Chư Jút, cấp “sổ đỏ” cho người dân còn nhiều sai sót

Thứ tư - 25/09/2013 22:17 - Đã xem: 926
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì qua thanh tra, kiểm tra công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ) và tài sản gắn liền với đất cho người dân trên địa bàn huyện Chư Jút thì đơn vị đã phát hiện nhiều sai sót về trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện, việc chuyển thông tin địa chính và cách ghi chép.
Cụ thể như về trình tự, thủ tục cấp GCNQSDÐ thì khi người dân nộp hồ sơ, ở nhiều xã đã thành lập hội đồng tư vấn, xét cấp giấy để tham mưu lên chủ tịch UBND xã xác nhận tình trạng, nguồn gốc sử dụng đất. Ðây là một việc làm không đúng với quy định của khoản 2, Ðiều 14 tại Nghị định số 88/ 2009/ NÐ- CP, ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp GCNQSDÐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
 
Ðã thế, trong hội đồng cũng không thể hiện rõ ràng các thành phần tham dự, số người tham gia, số người vắng, đại biểu mời một cách rõ ràng, dẫn đến việc thành lập hội đồng mang tính hình thức, không phát huy hiệu quả.
 
Theo quy định thì phiếu chuyển thông tin địa chính để xác định nghĩa vụ thuế phải được lập trước khi cơ quan chuyên môn trình cho lãnh đạo UBND huyện ban hành quyết định cấp GCNQSDÐ, nhưng một số trường hợp lại được ban hành sau. Ðiển hình như ở Quyết định số 275/ QÐ-UBND, thì trong hồ sơ có phiếu chuyển thông tin địa chính ghi vào ngày 15/7/2009, nhưng trước đó, tức vào ngày 14/7/2009, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã có tờ trình đề nghị cấp GCNQSDÐ.
 
Về thời gian thực hiện việc cấp GCNQSDÐ cũng không đảm bảo. Theo quy định hiện hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì không quá 33 ngày (không kể thời gian công khai và thời gian người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính), nhưng nhiều hồ sơ chậm hàng tháng, thậm chí cả năm.
 
Cụ thể như qua kiểm tra hồ sơ theo Quyết định số 1652/QÐ-CTUBND, ngày 26/4/2011 của một hộ dân tại xã Nam Dong thì thời gian làm thủ tục cấp GCNQSDÐ chậm gần 4 tháng. Hay tại Quyết định số 2863/ QÐ- CTUBND, ngày 28/9/2010 của một hộ dân tại xã Tâm Thắng cho thấy thời gian làm thủ tục cũng chậm hơn 1 năm.
 
Qua kiểm tra hồ sơ địa chính được lưu tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và tại UBND các xã, thị trấn cho thấy, hầu hết các sổ sách như sổ mục kê, địa chính, chỉnh lý biến động đã được mở, lưu giữ. Tuy nhiên, việc ghi chép ký hiệu mục đích sử dụng đất trong sổ mục kê, sổ địa chính chưa chính xác theo quy định.
 
Cụ thể như mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm phải ghi là CLN, nhưng lại được cán bộ chuyên môn ghi là LNC; đất có rừng sản xuất là rừng trồng phải ghi là RSX, nhưng lại được ghi là LNP. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện thủ tục cấp GCNQSDÐ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của huyện không gửi thông báo về việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính lên cơ quan chuyên môn cấp trên để theo dõi, quản lý.
 
Trên GCNQSDÐ, việc ghi các thông tin cần thiết về người sử dụng đất như số chứng minh nhân dân, ngày và nơi cấp, địa chỉ thường trú, thông tin về thửa đất có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhưng các thông tin này lại chưa được cán bộ chuyên môn ghi lại rõ ràng.
 
Ðiển hình như việc ghi tên người sử dụng đất, theo quy định đối với trường hợp là hộ gia đình thì ghi “hộ ông” hoặc “hộ bà”, sau đó ghi họ và tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân của người đại diện gia đình và của người vợ hoặc chồng. Nếu hộ gia đình đề nghị chỉ ghi họ tên vợ hoặc chồng thì phải có văn bản thỏa thuận của hai vợ chồng đã được UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú chứng thực. Thế nhưng, trên không ít hồ sơ, dù không có văn bản thỏa thuận của hai vợ chồng, vậy mà chỉ ghi họ, tên người đại diện, không có họ tên vợ hoặc chồng…
 
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì nguyên nhân của những  hạn chế nói trên là do một số cán bộ địa chính ở các xã, thị trấn cũng như cán bộ phụ trách chuyên môn của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường còn ít kinh nghiệm, hạn chế về chuyên môn, kiêm nhiệm nhiều việc nên hiểu và cập nhật các quy định của pháp luật chưa kịp thời, hiệu quả. Mặt khác, do việc đo đạc, thành lập bản đồ địa chính thiếu đồng bộ, chồng lấn, chưa được chỉnh lý, người dân kê khai, đăng ký không kịp thời ngay sau khi đo đạc nên gây khó khăn, chậm trễ cho cơ quan chuyên môn.
 
Trần Lê

Nguồn tin: Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây