Năm 2015, TCV Sài Gòn tròn 150 năm tuổi. Trên mảnh đất còn sót lại của cánh rừng già xưa, năm 1864, người Pháp cho xây dựng Vườn Bách thảo. Một năm sau, công trình hoàn thành và mở cửa hoạt động. Lúc đầu, người Pháp gọi đây là Vườn Thực vật Sài Gòn. Năm 1956, Vườn Bách thảo chính thức mang tên TCV Sài Gòn cho đến nay.
Không chỉ là chứng nhân của nhiều biến cố trong lịch sử TP HCM 300 năm, TCV còn được người Sài Gòn tự hào vì là một bảo tàng thiên nhiên quý giá. Hiện TCV có 900 loài thực vật và 126 loài động vật. Theo Ban Giám đốc TCV Sài Gòn, quy mô của TCV giờ đã thu hẹp gần một nửa, chỉ còn 17 ha. Năm 1995, phần diện tích bị thu hẹp này đã nhường chỗ cho những chung cư tái định cư.
TCV Sài Gòn luôn nhộn nhịp, đón hàng ngàn lượt khách mỗi ngày. Với 2/3 diện tích là cây xanh, TCV Sài Gòn được xem là lá phổi của TP HCM, nơi vui chơi lý tưởng mà ai đã đến đều muốn quay trở lại. Dưới những tán cây xanh nằm dọc lối đi, một số chuồng thú lớn được xây dựng từ những năm 1924 phỏng theo kiến trúc Gô-tích phương Tây còn sót lại càng làm tăng nét cổ kính của TCV.
Bên cạnh những gì còn lưu giữ của bề dày lịch sử 150 năm, du khách cũng dễ dàng nhận ra những nét giúp TCV Sài Gòn tươi tắn, hiện đại hơn. Đó là những chuồng thú được rào bằng kính hay chuồng hở có hào thay cho kiểu chuồng song sắt thô cứng. Vài góc tiểu cảnh được chăm chút kỹ lưỡng, được thiết kế khéo léo nào hoa, nào đá, hòn non bộ càng tô điểm thêm sự phong phú. “TCV Sài Gòn không thua gì các Safari của Thái Lan, Singapore nhưng cũng có những nét đặc trưng không thể nhầm lẫn” - một du khách so sánh.
Theo một lãnh đạo TCV Sài Gòn, để TCV ngày càng hiện đại nhưng vẫn giữ bản sắc riêng, những người quản lý ở đây đã học tập kinh nghiệm, tiếp thu cách làm mới ở các vườn thú Đông Nam Á. Điều mà ban lãnh đạo TVC hướng tới là tạo một môi trường thân thiện, gần gũi giữa con người với thiên nhiên.
Hiếm có vườn bách thảo nào ở Việt Nam lại có những người dày công nghiên cứu, sưu tập cây quý, nhân giống các loài thú hiếm để làm phong phú thêm số loài động, thực vật như ở TCV Sài Gòn. Khoe bộ sưu tập với ngót 150 cây trong vườn thuốc Nam, ông Trịnh Khiêm, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thực vật, nói: “Có một số cây thuốc nằm trong Sách đỏ Việt Nam, rất quý hiếm như ngũ gia bì gai, ria vàng, lược vàng và cũng không thiếu những cây thuốc dân gian như trinh nữ hoàng cung, cao ích mẫu, bạc hà…”.
Chuyện tìm “chồng” cho nàng cọp Đông Dương tên Mi, giúp nó sinh con sau hơn 10 năm “hiếm muộn” là một trong những minh chứng cho sự tận tâm, yêu nghề của tập thể Xí nghiệp Động vật - TCV Sài Gòn. Ông Trần Minh Tâm, người gắn bó với nghề nuôi cọp 26 năm ở TCV Sài Gòn, bồi hồi: “Mi đã 13 tuổi và trải qua 4 “đời chồng” nhưng đến “đời” thứ tư mới mang thai. Cả chục năm trước, mọi người cho Mi hôn phối đủ cách mà chẳng ăn thua. Thế rồi, cuối năm 2013, anh em mang chàng Xám từ Vườn thú Hà Nội về cho hôn phối với Mi. Sau 3 tháng được chăm sóc kỹ càng, tháng 2-2014, Mi sinh 5 chú cọp con khỏe mạnh”.
Cú “vượt cạn” ngoạn mục của Mi đã làm cả TCV nức lòng vì sau gần 50 năm, cọp cái ở đây không đẻ được con. năm chú cọp con của Mi - Xám được đặt những cái tên thân tình: Thảo, Cầm, Viên, Sài, Gòn. “Cách đây nửa năm, lại có thêm 2 chú cọp khác chào đời tại TCV mà bố mẹ là con Nhất, con Nhị. Hiện TCV có cả thảy 8 cọp con và 4 cọp cha mẹ là giống Đông Dương” - ông Tâm khoe.
Với nhiều em nhỏ, Trung tâm Giáo dục vườn thú là nơi khó thể bỏ qua khi đặt chân đến TCV Sài Gòn. Ra đời cách đây 15 năm, trung tâm này là ý tưởng của lãnh đạo TCV với mong muốn đưa những kiến thức về động, thực vật và bảo tồn đến với học sinh, sinh viên. Phòng tiêu bản ở đây trưng bày hơn 180 mẫu động vật do trung tâm sưu tầm từ những con thú đã chết, tái hiện 100% các loại động vật, bò sát để các em có cơ hội trải nghiệm thế giới quanh ta một cách sinh động nhất.
“Trong vòng 20 năm nay, chưa năm nào mà lượng khách đến tham quan TCV lại đạt con số lý tưởng với hơn 2,2 triệu người như năm 2013 và gần 2,3 triệu người năm 2014” - ông Phan Việt Lâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn, phấn khởi.
Khu rừng sưu tập giữa lòng Thành phố
Hiện nay, TP HCM đang gấp rút giải phóng mặt bằng để xây dựng Công viên Saigon Safari tại huyện Củ Chi, dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoạt động vào năm 2020. Với quy mô dự án 485 ha, gồm cả 25 ha khu tái định cư, đây là khu trưng bày thú theo mô hình hoang dã lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Lúc đó, TCV Sài Gòn sẽ trở thành một khu rừng sưu tập ở TP HCM để bảo tồn những loại thực vật quý hiếm, còn thú lớn sẽ đưa về Saigon Safari.
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...