Xây dựng cánh đồng mẫu lớn: Đúng hướng nhưng vẫn còn chậm chạp

Thứ tư - 08/10/2014 22:26 - Đã xem: 980
Mặc dù được triển khai trên địa bàn tỉnh chưa lâu, nhưng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) đã khẳng định sự đúng hướng trong việc chuyển đổi phương thức canh tác, xây dựng vùng hàng hóa tập trung…Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên việc nhân rộng mô hình này đến nay còn chậm chạp.

Giúp nông dân làm chủ đồng ruộng

Những năm trước đây, việc sản xuất lúa nước trên địa bàn tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự quy hoạch đồng bộ, đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, luôn chịu cảnh “được mùa, rớt giá”… khiến cuộc sống của người dân luôn gặp khó khăn. Vì vậy, việc quy hoạch lại đồng ruộng thành những vùng sản xuất tập trung, áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã và đang góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản, đồng thời thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào việc tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân Krông Nô thu hoạch lúa lai đại trà. Ảnh: Hồng Thoan

Trên địa bàn tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hàng chục vùng sản xuất hàng hóa tập trung như sản xuất rau xanh, cà phê, ngô lai và bước đầu xây dựng được 2 mô hình CĐML, với diện tích trên 65 ha.

Cụ thể, trong vụ đông xuân năm 2012, huyện Krông Nô đã thí điểm mô hình tổ chức sản xuất theo hướng CĐML tại xã Buôn Choáh, với diện tích gần 35 ha. Mô hình được xây dựng trong vùng đê bao thủy lợi khép kín và tiếp giáp với bờ sông Krông Nô, có gần 80 hộ nông dân tham gia sản xuất.

Giống lúa chủ lực được đưa vào sản xuất là giống lúa thuần RVT, được Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí trong tổng số kinh phí thực hiện mô hình. Ðể giúp cho đầu ra sản phẩm thuận lợi, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã ký cam kết hợp đồng tiêu thụ và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.

Bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn 6, xã Buôn Choáh cho biết: “Việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch đã giúp người trồng lúa giảm đi khá nhiều chi phí đầu tư. Chẳng hạn như khi đưa máy cày bánh lồng công suất lớn với số lượng hàng chục chiếc ra đồng đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm bấy lâu của nông dân nơi đây. Nếu trước đây, với 1-2 sào lúa, chỉ riêng khâu làm đất phải cần đến 7 - 8 công lao động làm cật lực thì nay chỉ cần mỗi hộ cử ra 1 người để theo dõi là có thể làm được 4 - 5 ha ruộng”.

Còn trong khâu thu hoạch, với máy gặt đạp liên hợp, không chỉ giải quyết được chi phí thuê nhân công, rút ngắn thời gian thu hoạch mà còn giúp bà con hạn chế được từ 6 – 7% lượng nông sản thất thoát so với gặt hái thủ công.

Ông Nguyễn Văn Nam ở thôn 5, xã Buôn Choáh tỏ ra phấn khởi cho hay: “Khi tham gia vào thực hiện sản xuất theo CĐML, ngoài việc được tham dự các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật trồng trọt, tôi còn được tạo điều kiện để thuê máy cày, máy bừa làm đất, máy gặt đập thu hoạch nên gia đình có thể đầu tư làm với diện tích lớn từ 1 - 2 ha đất ruộng, nhưng công việc vẫn nhàn nhã hơn so với trước rất nhiều”.

Tương tự, tại huyện Chư Jút, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện cũng đã triển khai xây dựng mô hình CĐML trên địa bàn xã Ðắk D’rông. Mô hình thu hút sự tham gia của 36 hộ dân, với tổng diện tích là 15 ha, được gieo cấy bằng giống lúa thuần RVT. Theo ông Hoàng Văn Siu ở thôn 6 thì sau khi được tham gia mô hình, ông cùng với bà con nông dân trong xã được huyện tổ chức các lớp tập huấn thâm canh lúa.

Nhờ vậy, nông dân đã áp dụng đồng bộ cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo sạ đồng loạt cùng một loại giống; áp dụng 3 giảm, 3 tăng; phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh hại cho cây lúa qua đó bà con đã tự làm chủ đồng ruộng của mình. Kết quả, năng suất lúa đạt từ 7-8 tấn/ha, tăng từ 1-1,5 tấn/ha so với diện tích lúa sản xuất bình thường như những vụ mùa trước.

Ứng dụng cơ giới hóa giúp người dân tiết kiệm chi phí thuê nhân công và giảm thất thu sau thu hoạch

Cần có giải pháp phù hợp nhân rộng mô hình

Được biết, trong thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai nhân rộng mô hình CĐML ở quy mô có thể. Tuy nhiên, việc này còn gặp nhiều khó khăn bởi trên thực tế quy mô sản xuất nông nghiệp ở tất cả các địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún, trình độ nông dân không đồng đều, cây trồng không đồng nhất…

Ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: “Không như các tỉnh đồng bằng, hầu hết các cánh đồng ở tỉnh ta đều có diện tích rất nhỏ hẹp, nên để áp dụng khoa học kỹ thuật, nhất là cơ giới hóa vào sản xuất đồng bộ là rất khó. Vì vậy, khi triển khai xây dựng CĐML, các địa phương không thể áp dụng cách làm như ở các tỉnh đồng bằng đã thực hiện mà cần tìm giải pháp xây dựng cách đồng mẫu phù hợp với từng vùng sản xuất, từng cánh đồng cụ thể trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”.

Ngoài ra, để mô hình CĐML hiệu quả trước tiên, các huyện phải tiến hành quy hoạch lại ruộng đất, trong đó, đặc biệt cần đẩy mạnh việc quy hoạch cải tạo đồng ruộng kết hợp dồn điền đổi thửa, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, thu hút, liên kết với nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và các chính sách hỗ trợ địa phương về kinh phí mua máy móc, giải phóng mặt bằng....

Có thể thấy, mô hình CĐML là hướng đi tất yếu hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để mô hình ngày càng được nhân rộng, đồng thời nâng cao hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, người dân yên tâm vào sản xuất tập trung, các cấp, các ngành cần có giải pháp phù hợp để nhân rộng hiệu quả mô hình CĐML, qua đó, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư cho nông nghiệp của tỉnh.

Bài, ảnh: Kim Ngân


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây