Nghịch lý thuế

Thứ hai - 28/10/2013 07:05 - Đã xem: 1024
Không phải ngẫu nhiên mà phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cuối tuần qua, ngân sách vẫn tiếp tục là vấn đề nóng bởi “miếng bánh” ngân sách đang phình to, trong khi nguồn lực chi cho thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội lại đang bí đầu vào.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài, 200.000 doanh nghiệp (DN) thua lỗ thì việc thu thuế để ngân sách đạt dự toán là nhiệm vụ gần như khó khả thi. Do vậy, Tổng cục Thuế đã lập Ban Chỉ đạo chống thất thu thuế ở 61/63 tỉnh, thành, tập trung đẩy thu nội địa để không phát sinh nợ, không siết hoàn thuế GTGT và siết nợ đọng, thanh tra chi hành chính... Đến tháng 10, ngành thuế đã đốc thu vào ngân sách 46% số nợ thuế tại thời điểm 31-12-2012. Đợt tổng kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế năm 2013 của Bộ Tài chính cũng đã phát hiện số thuế sẽ phải thu hồi về ngân sách là 9.628 tỉ đồng. Con số tăng thu này tương ứng gần 3% so với tổng thu nội địa 9 tháng qua.

Những con số được phát hiện này nghe qua có thể cho là thành tích. Nhưng suy cho cùng, chính là những lỗ hổng trong quản lý thuế. Đó là số thuế thu được chỉ tăng qua thanh, kiểm tra. Đặc biệt, có đến 122 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị phát hiện chuyển giá, với tổng số thuế bị truy thu hơn 214 tỉ đồng. Trong số này, riêng Tập đoàn Keangnam Vina đã bị truy thu lên tới 95,2 tỉ đồng, chiếm tới 44% tổng số thuế bị truy thu của tất cả các DN chuyển giá. Đã có chuyên gia chỉ ra rằng mất cân đối ngân sách chủ yếu do thất thu thuế! Mặt khác, quản lý thuế vẫn còn nhiều bất hợp lý, khi thuế thu nhập cá nhân được báo cáo chỉ đạt 67,2% dự toán nhưng lại để lọt nhiều “cá to” mà điển hình là vụ lương khủng 2,6 tỉ đồng của 4 “sếp” DN công ích tại TP HCM. Hay trường hợp một ca sĩ bị truy thu hơn 1,3 tỉ đồng thuế thu nhập...

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, gian lận thuế của DN có nguyên nhân do quản lý nhà nước, của các ngành chức năng. Tuy nhiên, bên cạnh việc đẩy mạnh quản lý, chống thất thu thuế như một giải pháp mục tiêu từ nay đến cuối năm thì việc siết lại cơ chế quản lý, bộ máy lại chưa thấy đề cập. Với lý do hụt thu ngân sách, Chính phủ vừa kiến nghị Quốc hội nâng mức trần bội chi ngân sách năm tới từ 4,8% GDP lên 5,3%. Các chuyên gia lo ngại nếu không chấn chỉnh các vấn nạn lãng phí, thất thu thuế, bộ máy cồng kềnh thì nợ công sẽ tăng thêm. Và gánh nặng sẽ lại tiếp tục đổ xuống xã hội, người dân.

Nói như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “dân nộp thuế cho ta ngồi đây, bộ máy cồng kềnh dân è cổ nuôi. Làm việc không hiệu quả thì có lỗi với dân”. Như vậy, để thấy điểm mấu chốt để giải quyết hụt thu ngân sách chính là con người.

Minh Hà
 
CẦN KIÊN QUYẾT XỬ LÝ HÀNH VI CHUYỂN GIÁ CHỐNG THẤT THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Hiện nay tình trạng chuyển giá hiện nay của các đơn vị liên doanh nước ngoài FDI các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các tỉnh, thành phố đã làm thất thu ngân sách nhà nước, qua thanh tra đã phát hiện truy thu thuế lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đây thực chất là hành vi trốn thuế của các doanh nghiệp liên doanh. Ngoài ra việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng xuất khẩu cũng là vấn đề báo động , vì có nhiều doanh nghiệp đã làm hồ sơ khống để hoàn thuế giá trị gia tăng nhiều vụ đã có đến hàng trăm tỷ đồng. Để khắc phục các vấn đề nêu trên cần phải nghiêm khắc xử lý các hành vi cố tình không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của người tham gia kinh doanh , đối các nước trên thế giới vấn đề trốn thuế là tội rất nặng, được điều chỉnh trong bộ luật hình sự. Đề nghị ở nước ta Quốc hội cũng sớm sửa đổi điều chỉnh đưa vào Bộ luật hình sự hành vi cố tình chay ì nộp thuế quá thời gian quy định của luật thuế và hành vi chuyển giá được coi như là tội trốn thuế. Trước mắt đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn quy định thời gian cụ thể yêu cầu các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ nộp thuế , nếu quá thời gian quy định các đối tượng phải nộp thuế mà không nộp thì coi như tội trốn thuế phải xử lý theo bộ luật hình sự. Để chống thất thu trong lãnh vực thuế, nhà nước yêu cầu các đơn vị này hàng năm phải có thẩm định kiểm tra của các tổ chức kiểm toán trong hoặc ngoài nước do đơn vị tự thuê và báo cáo kết quả kinh doanh hàng năm cho ngành thuế quản lý. Bên cạnh đó các tổ chức Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ hoặc Thanh tra chuyên ngành thuế tăng cường công tác thanh tra giám sát các đơn vị nào có dấu hiệu hoạt động tài chính không lành mạnh. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, hy vọng những năm tới tình hình nợ đọng thuế và thất thu thuế sẽ giảm.
MINH TRÍ

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây