Doanh nghiệp với nỗi lo phát triển vùng nguyên liệu

Thứ hai - 21/10/2013 05:19 - Đã xem: 1084

Doanh nghiệp với nỗi lo phát triển vùng nguyên liệu

Một trong những nỗi lo của nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông-lâm sản trên địa bàn tỉnh đó là thiếu nguyên liệu. Thiếu nguyên liệu đã làm cho nhiều doanh nghiệp đành phải chọn giải pháp không vận hành hết công suất, hoạt động cầm chừng…

Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Giai Mỹ đã xây dựng Nhà máy chế biến nước ép trái cây tại huyện Ðắk R’lấp được 3 năm nay. Trong thời gian này, công ty đã 3 lần có kế hoạch đưa dây chuyền sản xuất nước ép chanh dây và dứa vào hoạt động, nhưng đều thất bại vì không đảm bảo được nguyên liệu.

Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt (Đắk Song) chế biến gỗ cao cấp cũng thường xuyên thiếu nguyên liệu để sản xuất

 

Với công suất 20.000 tấn quả/ năm  thì công ty phải thường xuyên có tối thiểu từ 500 - 1.000 ha các loại cây trồng trên để cung cấp nguyên liệu thì mới hoạt động được. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Thái Bình, phụ trách Xưởng sản xuất thì trong thời gian qua, đơn vị chỉ mới đảm bảo được 1% nguyên liệu trong tổng số công suất của nhà máy. Chính vì điều này mà dẫn đến 3 lần công ty có kế hoạch cho ra đời sản phẩm nước ép trái cây đầu tiên tại Ðắk Nông để phục vụ thị trường, nhưng đều bị “phá sản”.

Trước khi xây dựng nhà máy, công ty đã tính đến việc phát triển vùng nguyên liệu, nhưng khi triển khai thực hiện lại gặp rất nhiều khó khăn. Những năm qua, công ty đã liên kết với nông dân trên địa bàn huyện Ðắk R’lấp trồng hàng trăm hecta dứa, nhưng cây phát triển kém, phần nhiều không ra trái.

Chanh dây thì vì nhiều lý do nên công ty không dám đầu tư 100% vốn ban đầu cho người dân mà chỉ hỗ trợ một phần về kỹ thuật, về vật tư, cây giống… nên khó có sự ràng buộc chặt chẽ, mà chủ yếu ở vào thế “nước đôi”. Vì vậy, khi trên thị trường, giá chanh dây cao thì dân tìm cách phá vỡ hợp đồng, không bán cho công ty và tuồn sản phẩm ra thị trường.

Ông Bình cho biết: “Trong thời gian qua, công ty có rất nhiều khách hàng muốn đặt hàng, nhưng đành bỏ lỡ cơ hội, do nhà máy chế biến nước ép trái cây không có nguyên liệu và bị thiệt hại rất lớn. Trong 3 năm qua, ngoài nguồn vốn đầu tư tới 29 tỷ đồng để xây dựng nhà máy, trang bị dây chuyền sản xuất hầu như không mang lại chút lợi nhuận nào thì hàng tháng còn phải tốn khoảng 100 triệu đồng để trả lương cho lao động, bảo trì máy móc, tiền điện và nhiều chi phí khác”.

Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng (Chư Jút) là một trong số những đơn vị được đánh giá có hoạt động sản xuất chế biến khá đều đặn, hàng năm luôn đảm bảo kế hoạch. Thế nhưng được biết, công ty cũng có nhiều thời điểm gặp khó khăn, bị động trong việc tìm nguồn nguyên liệu để phục vụ cho chế biến các sản phẩm đậu nành, đậu phụng.

Thời gian qua, nguồn nguyên liệu mà công ty có chủ yếu là thu mua của nông dân. Theo ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc công ty thì doanh nghiệp đã tính đến việc đề nghị địa phương cho mượn, thuê đất hoặc hợp tác, liên kết với nông dân để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến các sản phẩm, nhưng cũng còn gặp không ít khó khăn.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Chư Jút cũng có khá nhiều nhà máy chế biến nông sản như đường, bông, cồn, điều… thì cũng trong tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu ổn định.

Một số doanh nghiệp cho rằng, cơ chế, chính sách của tỉnh về xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu còn chưa rõ ràng, nên họ phần lớn phải tự xoay xở để tìm nguồn cung cho mình.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, việc các doanh nghiệp thiếu nguyên liệu một phần cũng là do tiềm lực tài chính ít, nên sức cạnh tranh trên thị trường bộc lộ nhiều điểm yếu. Vì vậy, một lượng lớn nguồn nguyên liệu của tỉnh đang được các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến thu mua và chở đi.

Còn các doanh nghiệp trong tỉnh thì đành “đứng nhìn” vì nguồn vốn có hạn, nên khó cạnh tranh được về giá. Mong muốn có một vùng nguyên liệu của riêng mình là điều mong muốn của nhiều doanh nghiệp, nhưng chính vì còn những hạn chế trên nên không dễ gì biến điều đó thành hiện thực.

Bài, ảnh: Thanh Nga


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây