Phiên giao dịch ngày 16-12, giá USD trong các ngân hàng (NH) thương mại tiếp tục được niêm yết kịch trần biên độ cho phép trong khi giá vàng “nín thở” chờ quyết định tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Giới đầu tư vàng thận trọng
Gần cuối ngày, giá vàng miếng SJC ở mức 32,83 triệu đồng/lượng mua vào, 33,08 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 30.000 đồng/lượng so với phiên trước. Giá vàng trên thị trường quốc tế cũng đi ngang trong biên độ hẹp quanh vùng 1.065 USD/ounce nhưng lực bán diễn ra nhiều hơn khi chịu áp lực từ phiên họp của FED.
Theo giới phân tích, trong 2 ngày qua, thị trường gần như “nín thở” chờ phiên họp của FED để đưa ra quyết định nâng lãi suất cơ bản sau nhiều năm nằm yên bởi quyết định của FED sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khoản đầu tư của các bên tham gia thị trường.
Theo Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), thị trường vàng trong nước chuyển động rất chậm trong phạm vi hẹp và dường như nhường hoàn toàn “sân chơi” cho thị trường ngoại tệ. Phân tích của NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng giới đầu tư thận trọng trước thềm cuộc họp của FED, giá vàng đang chờ những tín hiệu rõ ràng để xác định xu hướng tiếp theo.
Chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh phân tích nếu FED tăng lãi suất, vàng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá và mức giảm tùy thuộc vào mức độ điều chỉnh lãi suất của FED. Trong khi đó, sự quan tâm của nhà đầu tư Việt Nam đối với thị trường vàng trong nước khá ảm đạm và gần như ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Ngay cả khi FED tăng lãi suất, tác động lên giá vàng trong nước cũng không mạnh bởi mức chênh lệch giá vàng nội - ngoại hiện đã quá cao (trên 4 triệu đồng/lượng).
Ứng phó với tỉ giá
Trong khi đó, tỉ giá USD/VNĐ tiếp tục có dấu hiệu căng thẳng khi các NH thương mại niêm yết USD ở mức kịch trần biên độ cho phép. Tại Eximbank, giá USD mua vào 22.517 đồng/USD, bán ra 22.547 đồng/USD. Giá USD mua vào tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ở mức cao hơn, 22.520 đồng/USD. Trước đó một ngày, Vietcombank còn bất ngờ niêm yết giá mua vào - bán ra bằng nhau, cùng mức 22.547 đồng/USD cho thấy dấu hiệu tỉ giá khá căng thẳng và NH quyết mua bằng được ngoại tệ.
Tại báo cáo phân tích kinh tế vĩ mô tháng 11 công bố hôm 16-12, Công ty Chứng khoán NH Vietcombank (VCBS) cho rằng tỉ giá có dấu hiệu nóng lên từ tháng 11 với sức ép chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài. Lý giải về diễn biến này, VCBS nhận định có thể do nhu cầu ngoại tệ thường tăng theo yếu tố mùa vụ cuối năm. Nhưng áp lực lớn nhất lên tỉ giá và thị trường ngoại hối đến từ yếu tố bên ngoài với tâm điểm là cuộc họp của FED và đồng nhân dân tệ trượt giá khá mạnh so với mức đáy lập hồi tháng 8-2015. Hiện đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm thêm 0,7%.
“Áp lực từ đồng USD mạnh lên dưới hiệu ứng tăng lãi suất của FED đã được thị trường chuẩn bị và phản ánh khá nhiều vào diễn biến tỉ giá thời gian qua. Nhưng, việc đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm mạnh được nhìn nhận là yếu tố khó lường và đem lại nhiều rủi ro hơn, nhất là khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam” - VCBS phân tích.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách tỉ giá của NH Nhà nước đang phải cân nhắc cả yếu tố đồng USD mạnh lên và đồng nhân dân tệ giảm giá. Do đặc thù là một nền kinh tế nhỏ với độ mở lớn, trong khi dự trữ ngoại hối không còn dồi dào như giai đoạn nửa đầu năm, NH Nhà nước sẽ phải đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời và linh hoạt trong bối cảnh đồng nhân dân tệ tiếp tục lao dốc.
Chưa kể, bên cạnh nhu cầu ngoại tệ cho mục đích sản xuất - kinh doanh, yếu tố tâm lý đầu cơ và găm giữ USD cũng có dấu hiệu kích hoạt trở lại. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho rằng một phần diễn biến tỉ giá USD/VNĐ có dấu hiệu căng thẳng xuất phát từ tâm lý khi thị trường kỳ vọng tỉ giá có thể tăng. Dù vậy, nhu cầu ngoại tệ chính đáng của người dân và doanh nghiệp vẫn đang được đáp ứng và thông điệp của NH Nhà nước là sẽ tiếp tục giữ vững cam kết ổn định tỉ giá đến đầu năm 2016.
Chứng khoán xanh sàn
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16-12, thị trường chứng khoán tiếp tục giữ sắc xanh. Chỉ số VN-Index tăng 4,55 điểm, lên 572,55 điểm; HNX-Index tăng 0,26 điểm, lên 79,16 điểm.
Mức tăng cao nhất của VN-Index trong phiên này là 575,54 điểm; tổng giá trị giao dịch tại 2 sàn đạt 3.083 tỉ đồng, là mức thanh khoản khá cao so với các tuần trước.
Một số chuyên gia tài chính nhận xét sau 2 phiên giao dịch thăm dò để chờ thông tin tăng lãi suất từ FED, thị trường thế giới có diễn biến tích cực khi các chỉ số tăng mạnh đã kéo thị trường chứng khoán Việt Nam tăng theo. Giá dầu thế giới cũng ngừng giảm và tăng trở lại giúp nhóm cổ phiếu dầu khí lấy lại sắc xanh. Nếu FED đưa ra mức tăng lãi suất thấp (khoảng 0,25%) sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý nhà đầu tư. Đồng thời, dòng tiền đầu tư đang quay trở lại với các nhóm cổ phiếu cơ bản tốt trên thị trường như: CTD, CAV, BMP, VNM, FPT,VCB... sẽ giúp thị trường tiếp tục trụ vững và tích lũy quanh vùng 570 điểm của VN-Index.
S.Nhung
Có cần điều chỉnh tỉ giá?
Chuyên gia tài chính - NH Nguyễn Trí Hiếu cho rằng khi FED tăng lãi suất sẽ làm cho các tài sản giao dịch bằng USD trở nên hấp dẫn, dòng tiền đầu tư trên thế giới sẽ dồn vào ngoại tệ này. Bằng chứng là nhiều ngày qua, giới đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc mạnh tay bán cổ phiếu khiến chỉ số chứng khoán của thị trường này sụt giảm mạnh. “Tức là nhu cầu và giá trị của USD tăng lên, nếu Việt Nam “đu” theo USD thì giá trị VNĐ cũng tăng. Khi đó, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sẽ giảm sức cạnh tranh, tạo ra hiệu ứng cung ngoại tệ gặp khó khăn có thể kích thích người dân dồn vốn vào USD” - ông Hiếu phân tích.
Thông thường, NH Nhà nước có 4 công cụ can thiệp tỉ giá VNĐ/USD: bán USD để cân đối cung cầu, đưa ra biện pháp hành chính, kêu gọi các NH thương mại ổn định tỉ giá và phá giá VNĐ. Tuy nhiên, 3 công cụ đầu hết sức hạn chế vì dự trữ ngoại tệ của Việt Nam có hạn, các biện pháp hành chính có thể phản tác dụng, NH thương mại không đủ sức kìm hãm đà tăng của tỉ giá. Do đó, giới phân tích cho rằng giảm giá VNĐ là sự lựa chọn cuối cùng.
Theo ông Hiếu, nếu FED tăng lãi suất thì NH Nhà nước có thể vẫn giữ nguyên biên độ tỉ giá 3% nhưng cần điều chỉnh tăng tỉ giá liên NH để thị trường không biến động lớn, có lợi cho xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. “Dù hệ lụy của việc tăng tỉ giá là tác động đến lạm phát nhưng do lạm phát hiện chỉ khoảng 2% nên Việt Nam vẫn có thể để lạm phát đi lên. Còn nợ công có tăng do tỉ giá tăng vẫn không quan trọng bởi vấn đề cốt lõi của việc tăng tỉ giá là hỗ trợ cho xuất khẩu để từ đó tăng nguồn thu USD nhằm giải quyết nhiều vấn đề khác” - ông Hiếu nói.
Ngược lại, TS Nguyễn Văn Thuận cho rằng nếu FED tăng lãi suất thì NH Nhà nước không nên điều chỉnh tỉ giá bởi tỉ giá đã tăng 3% và đã được NH Nhà nước tính toán cho mọi biến động khi FED tăng lãi suất.
Theo ông Thuận, từ đầu năm 2015 đến nay, thị trường luôn kỳ vọng FED tăng lãi suất và những tác động của nó đã phản ánh gần hết vào tỉ giá VNĐ/USD. Tuy nhiên, khi FED công bố tăng lãi suất từ 0%-0,25% lên 0,25%- 0,5% thì trong vài ngày đầu, giá USD tự do sẽ tăng, còn tỉ giá tại các NH tiếp tục trụ ở mức trần, sau đó thị trường đảo chiều. “Còn việc nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam bán cổ phiếu, rồi dồn vốn vào USD nhưng đến thời điểm nào đó, họ sẽ bán ra cân bằng cung cầu ngoại tệ. Riêng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam và đến giữa năm 2016, khi có đủ cơ sở để điều chỉnh tỉ giá, nhà đầu tư nước ngoài sẽ giải ngân, làm tăng cung USD, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ” - ông Thuận dự báo.
Thy Thơ
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...