Việt Nam trong top 10 thế giới về kiều hối

Chủ nhật - 06/10/2013 21:40 - Đã xem: 1104

Việt Nam trong top 10 thế giới về kiều hối

Theo thông cáo của Ngân hàng Thế giới ngày 3.10, các nước đang phát triển đón nhận hơn 410 tỉ USD kiều hối trong năm 2013 và Việt Nam là một trong 10 nước tiếp nhận nhiều nhất nguồn tiền này. Dự tính, năm nay, kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá so với kỷ lục 10 tỉ USD của năm 2012.
Chi phí chuyển tiền vẫn cao

Dự báo của WB đánh giá lượng kiều hối gửi về các nước đang phát triển dự tính tăng 6,3% và đạt mức 414 tỉ USD năm nay. Riêng Ấn Độ và Trung Quốc đã chiếm gần 1/3 tổng lượng kiều hối của các nước đang phát triển trong năm nay. Lượng kiều hối chuyển về các nước đang phát triển sẽ tăng mạnh về trung hạn với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 9% và sẽ đạt mức 540 tỉ USD năm 2016. Về mặt số lượng, Ấn Độ đứng đầu thế giới với 71 tỉ USD kiều hối trong năm 2013. Tiếp đó là Trung Quốc (60 tỉ USD), Philippines (26 tỉ USD), Mexico (22 tỉ USD), Nigeria (21 tỉ USD) và Ai Cập (20 tỉ USD). Việt Nam nằm trong  danh sách 10 nước đứng đầu về lượng kiều hối trên thế giới.

Lượng kiều hối bình quân qua các thời kỳ tại VN. Nguồn: chinhphu.vn

Tổng lượng kiều hối toàn cầu, kể cả lượng chuyển về các nước có thu nhập cao, ước tính sẽ đạt mức 540 tỉ USD năm nay và sẽ đạt mức kỷ lục 707 tỉ USD năm 2016 - Báo cáo tóm tắt về Di cư và Phát triển của WB cho biết. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch cao cấp và Chuyên gia kinh tế trưởng của WB - ông Kaushik Basu - kiều hối có tác động đáng kể giúp tái tạo cân bằng trong trường hợp lượng vốn chảy vào bị yếu đi. Và khi đồng nội tệ bị yếu đi thì kiều hối có tác động như một cơ chế tự ổn định. Ông Dilip Ratha -  Trưởng nhóm Di cư và Kiều hối thuộc Ban Nghiên cứu Phát triển của WB – cho rằng, kiều hối là mối liên kết dễ thấy nhất và ít gây tranh cãi nhất giữa di cư và phát triển.

Tuy nhiên, chi phí chuyển tiền qua các kênh chính thức vẫn cao và đang cản trở việc sử dụng kiều hối cho các mục đích phát triển trong khi người chuyển tiền ưa tìm cách chuyển tiền về nhà qua các kênh phi chính thức hơn. Chi phí chuyển kiều hối trung bình toàn cầu là 9% và con số này không thay đổi kể từ 2012. Báo cáo tóm tắt về Di cư và Phát triển của WB cho thấy các ngân hàng đã bắt đầu tính thêm một số khoản phí trên lượng kiều hối chuyển về. Các khoản phí đó có thể lên đến 5% lượng kiều hối giao dịch.

Việt Nam kỳ vọng kỷ lục mới

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2013 sẽ đánh dấu một kỷ lục mới về lượng kiều hối chuyển về Việt Nam, vượt kỷ lục 10 tỉ USD đã đạt được vào năm 2012. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2013, lượng kiều hối chuyển về TP.Hồ Chí Minh qua các ngân hàng thương mại đã đạt khoảng 2,5 tỉ USD; dự báo đến cuối năm sẽ đạt khoảng 4,5-4,8 tỉ USD, cao hơn mức 4,1 tỉ USD của năm 2012. Nguồn kiều hối từ lực lượng xuất khẩu lao động cũng gia tăng mạnh mẽ nhiều năm trở lại đây, bên cạnh nguồn kiều hối truyền thống từ kiều bào chuyển tiền về Việt Nam cho người thân.

Tính từ năm 1993 đến năm 2012, tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đã đạt trên 73 tỉ USD, bình quân chiếm 6,8% GDP trong thời gian tương ứng, trong đó, có năm còn đạt cao hơn, nhất là từ 2004 đến nay; bình quân 1 năm đạt 3,65 tỉ USD. Năm 2012, Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á về lượng kiều hối, chỉ sau Philippines, và đứng thứ 9 thế giới Nguồn kiều hối từ lực lượng xuất khẩu lao động cũng gia tăng mạnh mẽ nhiều năm trở lại đây, bên cạnh nguồn kiều hối truyền thống từ kiều bào chuyển tiền về Việt Nam cho người thân.


P.T

Nguồn tin: Lao Động Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây