau, thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. 

Những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ hưu trí, tử tuất được nêu ra như: Mức đóng BHXH chưa tương ứng với mức hưởng; mức tiền công, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp (bằng 66% so với mức lương thực tế, theo điều tra của Bộ LĐTBXH); tính tuân thủ pháp luật về đóng BHXH thấp, tình trạng nợ đóng, chậm đóng (mà chúng tôi gọi là trốn đóng) BHXH còn diễn ra nhiều, ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH; tỉ lệ hưởng lương hưu cao và công thức tính lương hưu chưa hợp lý; số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm; tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn...

Từ những nguyên nhân trên, nên dự thảo đã đưa ra các quy định như: Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của NLĐ là cán bộ, công chức, viên chức, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam và từ năm 2020 trở đi các NLĐ khác cũng áp dụng quy định này. 

Từ năm 2016, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2016 là 16 năm. Con số này tăng dần từng năm cho đến năm 2020 trở đi là 20 năm. 

Chưa hết, theo quy định tại khoản 3, điều 55 của Dự thảo Luật BHXH, thì sau này, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định, thì mức lương bị trừ 2% mỗi năm (hiện là 1%). 

Về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động, Dự thảo Luật BHXH tăng điều kiện hưởng để giảm bớt số người về hưu trước tuổi (Điều 54), theo đó, nam phải đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi (thay vì là 50 và 45 tuổi hiện nay) bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên , hoặc nam đủ 50 tuổi và nữ đủ 45 tuổi mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mới được hưởng lương hưu. 

Như vậy, chỉ cần nhìn vào các quy định này đã thấy càng nghỉ hưu trễ thì càng bị thiệt. Và điều này, theo dự báo của nhiều chuyên gia về pháp luật lao động cũng như cán bộ ngành BHXH, rất có thể sẽ xảy ra một làn sóng xin nghỉ hưu sớm để đỡ bị thiệt thòi.

Phải xem xét sức khỏe, thể chất của NLĐ Việt Nam

Theo Tổng LĐLĐVN, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của NLĐ là vấn đề quan trọng. Đa số các quốc gia đều điều chỉnh dần dần và không thực hiện khi đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng và tỉ lệ thất nghiệp lao động trẻ cao. Bộ luật Lao động 2012, có hiệu lực từ 1.5.2013 đã quy định tuổi nghỉ hưu của NLĐ với nam là 60, nữ là 55 (khoản 1, Điều 187). 

Như vậy, quy định tại Dự thảo Luật BHXH “vênh” với quy định tại Bộ luật Lao động. Mặt khác, khi tăng tuổi nghỉ hưu cần xem xét đến các yếu tố tình hình sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của NLĐ Việt Nam, nhất là LĐ nữ trực tiếp sản xuất trong các ngành như caosu, dệt, may, da, giày, chế biến thủy hải sản... khó có thể làm việc được đến 60 tuổi. 

Chưa hết, nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm tăng thêm sức ép về việc làm, giảm cơ hội phát triển và động lực thăng tiến đối với lao động trẻ mới ra trường, bắt đầu tham gia thị trường lao động (dư luận đang râm ran về việc hơn 70.000 cử nhân ra trường không có việc làm - PV); tình trạng suy giảm sức khỏe, bệnh tật, khả năng bị tai nạn lao động trong quá trình làm việc cũng sẽ tăng cao hơn trước.

Chính vì vậy, Tổng LĐLĐVN đề nghị chỉ nên tăng điều kiện tuổi đời hưởng lương hưu với đối tượng cán bộ, công chức, viên chức là nữ, theo lộ trình như dự thảo nêu. Còn các đối tượng khác thì vẫn giữ như hiện nay, chưa quy định lộ trình tăng tuổi trong Luật BHXH (sửa đổi) lần này. Ngoài ra, thay vì tăng tuổi nghỉ hưu, Tổng LĐLĐVN kiến nghị sớm triển khai thực hiện tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên HĐLĐ. Đây cũng là một giải pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH trong dài hạn.

 

Hành vi trốn đóng BHXH đang diễn ra khá phức tạp, chỉ có 150.000 DN tham gia BHXH, trong khi cả nước có 300.000 DN đang hoạt động. Theo Bộ LĐ-TB-XH, số người thuộc diện phải nộp BHXH bắt buộc khoảng 16 triệu nhưng chỉ có gần 11 triệu người đóng BHXH làm cho số thất thu lên đến 56.000 tỉ đồng. Nhiều tập đoàn công ty doanh nghiệp nợ BHXH quá lớn trong nhiều năm như Tập đoàn taxi Mai linh vv… nhưng không có biệp pháp chế tài nghiêm khắc để buộc các đơn vị phải nộp. Chính vì vậy Quỹ BHXH không đảm bảo đủ nguồn để chi. Tuy nhiên bên cạnh đó, Nhà nước ta cũng cần xem xét việc chi lương hưu cho các đối tượng lực lượng vũ trang độ tuổi về hưu quá sớm, thực tế đã ảnh hưởng rất lớn đến qũy BHXH. Hiện nay đất nước ta trong thời bình, cho nên đối với các lực lượng vũ trang Quân đội và Công an cũng cần quy định tuổi nghĩ hưu giống như luật công chức, viên chức nhà nước, trong thời gian vừa qua nhiều sĩ quan về nghỉ hưu quá sớm nhiều người mới trên 40 hoặc 50 tuổi là đã nghỉ hưu rồi, trong khi đó lương và phụ cấp cao nên chế độ hưởng lương hưu cũng rất cao so với đối tượng công chức, viên chức khác, do vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn qũy bảo hiểm xã hội hiện nay . Nếu thực hiện được độ tuổi nghỉ hưu như công chức, viên chức, chắc chắn nguồn thu BHXH sẽ tăng. Để tăng thêm nguồn thu Bảo hiểm xã hội, Chính phủ cho phép ngành Bảo hiểm xã hội Việt nam được sử dụng qũy bảo hiểm xã hội trong thời gian chưa sử dụng, nhàn rỗi cho các ngân hàng thương mại vay , lãi thu được từ ngân hàng bổ sung thêm cho nguồn bảo hiểm xã hội Việt Nam. Dư luận trong thời gian vừa qua việc tăng tuổi nghỉ hưu chưa được đồng tình cao,nhất là đội ngũ công nhân lao động và đội ngũ giáo viên. Qua phân tích trên đề xuất giữ nguyên quy định về độ tuổi hưu như hiện nay nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi.

MINH TRÍ

 

Nguồn tin: Lao Động Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây