Nợ xấu cản trở tái cơ cấu ngân hàng

Thứ năm - 24/10/2013 07:00 - Đã xem: 1104

Nợ xấu cản trở tái cơ cấu ngân hàng

Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, cần phối hợp các giải pháp đồng bộ thì mới có thể làm tảng băng nợ xấu tan chảy

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được xác định là 1 trong 3 trụ cột của tái cơ cấu nền kinh tế, bên cạnh tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên sau 2 năm triển khai, kết quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Chậm chuyển động

Theo các chuyên gia kinh tế, lực cản lớn nhất đối với tiến trình tái cơ cấu ngân hàng hiện nay là nợ xấu và sở hữu chéo trong toàn hệ thống. Theo TS Trần Thị Thanh Tú, Phó trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng (Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội), tình trạng sở hữu chéo và nợ nần dây dưa được đánh giá là mối nguy hiểm, do khả năng tạo ra vốn ảo từ việc các ông chủ ngân hàng dùng cổ phiếu ngân hàng này thế chấp vay vốn để đầu tư mua cổ phiếu của ngân hàng khác. Khoảng 30%-40% dư nợ của ngân hàng được đầu tư vào bất động sản (BĐS). Nợ xấu gia tăng có nguyên nhân từ chính việc không kiểm soát được sở hữu chéo.
Chưa giải quyết được nợ xấu sẽ khó tái cấu trúc thị trường tài chính ngân hàng. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: H.THÚY

Trong 7 ẩn số của hệ thống ngân hàng Việt Nam, sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu chỉ có duy nhất một ẩn số được làm sáng tỏ, đó là vai trò mua bán nợ với sự ra đời của Công ty Mua bán Tài sản Quốc gia (VAMC). Nhưng mô hình hoạt động của công ty này còn nhiều vấn đề đang tranh luận. Đó là việc nợ xấu được mua lại bằng trái phiếu đặc biệt trong 5 năm, nên sau này VAMC không bán được khoản nợ xấu đó thì lại được chuyển giao về chính ngân hàng ban đầu. VAMC chỉ mua nợ xấu có tài sản bảo đảm, tức chỉ có 84,16% nợ xấu có thể được VAMC mua lại nên khả năng xử lý nợ xấu của VAMC cũng hạn chế.

TS Tô Ánh Dương, Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá sau 2 năm triển khai, tốc độ gia tăng nợ xấu có giảm nhưng quy mô vẫn lớn và đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý cơ bản.

Cần giải pháp đồng bộ

Tại hội thảo quốc tế “Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây ở Hà Nội, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho rằng tái cấu trúc ngân hàng phải gắn với tái cấu trúc thị trường bảo hiểm, chứng khoán vì mối liên hệ giữa các thị trường này rất chặt chẽ, phức tạp. Nếu chỉ nhận thấy hệ thống ngân hàng nước sôi lửa bỏng nên tập trung giải quyết mà không đặt trong mối quan hệ chung thì không thể đạt được hiệu quả như mong muốn.

Cũng từng là thống đốc NHNN, ông Lê Đức Thúy cho rằng việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng 2 năm vừa qua mới chỉ đưa hệ thống qua giai đoạn “cấp cứu”, chưa được “giải phẫu”. Để bước vào đại phẫu, cần chẩn đoán đúng bệnh nhưng vấn đề này còn hạn chế do chưa đánh giá chính xác về nợ xấu. Theo các chuyên gia, việc tái cấu trúc ngân hàng trong giai đoạn vừa qua chủ yếu dựa vào sáp nhập và bán nợ xấu cho VAMC. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, cần phối hợp các giải pháp đồng bộ thì mới có thể làm tảng băng nợ xấu tan chảy.
4,58% hay 15%?
Theo báo cáo của NHNN, nợ xấu của hệ thống đến tháng 7-2013 chiếm khoảng 4,58% tổng dư nợ, nhưng số liệu của Fitch Ratings (Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới) mới đây lại cho rằng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam lên đến 15% tổng dư nợ. Luôn có các con số rất vênh nhau về nợ xấu chứng tỏ bắt chưa đúng bệnh. Ngoài ra, Fitch Ratings nhận xét kém minh bạch về nợ xấu cũng là một trong những rủi ro với các ngân hàng lớn của Việt Nam.
Hà Linh

CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG NỢ XẤU NGÂN HÀNG
Hiện nay tình trạng nợ xấu của các ngân hàng thương mại là vấn đề cần báo động cần tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, trong đó tình trạng do công tác thẩm định tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng dễ dãi thiếu chặc chẽ hoặc cán bộ, nhân viên ngân hàng cố tình "nới tay" để doanh nghiệp chiếm dụng vốn , có những dự án vay vốn ngân hàng thực tế không có hiệu quả, nhưng từ lãnh đạo ngân hàng đến cán bộ tín dụng vì đã được lót tay nên cố tình làm ngơ cuối cùng hậu quả nhà nước phải gánh chịu, thực tế đã có rất nhiều vụ án đã được cơ quan điều tra khởi tố đưa ra xét xử , kết luận của Tòa về bản án thu hồi vốn vay không biết đến khi nào mới thu hồi được. Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp được quyền mở tài khoản vay ở tất cả các ngân hàng thương mại để hoạt động giao dịch, chính vì vậy có tình trạng một tài sản là đất đai, nhà xưởng, kho hàng doanh nghiệp đã làm thành nhiều bộ hồ sơ để thế chấp nhiều ngân hàng, việc dễ dãi trong quá trình cho vay nên khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán mới dẫn đến chuyện 5-6 ngân hàng đi canh một cái kho của doanh nghiệp,đây là thực tế đã xãy ra ở các địa phương. Để khắc phục các tồn tại nêu trên để hoạt động tài chính ngân hàng thật sự lành mạnh, đề nghị Ngân hàng nhà nước: Một là: Cho phép doanh nghiệp được quyền mở tài khoản ở các ngân hàng để hoạt động giao dịch, nhưng ràng buộc doanh nghiệp được quyền chọn đăng ký một ngân hàng chính để được phép vay vốn, nếu doanh nghiệp muốn vay thêm vốn ở ngân hàng khác phải có ý kiến xác nhận của ngân hàng chính đã đăng ký,thông báo số vốn mà doanh nghiệp đã được vay, thì ngân hàng khác mới xem xét cân nhắc được cho doanh nghiệp vay vốn hay không?Khi doanh nghiệp đến thời hạn trả nợ vay, buộc doanh nghiệp phải thanh toán trả nợ vay cho ngân hàng chính đã đăng ký giao dịch trước rồi mới đến các ngân hàng khác, nếu doanh nghiệp không chấp hành đúng quy định này nếu ngân hàng chính phát hiện phải có biện pháp chế tài xử lý đối với doanh nghiệp. Hai là: Công tác thẩm định tài sản thế chấp hoặc dự án kinh doanh của doanh nghiệp đề nghị được vay vốn ngân hàng, đây chính là tồn tại của ngân hàng trong thời gian vừa qua dẫn đến nợ xấu ngân hàng. Để hạn chế tình trạng trên, hiện nay nhà nước ta đã cho phép thành lập các tổ chức thẩm định giá hoạt động theo cơ chế thị trường, tổ chức này đã giúp cho các cơ quan pháp luật như Tòa án, Cơ quan thi hành án và các cơ quan khác có nhu cầu trong việc thẩm định giá tài sản của các vụ án; do vậy đề nghị Ngân hàng nhà nước cần quy định, trước khi ngân hàng cho các tổ chức,hộ gia đình, cá nhân vay cần phải có báo cáo thẩm định tài sản hoặc thẩm định tính hiệu quả của các dự án từ cơ quan chuyên ngành thẩm định giá, để có cơ sở cho cán bộ tín dụng và lãnh đạo ngân hàng quyết định mức cho vay cho phù hợp đảm bảo có thể thu hồi lại vốn cho vay, chi phí cho tổ chức thẩm định giá được đưa vào lãi cho vay. Nếu ngân hàng đổi mới thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, hy vọng trong thời gian tới tình hình nợ xấu sẽ từng bước được khắc phục mang lại hiệu quả, tài chính ngân hàng lành mạnh.

MINH TRÍ

 

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây