Cho vay vốn theo Nghị định 41 của Chính phủ: Giúp nông dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế

Thứ ba - 05/11/2013 04:27 - Đã xem: 1059

Cho vay vốn theo Nghị định 41 của Chính phủ: Giúp nông dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế

Thực hiện chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho nhiều nông dân tiếp cận nguồn vốn, đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Hiệu quả thiết thực

Theo đánh giá, sau 3 năm triển khai thực hiện nghị định, nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng đã được “khơi thông” nhiều hơn, tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ gia đình phát triển sản xuất. Tính đến hết tháng 9/2013, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là gần 6.800 tỷ đồng, chiếm trên 75% tổng dư nợ, với hơn 85.670 khách hàng được vay vốn.

Nhiều nông dân ở Đắk Mil được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển sản xuất

 

Ðiển hình như Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh là đơn vị giữ vai trò chủ lực nên luôn chủ động triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cho vay. Theo ông Trần Ðình Chánh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh thì để chính sách đi vào thực tiễn, giúp người dân có nguồn vốn phát triển sản xuất, chi nhánh đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, lập hồ sơ kinh tế địa bàn, nắm bắt tiến độ cấp “sổ đỏ” của từng xã, nhằm tìm kiếm, phân loại khách hàng.

Chi nhánh đã phổ biến cho nông dân hiểu rõ chính sách tín dụng của Nhà nước, xây dựng mô hình đầu tư cụ thể theo nhóm đối tượng, phục vụ cho chương trình chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo nợ xấu ở mức thấp nhất, chi nhánh đã tăng cường công tác tự kiểm tra tín dụng, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, cũng như nâng cao kiến thức thẩm định các dự án vay vốn. Nhờ đó, đến nay, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của chi nhánh đạt trên 3.840 tỷ đồng, chiếm 82% tổng dư nợ. Trong đó, vay không có tài sản đảm bảo theo Nghị định 41 là gần 400 tỷ đồng, với hơn 7.000 hộ được tiếp cận.

Ông Ðặng Văn Tài, ở thôn Ðức Lệ A, xã Ðức Mạnh (Ðắk Mil) chia sẻ: “Gia đình tôi được vay 30 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT huyện để đầu tư chăm sóc 2 ha cà phê, đạt năng suất cao. Ðầu năm 2013, gia đình lại được ngân hàng nâng hạn mức vay lên gần 100 triệu đồng, nên đã phát triển thêm một số cây trồng khác để nâng mức thu nhập cao hơn”. 

Cần tiếp tục tháo gỡ những “rào cản”

Có thể nói, bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai Nghị định 41 trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng còn gặp một số khó khăn cần được tháo gỡ. Ông Trần Ðình Chánh nêu rõ: “Cơ chế, chính sách đối với nông thôn hiện còn nhiều bất cập, khiến nông dân gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay. Ðơn cử như việc chậm cấp “sổ đỏ” và quyền sở hữu tài sản trên đất nên nhiều gia đình thiếu điều kiện đảm bảo để được vay vốn. Thậm chí, nhiều hộ có nhu cầu vay vốn rất lớn, nhưng lại không có chứng từ, văn bản hợp lý chứng minh việc đảm bảo nguồn vốn vay thì ngân hàng cũng không thể giải ngân”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp –PTNT cho hay: “Ðể nâng cao hiệu quả cho vay, các ngành có liên quan, chính quyền các cấp cần đẩy nhanh tiến độ cấp “sổ đỏ” cho người dân. Với trường hợp chưa được cấp, UBND các xã cần có chế độ theo dõi việc sử dụng đất chặt chẽ, cũng như thực hiện một bản duy nhất cho hộ gia đình, nhằm tránh việc cho vay chồng chéo, đảm bảo an toàn vốn và vốn vay được sử dụng đúng mục đích”.

Tương tự, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Jút cũng cho rằng: “Thực tế hiện nay, không chỉ các hợp tác xã nông nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay, mà chính những người nông dân, đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn vay ưu đãi này cũng đang gặp “rào cản”. Vì thế, thời gian tới, các tổ chức tín dụng nên mở rộng đối tượng, địa bàn cho vay để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Cụ thể, ngành ngân hàng nên nghiên cứu cơ chế, chính sách cho vay đối với thành phần kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã cũng như ưu tiên các dự án, chương trình phục vụ chế biến nông sản”.

Về phía ngành ngân hàng cũng cho rằng, có một thực tế nữa là thời gian qua, nguồn vốn huy động tại chỗ còn ít nên chưa thể đáp ứng hết nhu cầu. Nguồn vốn huy động được trong dân cư, vay tái cấp vốn chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, trong khi đối tượng vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phần lớn là trung và dài hạn.

Ðó là chưa kể chi phí tác nghiệp cho vay theo Nghị định 41 thường khá cao cũng như việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn lại hay gặp những rủi ro bất khả kháng. Do đó, mức trích lập dự phòng rủi ro đối với những khoản vay không có tài sản thế chấp cũng tăng cao hơn, dẫn đến khả năng xử lý thu hồi nợ thường gặp khó khăn…

Bài, ảnh: Nguyễn Lương

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây