|
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng kiến nghị, đề xuất, hiến kế thực tế rất nhiều nhưng rơi vào tình trạng "tồn kho" dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đăng Doanh xung quanh vấn đề này.
|
Ông có thể nói rõ hơn về những giải pháp đã bị "tồn kho" của ông cũng như các chuyên gia kinh tế khác mà ông thấy?
Trong Diễn đàn Kinh tế mùa xuân nửa năm trước ở Nha Trang và Diễn đàn Kinh tế mùa thu vừa diễn ra ở Huế, các chuyên gia đã đề xuất rất nhiều biện pháp như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), xử lý nợ xấu, tái cấu trúc ngân hàng và “sở hữu chéo” trong hệ thống ngân hàng, xem xét lại việc chi tiêu ngân sách, cải cách thể chế kinh tế, thể chế chính trị để thực hiện lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, đầu tư... Tuy nhiên, những đề xuất này được thực hiện quá chậm so với tình hình thực tế đòi hỏi. Chậm vì có phần do các đề xuất của chuyên gia mới dừng lại ở ý tưởng chính sách nhưng chủ yếu là do vướng mắc trong tổ chức thực hiện như giải quyết nợ xấu, giải ngân gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội... Vướng mắc có thể do năng lực nhưng cũng có thể do lợi ích nhóm. Tôi lấy ví dụ khoản nợ 1,3 triệu tỉ đồng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến nay vẫn chưa có giải pháp toàn diện để giải quyết. Cải cách, thoái vốn nhà nước ở các DNNN diễn ra rất chậm trễ. Kiến nghị phải công khai việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo trong DNNN, thực hiện bổ nhiệm theo hợp đồng có thời hạn, có điều kiện phải đạt được những tiến bộ gì mà Trung Quốc đã làm vẫn chưa được thực hiện... Đó là lý do vì sao, tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu vừa rồi các chuyên gia đều kêu gọi phải thực thi ngay các giải pháp. Nền kinh tế nước ta đang phát triển dưới tiềm năng, nếu tái cấu trúc, cải cách có hiệu lực thì kinh tế nước ta sẽ tăng trưởng có hiệu quả hơn, với tốc độ cao hơn, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, đời sống người dân sẽ bớt khó khăn, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực sẽ được đẩy lùi.
Trong cuốn Tại sao các quốc gia thất bại (đã được Nhà xuất bản Trẻ phát hành tại VN) của hai tác giả Daron Acemoglu và James Robinson có phân tích cho thấy các quốc gia sẽ trở nên hùng mạnh khi họ phát triển chính sách kinh tế và chính trị “bao dung” hay bình đẳng (inclusive). Đó là tạo điều kiện để mọi người đều được hưởng lợi trong phát triển kinh tế, phải thực thi công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, xác định các quyền tài sản, tạo ra một sân chơi bình đẳng, khuyến khích đầu tư vào công nghệ mới và các kỹ năng.
|
Các giải pháp cải cách nên theo hướng nào, thưa ông?
Quan trọng nhất vẫn là công khai minh bạch. Ví dụ, thu thuế rồi chi vào đâu. Nhà nước thu thuế của dân để bảo đảm các dịch vụ công (y tế, giáo dục), lợi ích cho dân như phát triển kết cấu hạ tầng... không thể chủ yếu chi để nuôi bộ máy nhà nước như tiền lương, đi lại, xe cộ, đi nước ngoài, lễ lạt, hội thảo... của các quan chức. Tôi cho rằng, đây là trách nhiệm phải giải trình của bộ máy và các vị lãnh đạo. Chúng ta tiêu tiền của dân thì phải công khai cho dân biết tiền được chi vào đâu, chi như thế nào. Ở nhiều nước khác, những vấn đề này đều được công khai trên website chính phủ. Từ lịch công tác, vé máy bay, tiệc chiêu đãi, chi phí xe cộ... của lãnh đạo đều được công khai để người dân giám sát như ở Thụy Điển, Canada. Khi tôi sang Thụy Điển, họ cũng đối xử với tôi "khắt khe" như vậy. Họ cấp cho tôi 34 USD/ngày (bằng trợ cấp thất nghiệp) nhưng vẫn ghi rất rõ là nếu ăn sáng ở khách sạn thì trừ 20%, ăn trưa nếu được mời thì trừ đi 40%... Cách quản lý, giám sát chi tiêu của họ rất đáng để ta phải học, nhất là trong thời điểm ngân sách gặp khó khăn như hiện nay.
Chi thường xuyên vẫn tăng nhanh trong bối cảnh ngân sách hụt thu và kinh tế khó khăn, ông đánh giá thế nào về chuyện này?
Đạo lý của nhà nước là thu tiền của dân thì phải đảm bảo các phúc lợi xã hội cho dân. Nhưng trong khi chúng ta vẫn thu rất nhiều các loại thuế, phí thì hầu hết các dịch vụ công như chất lượng đường sá, hạ tầng cơ sở, y tế, giáo dục... đều yếu kém. Nói ngắn gọn là chúng ta đã thu rất nhiều của dân nhưng chưa mang lại lợi ích tương xứng cho họ...
|
Trong bối cảnh đó, nâng bội chi ngân sách có thỏa đáng không, thưa ông?
Trong trường hợp quá khó khăn thì nâng bội chi cũng là một giải pháp tình thế có thể lựa chọn. Nhưng phải kiên quyết rằng, nâng bội chi bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ đề đầu tư chứ không phải để tiêu dùng cho chi thường xuyên. Nhưng ngay cả nâng để đầu tư cũng phải có điều kiện ràng buộc về hiệu quả, lĩnh vực, trách nhiệm cá nhân, thời gian cụ thể chứ không thể nói nâng bội chi ngân sách để đầu tư một cách chung chung được. Căn bệnh lãng phí, thiếu hiệu quả trong đầu tư công của chúng ta vẫn chưa giải quyết nên đầu tư lúc này, hiệu quả phải là yếu tố đặt lên hàng đầu. Nếu không, chúng ta sẽ lại đối mặt với nguy cơ lạm phát quay trở lại và nền kinh tế lại rơi vào vòng luẩn quẩn, hết chống lạm phát lại rơi vào đình trệ như những năm gần đây.
Vậy theo ông, trong trường hợp Quốc hội thông qua việc nâng bội chi ngân sách lên 5,3% như đề xuất của Chính phủ thì thời gian và điều kiện như thế nào?
Về thời gian theo tôi chỉ nên nâng bội chi trong khoảng 2 - 3 năm, sau đó phải có lộ trình giảm bội chi trở lại. Về điều kiện, như tôi vừa nói trên, nâng để đầu tư và nên đầu tư vào kết cấu hạ tầng, bệnh viện và một số phúc lợi xã hội cho người dân. Bên cạnh đó, phải giám sát chặt chẽ việc đầu tư để đạt hiệu quả tốt nhất.
Nếu được đề xuất một giải pháp để đưa kinh tế vượt qua tình trạng trì trệ, vào lúc này ông sẽ đề xuất gì?
Tôi tiếp tục đề xuất phải đẩy nhanh việc cổ phần hóa, bán bớt vốn nhà nước trong các DNNN. Cách này vừa tăng ngân sách hiệu quả mà cũng nâng hiệu quả hoạt động cho các DNNN. Thực tế đã chứng minh, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều hoạt động hiệu quả hơn. Vì vậy, chúng ta đừng chần chừ nữa.
Người đứng đầu cần tuyên thệ Tôi cho rằng cần công khai chi tiết từng khoản mục. Ví dụ một ông chủ tịch tỉnh một năm đi nước ngoài bao nhiêu lần, tiền tiếp khách bao nhiêu, tiền xăng dầu hết bao nhiêu... người dân cần được biết vì đó là tiền của họ nộp thuế. Cũng phải công khai cả suất đầu tư bởi hiện nay, đầu tư của các DNNN cao gấp đôi, gấp ba lần so với tư nhân. Các cơ quan hành chính công lại càng phải công khai, thậm chí người đứng đầu các cơ quan này cần phải tuyên thệ. Tôi ví dụ, giờ mọi cái đều có trên internet nên các cuộc hội thảo, hội nghị, đi học tập kinh nghiệm nước ngoài hiện nay có thể cắt giảm tới 70%, tiết kiệm được một khoản không nhỏ cho ngân sách. Ông Nguyễn Hoàng Hải |
Chi thường xuyên 8 tháng lên tới 424.430 tỉ Chi thường xuyên (chiếm tới 70% tổng chi ngân sách) 8 tháng lên tới 424.430 tỉ đồng, chiếm khoảng 65% so với dự toán đầu năm là 658.900 tỉ đồng. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Chi tiêu thường xuyên không ngừng tăng, tăng quá nhanh. Rà soát thời điểm hết quý 3, thì 3 năm trở lại đây năm nào cũng vượt dự toán khoảng 10%, từ mức 59 lên 69%”. |
Nguyên Hằng
(thực hiện)
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...