Để các công trình cấp nước tập trung phát huy hiệu quả: Cần các giải pháp phát triển bền vững

Thứ hai - 21/10/2013 05:20 - Đã xem: 988

Để các công trình cấp nước tập trung phát huy hiệu quả: Cần các giải pháp phát triển bền vững

Ðể cung cấp nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho khu vực nông thôn, thời gian qua, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 208 công trình nước sạch tập trung (NSTT). Sau khi xây dựng, các công trình này được giao cho chính quyền địa phương quản lý. Vì nhiều lý do và điều kiện, đến nay, việc quản lý, sử dụng loại công trình này ở mỗi địa phương mỗi khác nhau. Thực trạng này đang cần có các giải pháp mang tính bền vững.

Một số công trình phát huy tác dụng

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 99 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đang phát huy hiệu quả, giải quyết cơ bản vấn đề nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn.

Công trình cấp nước tập trung tại bon Jun Júh, xã Đức Minh (Đắk Mil) đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Phan Tuấn

Ðơn cử như công trình cấp nước tập trung ở bon Jun Júh, xã Ðức Minh (Ðắk Mil), sau khi được đầu tư sửa chữa đã đảm bảo cung cấp nước sạch cho hàng trăm hộ dân của bon.

Ông Y Sêr, Trưởng bon Jun Júh nói: “Chỉ với 3000 đồng/m3 nước, bà con có nguồn nước sinh hoạt dồi dào, không phải tốn kém chi phí đào giếng, mua máy bơm. Ðiều quan trọng là hiện nay mọi người dân trong bon đều có ý thức giữ gìn công trình thật tốt,  đóng tiền nước đầy đủ. Bon cũng đã thành lập tổ quản lý công trình nên công tác kiểm tra bể đầu nguồn, hệ thống ống dẫn nước cũng được thực hiện thường xuyên, kịp thời khắc phục, sửa chữa các sự cố, hỏng hóc xảy ra”.

Còn tại xã Thuận An (Ðắk Mil) thì hai công trình cấp nước tập trung ở các bon Sar Pa và Bu Ðắk sau gần 2 năm đưa vào sử dụng vẫn luôn đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ gia đình. Thực tế tại các bon cho thấy, nhờ đưa vấn đề quản lý, khai thác công trình vào quy chế, quy ước bon nên đã có tác dụng tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác bảo vệ công trình, sử dụng nguồn nước sao cho hiệu quả.

Ngoài ra, ngay sau khi nhận bàn giao công trình, xã cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các bon tổ chức họp dân, bầu người có chuyên môn làm công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình.

Nhưng quá nửa số công trình ngừng hoạt động

Bên cạnh những công trình phát huy tác dụng thì qua kiểm tra cho thấy hiện có tới 105 công trình ngừng hoạt động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng trước hết là do công tác quản lý đầu tư và vận hành các công trình NSTT còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Theo đó, sau khi nhận bàn giao sử dụng, các địa phương lại giao cho 1 tổ gồm 2-3 người quản lý vận hành. Ða phần những người này đều không có sự am hiểu về thiết bị, máy móc; không được đào tạo về kiến thức hoạt động tài chính, nên khi vận hành đã không đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật cũng như các nhiệm vụ quản lý khác.

Cùng với đó, phần lớn chủ đầu tư lại không thực hiện các khâu chuẩn bị để quản lý vận hành công trình như: Hồ sơ của công trình để làm tài liệu phục vụ công tác quản lý vận hành; không vận hành thử nghiệm ban đầu; không đào tạo kỹ năng quản lý vận hành các đối tượng được giao nhiệm vụ quản lý công trình.

Chủ đầu tư cũng thiếu sự phối hợp với các địa phương trong việc góp ý, thẩm định dự án, lựa chọn đơn vị thi công xây dựng, thậm chí có những trường hợp lựa chọn những đơn vị thi công không có chuyên môn về cấp nước, yếu về năng lực, thiếu kinh nghiệm trong quản lý, thực hiện dự án.

Trong quá trình xây dựng, sự theo dõi, giám sát của các chủ đầu tư chưa tốt, cán bộ có chuyên môn về kỹ thuật chuyên ngành cấp nước còn yếu và thiếu, nên cũng đã dẫn đến chất lượng công trình sau khi hoàn thành thường chưa tốt và nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp.

Nhiều đơn vị tư vấn thiết kế còn hạn chế về năng lực, thiếu kinh nghiệm thiết kế công trình cấp nước sinh hoạt, nên đã thiết kế không đồng bộ; không điều tra, khảo sát, đánh giá kỹ về trữ lượng, chất lượng nguồn nước trước khi xây dựng công trình NSTT.

Cần giải pháp bền vững

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, mục tiêu đến năm 2015, toàn tỉnh phải đạt 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 45% dân số được sử dụng nguồn nước đạt Quy chuẩn số 02 của Bộ Y tế.

Ðể thực hiện được mục tiêu này, ngoài sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền để cung cấp nước sạch cho nhân dân thì trước hết phải khắc phục tình trạng hoạt động kém hiệu quả của các công trình NSTT hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Trần Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho rằng, để công trình cấp nước tập trung ở vùng nông thôn phát huy hiệu quả, nhất thiết phải xây dựng các giải pháp phát triển bền vững.

Trong đó, ý thức, trách nhiệm của người dân mang tính chất quyết định. Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn thì chính quyền các địa phương cần xây dựng quy chế quản lý, sử dụng để phát huy hiệu quả công trình về lâu dài…

Ðối với công trình hư hỏng mà chưa có kinh phí sửa chữa thì nên vận động khả năng đóng góp của dân để duy trì sự hoạt động của công trình. Bên cạnh đó, về khâu kỹ thuật, đối với các công trình xây dựng mới thì cần phải đề cao tiêu chí chất lượng, gắn với nhu cầu của người hưởng lợi tại địa phương đó. Việc đào tạo người có chuyên môn, nghiệp vụ, có trách nhiệm trong quá trình quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung cũng cần được chú trọng.

Phan Tuấn-Song Việt


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây