* Phóng viên: Trước quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sau gần một thập kỷ giữ ở mức gần như bằng 0%, ông đánh giá ra sao?
- Ông Trương Văn Phước: Sau 7 năm duy trì lãi suất gần như bằng 0% để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế, nước Mỹ biết đã đến lúc phải tính toán lại việc sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng này. Nếu duy trì quá lâu, chính sách này sẽ gây ra tác động không tốt cho nền kinh tế và ảnh hưởng tới các chỉ số vĩ mô như thất nghiệp, lạm phát...
Theo dự báo của các nhà làm chính sách ở Mỹ, lạm phát sẽ tăng dù hiện tại mới chỉ tiệm cận con số 2%. Việc tăng lãi suất là bước đi nhằm ngăn ngừa bất trắc xảy ra trong tương lai của FED.
Cơ quan này cũng thông báo lãi suất sẽ tiếp tục được điều chỉnh dần trong năm 2016, với một liều lượng nhỏ, để nền kinh tế không phải chịu cú sốc. Có thể nói việc tăng lãi suất của FED đáp ứng sự chờ đợi của nhà đầu tư cũng như thỏa mãn yêu cầu nội tại của kinh tế Mỹ, bảo đảm tương lai phát triển ổn định hơn.
Thị trường thế giới đã tiên liệu vấn đề này rồi. Mức tăng 0,25% lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ không tác động nhiều đến các nền kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, với sự phục hồi của nền kinh tế khu vực, mặt bằng lãi suất tại châu Âu chắc chắn sẽ nâng lên. Trong một năm tới, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ nâng lãi suất đồng euro lên khoảng 1%.
Trung Quốc tiếp nhận việc FED tăng lãi suất với thái độ thận trọng nhưng nhân dân tệ vừa được lựa chọn vào rổ tiền tệ của IMF, Trung Quốc lại vừa đặt ra chỉ số Yuan Index với một nhóm 13 đồng tiền. Đây là tín hiệu cho thấy Trung Quốc muốn thoát khỏi sức ảnh hưởng quá lớn với đồng USD.
* Tỉ giá trong nước sẽ chịu tác động ra sao khi FED tăng lãi suất vào thời điểm tỉ giá của các ngân hàng đã kịch trần?
- Lãi suất USD chỉ tăng 0,25% trong khi lãi suất của tiền đồng vẫn rất cao, với chênh lệch lên tới 5%-7%. Vì vậy, lợi thế vẫn nghiêng hẳn về đồng Việt Nam. Việc nắm giữ tiền đồng vẫn có lợi cho nhà đầu tư. Chúng tôi cho rằng USD sẽ dao động trong khoảng 3%-5%, bởi mức tăng mà FED cam kết trong một năm chỉ là 1% thì không phải là đột biến. Năm nay, tỉ giá đã điều chỉnh khoảng 5%.
Đây là bước điều chỉnh hy hữu, bất khả kháng. Trong khi đó, lạm phát của chúng ta rất thấp, hỗ trợ giá trị đồng tiền ổn định. Hơn nữa, tình trạng cán cân thương mại của Việt Nam đã cải thiện, dù có nhập siêu nhưng con số 4-5 tỉ USD là nhỏ, lượng kiều hối vẫn chuyển về nhiều, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vẫn tìm tới.
Dĩ nhiên, chúng ta đều biết tỉ giá được tính toán giao dịch ở mức nào có lợi nhất cho nền kinh tế. Nếu xét cả việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lẫn phản ứng cung - cầu của thị trường thì tôi cho rằng Việt Nam không để đồng nội tệ lên giá quá hay mất giá quá.
* Liệu áp lực nợ nước ngoài của Việt Nam có đáng lo ngại?
- Tác động tăng lãi suất của Mỹ lên nợ vay nước ngoài của Việt Nam sẽ không lớn. Trong nợ công của Việt Nam thì một nửa là vay bằng tiền đồng, phần còn lại là USD và các đồng tiền khác. Trong số vay nước ngoài, tỉ trọng của đồng USD chiếm 50%. Nếu USD tăng giá thì cũng có nghĩa những đồng tiền kia sẽ rẻ hơn một cách tương đối. Do vậy, tác động 2 chiều sẽ tự tiêu diệt nhau, dẫn đến ảnh hưởng tăng nợ là không đáng kể.
Tỉ giá tăng chủ yếu do tâm lý
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tỉ giá trong 2 ngày qua tăng kịch trần chủ yếu là do diễn biến tâm lý trước việc FED dự kiến tăng lãi suất và đồng nhân dân tệ giảm giá liên tục. Tỉ giá tăng kịch trần nhưng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân đối với ngoại tệ vẫn được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời, đầy đủ.
Việc FED tăng lãi suất 0,25% đã gần như được phản ánh trong diễn biến tăng tỉ giá từ cuối năm 2014 và đầu năm 2015 khi thị trường kỳ vọng. Đồng thời, chúng ta vẫn theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế nên được các nhà đầu tư tin tưởng. Các nhà đầu tư vào Việt Nam để tận dụng những lợi thế như chi phí nhân công rẻ... nên khả năng đảo chiều của dòng vốn FDI là không xảy ra.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi. NHNN sẽ thực hiện các biện pháp, công cụ cần thiết để ổn định thị trường tỉ giá và ngoại hối” - bà Hồng nói.
Cần có chính sách linh hoạt
Theo chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực, việc FED tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% sẽ tiếp tục tạo áp lực lên tỉ giá từ nay đến cuối năm 2015 cũng như năm 2016. Tỉ giá năm 2016 dự báo sẽ chịu nhiều áp lực do FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất một số lần nhỏ khác nữa. Khi đó, các nước sẽ tiếp tục điều chỉnh tỉ giá, nhất là các nước có mối quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam. Nợ nước ngoài của Việt Nam sẽ tăng lên do cấu trúc nợ liên quan nhiều đến đồng USD. Ngoài ra, sẽ tác động dịch chuyển dòng vốn đầu tư; tác động đến chính sách tiền tệ của Trung Quốc và đòi hỏi NHNN phải bám sát động thái của thị trường này.
Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng FED tăng lãi suất là đúng, nếu không tăng thì thị trường sẽ thất vọng. Hành động của FED cho thấy đánh giá của Ngân hàng Trung ương Mỹ về tăng trưởng tốt của kinh tế Mỹ, tỉ lệ thất nghiệp giảm, phục hồi các thị trường tài sản của Mỹ là đúng chứ không phải là ảo. Với Việt Nam, khi tính toán điều chỉnh tỉ giá đã cân nhắc đến việc FED sẽ điều chỉnh lãi suất và điều chỉnh ở mức nhỏ. Tức là, trong cả chính sách lãi suất và chính sách tỉ giá hối đoái, ta đã chiết khấu lần điều chỉnh lãi suất này của FED. Trước các tác động, Việt Nam cần có chính sách linh hoạt.
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...