Có thể nói, các thí sinh về dự hội thi cấp tỉnh lần này hầu hết là những người đã đạt giải cao tại các hội thi cấp cơ sở, có những câu chuyện về người thật, việc thật học tập Bác Hồ hết sức xúc động, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Bởi vì, điểm mới của hội thi năm nay đó là theo yêu cầu, những câu chuyện được kể phải là những tấm gương cá nhân, tập thể, việc làm có thật trên địa bàn tỉnh. Do đó, các thí sinh đều phải tìm hiểu kỹ càng cũng như kiểm chứng ở nhiều phương diện khác nhau nhằm lựa chọn ra những điển hình xứng đáng, ý nghĩa, được mọi người đồng thuận.
Phần dự thi của thí sinh Hoàng Anh Loan, huyện Krông Nô. Ảnh: Hoàng Hoài |
Đến với hội thi, thí sinh Trần Thị Thúy Minh ở huyện Tuy Đức đã đem theo câu chuyện về gương một cán bộ quản lý giáo dục của huyện luôn tận tụy với công việc, với sự nghiệp “trồng người” mà tất cả cũng xuất phát từ việc học tập, noi gương Bác Hồ trong cuộc sống, công việc hàng ngày.
Theo chị Minh thì ngay từ ở hội thi cấp huyện, chị đã trăn trở, suy nghĩ lựa chọn nhân vật thực sự điển hình cũng như tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, bạn bè để viết bài tham dự. Lựa chọn được nhân vật rồi, chị lại xây dựng kịch bản, tìm tòi cách diễn đạt, dẫn dắt câu chuyện sao cho hay, thật sự gây cảm xúc, thuyết phục người nghe.
Chị Minh cho biết: “Qua câu chuyện về tấm gương giàu nghị lực, phấn đấu trong công việc của nhân vật, tôi nhận thấy, bên cạnh việc cố gắng tìm tòi, đổi mới cách thức giảng dạy để học trò dễ hiểu, dễ nhớ thì trong quan hệ ứng xử với đồng nghiệp cũng cần phải khéo léo, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao”.
Còn thí sinh Mai Đoàn Minh Hương đến từ Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh thì đem đến hội thi câu chuyện có tựa đề “Tuổi trẻ đi là đến” nói về việc làm của Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh thường xuyên xuống các địa bàn vùng sâu, vùng khó khăn để làm công tác xã hội từ thiện.
Theo chị cho biết, qua những chuyến đi thực tế ấy, chị nhận thức được rằng, học và làm theo Bác phải bắt đầu từ những việc làm bình dị trong cuộc sống hàng ngày. Những chuyến đi ấy đã giúp cho chị ý thức nhiều hơn về trách nhiệm, vai trò của tuổi trẻ trong cuộc sống, đồng hành vì cộng đồng cũng như tận tâm, tận tụy với công việc, hết lòng, hết sức vì nhân dân.
Chị Hương tâm sự, hơn trên hết, qua những câu chuyện kể của các thí sinh khác cũng đọng lại trong chị những bài học sâu sắc về tình người, trách nhiệm với nhân dân, ý thức với công việc mà những người trẻ cần phải học tập, phấn đấu rèn luyện hàng ngày.
23 thí sinh mang đến hội thi 23 câu chuyện khác nhau, nhưng tất cả đều là những bài học, việc làm theo Bác ở nhiều lĩnh vực của cuộc sống và có sức hút, hấp dẫn riêng của nó.
Từ câu chuyện “Như một già làng” của thí sinh Nguyễn Thanh Tùng; “Vì cuộc đời là những chuyến đi” của thí sinh Đỗ Thị Thanh Thùy; “Vượt lên nghịch cảnh để sống là chính mình” của thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng, cho đến “Người dược sỹ tận tụy, năng động, sáng tạo” của thí sinh Thị Trinh; “Vận động quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc” của thí sinh Liễu Văn Trọng… đã để lại cho người nghe những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Chị Phạm Thị Hương, một khán giả tâm sự: “Những câu chuyện mà các thí sinh kể làm tôi rất xúc động. Mỗi một câu chuyện, mỗi tấm gương, mỗi việc làm được kể hôm nay, tôi đã rút ra được những bài học quý giá để bản thân soi mình vào đó mà học tập, tu dưỡng, rèn luyện”.
Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các thí sinh tham gia hội thi |
Theo đánh giá của Ban tổ chức hội thi, trải qua 3 phần thi: xây dựng đề tài, thuyết trình và trả lời câu hỏi, các thí sinh đã dẫn nhập nội dung một cách lô gíc, ngắn gọn, sử dụng từ ngữ trong sáng, dễ hiểu, mỗi câu chuyện được kể là mỗi bài học quý giá, thiết thực. Với phong cách kể chuyện bình tĩnh, ngôn ngữ chính xác, rõ ràng, dễ nghe, lôi cuốn, các thí sinh đã chuyển tải được một cách đầy đủ nội dung câu chuyện mình kể, qua đó, rút ra được ý nghĩa sâu sắc với thực tiễn bản thân, cuộc sống, công việc, góp phần tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Nhiều thí sinh còn kết hợp giữa kể chuyện với hình ảnh, phim tư liệu minh họa, càng thêm lôi cuốn người nghe, người xem, làm cho họ phải theo dõi đến cùng câu chuyện. Cũng nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và trải qua các hội thi ở cấp cơ sở, nên nhiều thí sinh đã trả lời linh hoạt, thông minh, súc tích, diễn giải chính xác các câu hỏi mà Ban giám khảo đưa ra cũng như có sự liên hệ với bản thân, địa phương, cơ quan, đơn vị để làm rõ hơn nội dung câu chuyện.
Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều những cá nhân, tập thể điển hình, với những việc làm theo Bác thiết thực, cụ thể và ý nghĩa. 23 câu chuyện được kể trong Hội thi kể chuyện về gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015 cũng là những tấm gương người thật, việc thật đã được các cấp, ngành biểu dương, ghi nhận. Vì vậy, Hội thi không chỉ là kênh tuyên truyền hiệu quả về những điển hình làm theo lời Bác mà còn là trường học chính trị thực tế của mỗi người.
Bài, ảnh: Hoàng Hoài
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...