"Mộng mơ huyền ảo bồng bềnh cáp treo"
Theo người hướng dẫn viên du lịch giới thiệu thì Bà Nà cách trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 40 km, là khu du lịch sinh thái được người Pháp phát hiện từ năm 1901. Trong các năm từ 1903-1945, người Pháp đã biến Bà Nà thành “kinh đô nghỉ dưỡng” của xứ Trung kỳ với một số công trình phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng.
Đến năm 1997, TP. Đà Nẵng đã bắt đầu kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng Bà Nà thành khu du lịch và ngày càng hoàn thiện với quy mô lớn. Từ đó đến nay, Bà Nà luôn thu hút được lượng lớn khách du lịch đến thăm quan, vui chơi hàng năm. Nhiệt độ ở Bà Nà thường khoảng từ 12- 22 độ C. Với những đặc trưng của mình nên Bà Nà được ví là “lá phổi xanh” của miền Trung, là “hòn ngọc khí hậu” của Việt Nam.
Du khách lên Bà Nà bằng hai tuyến cáp treo. Ảnh: Va Ly |
Trước đây, để lên được Bà Nà, du khách phải vượt qua 15 km đèo dốc hiểm trở, nhưng hiện nay, chỉ cần mất khoảng 20 phút ngồi trên cáp treo. Vừa lên cáp treo, chúng tôi có cảm giác như được lướt đi nhẹ nhàng trong không gian.
Hôm ấy sương nhiều song vẫn đủ để nhìn thấy rõ cảnh vật bên dưới với dòng thác đổ trắng xóa, vừa hiền dịu, sải dài như mái tóc thiếu nữ, xung quanh là bạt ngàn cây cối của khu rừng nguyên sinh. Ngồi trên cabin, du khách cảm giác như được hòa nhập vào với thiên nhiên, lòng người cũng trở nên nhẹ nhõm, khoáng đạt hơn.
Nhà thơ Bùi Công Minh trong một chuyến lên Bà Nà đã có viết mấy vần thơ: “Vẳng nghe như tiếng hát xa/Cáp giăng dòng nhạc vắt qua ngang trời/ Lối mòn đâu vết chân người/Trên cao chỉ thấy cuộc đời nhẹ tênh/Trần gian bề bộn thoáng quên/Mộng mơ huyền ảo bồng bềnh cáp treo…”.
Không chỉ được ngắm cảnh đẹp mà du khách cũng sẽ tự hào hơn khi biết mình đang được ngồi trên cáp treo đã đạt được 2 kỷ lục Guinness của thế giới: tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới, với khoảng trên 5.000 m và độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới, với trên 1.200 m.
Trong mưa phùn, cùng với những làn mây lơ lửng làm cho không gian Bà Nà mờ mờ, ảo ảo. Chính cái không gian đó như tạo cho du khách thêm cảm giác thích thú khi càng đi càng hiện ra trước mặt những lâu đài tháp, những hành lang hun hút của khách sạn như mê cung.
Khám phá chốn "bồng lai tiên cảnh"
Khoảng 3 giờ rưỡi chiều, mưa vẫn rơi. Trong cái se lạnh của Bà Nà, cũng có người “đầu hàng” để vùi mình trong chiếc chăn ấm. Nhưng hầu hết mọi người trong đoàn chúng tôi, với tâm niệm “đã lên thì phải đi cho biết”, nên hứng khởi muốn khám phá xem “chốn thiên đường làm trần gian đắm say” là như thế nào.
Thế là, người mặc áo mưa, người mang theo dù che cùng nhau lên đường. Dẫn đoàn chúng tôi là một hướng dẫn viên nam, lúc nào cũng nhiệt tình giới thiệu, giải thích cho mọi người biết về mọi cảnh vật trên đường đi. Bằng một chuyến tàu hỏa leo núi nhỏ như rẽ ngang màn sương mù đã dẫn chúng tôi tới hầm rượu mà người Pháp xây dựng từ năm 1923.
Một trong những hốc rượu tại hầm rượu. Ảnh: N.H |
Theo lời người hướng dẫn thì hầm rượu được đào xuyên vào lòng núi có tổng chiều dài khoảng 80 m, chiều cao 2,5 m và chiều rộng 2 m, dọc bên trong hầm có khoảng 14 hốc cất giữ rượu. Đây được xem là một trong những kiến trúc tuyệt vời trong lòng đất đầu tiên ở Việt Nam. Vách hầm được xây dựng bằng đá núi và vữa làm từ hỗn hợp đường và nhựa cây bời lời.
Trần hầm được đào theo hình vòm cung đã tạo nên sự vững chắc cho hầm rượu đến tận ngày nay. Nhiệt độ trong hầm rượu khoảng từ 16-20o C, là nhiệt độ lý tưởng để cất giữ các loại rượu vang. Điều thú vị nhất là đi hết con đường hầm lại có một quầy bar luôn có người phục vụ. Trong cái se lạnh của núi đồi, được thưởng thức một ly rượu vang như làm lòng người ấm lại: “Miên man xanh Bà Nà/Những dấu tích thời gian/Hầm rượu vang hương núi/Kết tụ men đại ngàn” (Cùng anh lên Bà Nà - Hồ Minh).
Ra khỏi hầm rượu, trong làn sương mờ dần hiện ra muôn sắc hoa làm mọi người không khỏi bất ngờ. Đó là “Vườn hoa tình yêu”, được xem là một trong những nơi lý tưởng cho những ai yêu thích các loài hoa hay muốn ngắm cảnh, thả hồn với thiên nhiên.
Nhờ được chăm sóc thường xuyên nên vườn hoa lúc nào cũng tỏa sắc. Những giọt mưa đọng trên những bông hoa, vân vê, đùa giỡn trên các phiến lá to như muốn trêu đùa với du khách. Sương mờ làm cho cảnh vật, du khách cũng như ẩn, như hiện. Mọi người thi nhau chụp hình như để lưu lại những phút giây được lạc vào cõi mơ, lạc vào chốn “bồng lai tiên cảnh”.
Du khách dạo trong khuôn viên mờ sương. Ảnh: Lê Tuấn |
Hành trình tiếp theo chúng tôi đến là khu nhà trưng bày tượng sáp đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam. Tại đây, chúng tôi được “diện kiến” hay thỏa thích chụp hình với những nhân vật nổi tiếng thế giới ở nhiều lĩnh vực chính trị, điện ảnh, thể thao… Các tượng sáp được làm hình dạng giống như thật với các chất liệu từ đất sét, sáp ong và silicon.
Gần ngay khu trưng bày tượng sáp là khu vui chơi giải trí với khoảng trên 60 trò chơi dành cho cả người lớn và trẻ em. Đây được xem là khu vui chơi lớn nhất trong lòng đất ở khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh những trò chơi bình thường cũng có rất nhiều trò chơi mạo hiểm, thu hút du khách như: khu nhà ma, mê cung, tháp rơi tự do, thám hiểm lòng đất….
Cũng theo người hướng dẫn viên thì Bà Nà còn rất nhiều điểm lý thú, đáng để khám phá như: khu ẩm thực chợ quê, công viên Fantasy, xe trượt ống, suối Mơ, chùa Linh Ấn, Đền lĩnh chúa Linh từ, Tháp Linh Phong tự, Lầu chuông…
Có thể nói, với việc giữ nguyên nét hoang sơ ở nơi miền núi hoang dã, cùng với đầu tư xây dựng thêm những công trình giải trí độc đáo đã tạo nên thế mạnh, nét riêng của Bà Nà mà không nơi nào hội tụ bằng. Đến với Bà Nà cũng chính là để khẳng định hơn câu nói của nhiều người khi nhắc đến Đà Nẵng là một “thành phố đáng sống”.
Lên cáp treo xuống lại chân núi, mỗi người vương vấn một cảm giác, người lưu luyến với cái hơi lạnh giữa mùa nắng một cách lạ lùng, người lại tiếc nuối vì vẫn chưa khám phá hết cảnh Bà Nà. Riêng tôi, vẫn mong có một ngày được trở lại Bà Nà để được hòa mình vào thiên nhiên trong lành, cảm nhận thêm những nét đẹp đã gợi bao nhiêu thi hứng cho những người đã đến đây: “Phong cảnh nguyên sinh thật tuyệt vời/Bà Nà đẹp lắm, Bà Nà ơi!/Mây sà xuống núi, mây hôn đất/Núi với lên mây, núi chọc trời/Chim hót hoa cười, sương lãng đãng/Suối reo bướm lượn nắng chơi vơi/Bức tranh vô giá trời ban tặng/Muốn vẽ vào thơ ngại thiếu lời” (Khúc Vịnh Bà Nà – Ngô Tấn Chữ).
Ghi chép của Nguyễn Hiền
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...